Năm 2021 là một năm đầy những biến động của giới công nghệ toàn cầu, đặc biệt là với người khổng lồ mạng xã hội Facebook (nay có tên là Meta). Thách thức mà tập đoàn này phải đối đầu bao gồm cả những chỉ trích từ phía công luận về ảnh hưởng của Facebook và Instagram đối với công luận và sức khỏe, cùng với đó là những chính sách và hành động gay gắt hơn của các chính phủ.
Hồ sơ Facebook: Tác động của mạng xã hội lớn nhất thế giới
Vào khoảng giữa tháng 9/2021, một số tờ báo danh tiếng tại Mỹ, dẫn đầu là Wall Street Journal đã bắt đầu đăng tải những bài viết chi tiết về ảnh hưởng tiêu cực của Facebook đối với người dùng và xã hội nói chung. Chuỗi bài viết của Wall Street Journal, và sau đó là các tờ báo khác như Washington Post và New York Times, dần mang tên Hồ sơ Facebook. Người tiết lộ những báo cáo nội bộ hình thành nên cốt lõi của Hồ sơ Facebook sau đó đã công khai danh tính của mình là Frances Haugen - một cựu nhân viên Facebook.
Trước hết, về bản thân môi trường tương tác của người dùng trên Facebook, nghiên cứu nội bộ của công ty này cho thấy rằng kể từ khi triển khai các loại phản ứng khác nhau như “yêu”, “Wow”, “buồn” và “phẫn nộ”, thuật toán của Facebook đã khuyến khích các bài đăng nhận được nhiều phản ứng “phẫn nộ” từ người dùng hơn. Lý do ở đây rất đơn giản: những bài đăng như vậy thường được người dùng quan tâm, chia sẻ và bình luận hơn; và hoạt động của Facebook phụ thuộc vào việc người dùng tương tác với nhau như vậy.
Tuy nhiên, việc ưu tiên những bài đăng nhận nhiều phản ứng “phẫn nộ” tất yếu dẫn đến hậu quả là những nội dung chất lượng thấp, thông tin sai lệch hoặc dễ tạo phản ứng đối lập đều dễ hiện trước người dùng hơn so với những nội dung khác, tạo ra một môi trường chia rẽ, thiếu bình tĩnh và khiến thông tin thật giả càng dễ lẫn lộn hơn. Thêm vào đó, dường như CEO Mark Zuckerberg cũng đã lờ đi những lo ngại của nhân viên để đặt lợi nhuận lên trên việc duy trì môi trường văn minh hơn trên sản phẩm của mình.
Bên cạnh việc thuật toán của Facebook bị cáo buộc gây ra môi trường chia rẽ và cực đoan, tác động từ sản phẩm của Facebook còn đến từ một ứng dụng khác - Instagram. Theo Wall Street Journal, nghiên cứu nội bộ của Facebook cho thấy rằng Instagram có khả năng cao gây tổn hại sức khỏe tâm lý của thanh thiếu niên, đặc biệt là thiếu niên nữ. Sự tập trung vào hình ảnh cơ thể và lối sống trên ứng dụng chia sẻ ảnh này đã dẫn đến việc nhiều thiếu niên cảm thấy thất vọng về bản thân mình, thậm chí đến mức có ý định tự tử.
Việc tác động xấu của Instagram đã gây ra nhiều phản ứng từ giới lập pháp Mỹ, đặc biệt sau khi Frances Haugen ra điều trần trước Thượng viện Mỹ. Sau đó, Instagram đã thông báo tạm ngừng dự án “Instagram dành riêng cho trẻ em” và hứa hẹn sẽ thêm các tính năng để phụ huynh kiểm soát tài khoản của con mình và bảo vệ thanh thiếu niên khỏi nội dung độc hại. Đến đầu tháng 12/2021, đích thân người đứng đầu Instagram Adam Mosseri đã phải ra giải trình trước Thượng viện về những vấn đề xung quanh ứng dụng này.
Từ Facebook trở thành Meta: Hướng đến “vũ trụ ảo”
Một sự kiện đáng nói đến trong năm 2021 của mạng xã hội lớn nhất thế giới chính là việc công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp đã đổi tên từ Facebook, Inc. thành Meta Platforms Inc., hay thường được gọi với tên ngắn gọn là Meta.
Việc đổi tên này chính thức được CEO Mark Zuckerberg công bố tại sự kiện Facebook Connect ngày 28/10. Qua việc định hình lại thương hiệu, Meta muốn cho thấy tham vọng mở rộng hoạt động của mình ra ngoài việc vận hành Facebook và Instagram, thay vào đó nhắm đến một mục tiêu xa hơn: “vũ trụ ảo” (metaverse).
Vũ trụ ảo hiện vẫn còn là khái niệm đang được định hình và thảo luận bởi nhiều công ty, chuyên gia và nhà bình luận. Trong bức thư công bố ngày 28/10, Mark Zuckerberg đã vạch ra lý tưởng của mình về vũ trụ ảo mà Meta muốn xây dựng: một nền tảng thế giới ảo cho phép người dùng làm mọi thứ và có được mọi trải nghiệm, từ học tập, làm việc, vui chơi cho đến sáng tạo và mua sắm; cũng như là cái đích cuối cùng của công nghệ mạng xã hội. Theo Zuckerberg, người dùng sẽ trải nghiệm vũ trụ ảo này qua nhiều thiết bị khác nhau, bao gồm kính thực tế ảo (VR), kính thực tế tăng cường (AR), điện thoại và máy tính.
Facebook/Meta đã có hơn 10.000 nhân viên tham gia xây dựng các sản phẩm phần cứng tiêu dùng như kính thực tế ảo - một thiết bị Mark Zuckerberg tin rằng sẽ dần trở nên phổ biến như smartphone hiện nay. Vào tháng 7/2021, Zuckerberg đã nói rằng trong vòng vài năm tới, Facebook sẽ trở thành một công ty vũ trụ ảo thay vì chỉ được coi là công ty mạng xã hội như hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đổi tên thương hiệu cũng chỉ nhằm mang mục đích tách biệt Mark Zuckerberg và công ty với những chỉ trích mà mạng xã hội Facebook đang phải hứng chịu do những thông tin cựu nhân viên Frances Haugen tiết lộ, bên cạnh việc việc giới quản lý chống độc quyền tại Mỹ và châu Âu đang liên tục đặt Facebook vào tầm ngắm.
Thêm vào đó, nhiều nhà phân tích và công chúng cũng đặt nghi vấn vào viễn cảnh vũ trụ ảo của Meta. Việc dựa vào các thiết bị VR và AR - vốn mới là một thị trường tương đối nhỏ hẹp và có chi phí thiết bị cao - vẫn là giới hạn đối với vũ trụ ảo. Một số chuyên gia cho rằng có thể mất tới 10 năm nữa để Meta có một sản phẩm hoàn thiện đúng nghĩa với lý tưởng của Zuckerberg.
Bên cạnh đó, công chúng còn nghi ngờ rằng vũ trụ ảo mà Meta tạo ra sẽ là một môi trường mở mang tính tích cực, với đầy đủ những tiềm năng và bớt đi những nhược điểm mang tính xã hội hiện diện trên Facebook và Instagram. Nếu vũ trụ ảo của Meta trở thành một thế giới tương tự như Facebook ở thời điểm hiện tại - nơi mà thông tin sai lệch, thái độ và lời lẽ tiêu cực cũng những hành vi phản văn hóa đang lan tràn rộng rãi - có lẽ ít ai sẽ muốn tham gia vào thế giới đó