Trong vòng 10 năm trở lại đây, thương mại - du lịch là lĩnh vực phát triển bứt phá của Đà Nẵng, thành một trong những trụ cột kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã “đánh gãy” mũi nhọn này. Trong khi đó, dịch vụ logistics vẫn còn nhiều tiềm năng để góp phần phát triển kinh tế cho Đà Nẵng trong thời gian tới.
Thế mạnh thiên phú
Lịch sử phát triển về phương Nam từ thời nhà Nguyễn cho đến thời Pháp thuộc... Đà Nẵng đã và luôn được xem là vị trí trọng yếu để phát triển kinh tế xã hội. Các cảng thị Đà Nẵng cùng với Hội An đã từng sầm uất tàu thuyền buôn bán quốc tế từ thế kỷ 16, 17. Và bây giờ, Đà Nẵng vẫn là cửa ngõ của miền Trung, có vai trò rất quan trọng, là đầu mối giao thông vận tải.
Tuy vậy, hội nhập và mở cửa thị trường dịch vụ logistics đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho Đà Nẵng. Điều này đòi hỏi môi trường logistics thành phố phải được cải thiện toàn diện, ngang tầm khu vực để hướng tới “hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng”.
Theo GS, TS Đặng Đình Đào, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, logistics được coi là ngành “dịch vụ cơ sở hạ tầng” của nền kinh tế. Không chỉ đem lại nguồn lợi to lớn đối với quốc gia, mà còn có vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế nhờ tối ưu hóa các dòng vận động hàng hóa, tiền tệ, thông tin với chi phí thấp và tận dụng hiệu quả cơ hội từ mở cửa thị trường dịch vụ logistics.
Việc định hướng phát triển logistics gắn với cảng biển, sân bay quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong việc đề xuất các giải pháp và kiến nghị để xây dựng TP.Đà Nẵng “trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…”.
TS Đào cho rằng Đà Nẵng rất có tiềm năng phát triển logistics. Bởi địa thế trung điểm của cả nước, điểm cuối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) lại hội tụ các loại hình vận tải hàng không, cảng biển, đường sắt, các tuyến cao tốc… tiềm năng phát triển logistics của Đà Nẵng là rất lớn.
Đặc biệt, sau 25 năm chia tách tỉnh, phát triển đô thị, Đà Nẵng không ngừng đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông đường bộ, nâng công suất sân bay Đà Nẵng, cảng Tiên Sa. Thực tế sau khi hoàn thành nhà ga T2, sân bay Đà Nẵng đã có lượng khách hơn 15,5 triệu người (năm 2019), gần gấp đôi công suất.
Hoàn thành dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đã nâng năng lực bốc dỡ lên 10 - 12 triệu tấn/năm, sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 43,1 triệu tấn, tăng bình quân 9,3%/năm. Hiện Tiên Sa là cảng container lớn nhất miền Trung.
Cần cải thiện cả hạ tầng lẫn chính sách
Tuy vậy, nguồn nhân lực logistics ở Đà Nẵng vẫn thiếu, phần lớn do doanh nghiệp tự đào tạo, trường đào tạo chuyên ngành cho logistics còn rất hạn chế. Vì vậy, để phát triển logistics của Đà Nẵng bên cạnh việc cải thiện môi trường logistics từ chính sách phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng logistics, Đà Nẵng cần phải xây dựng thị trường bất động sản logistics trên cơ sở đầu tư phát triển các KCN logistics, kể cả KCN logistics công nghệ cao cùng với xây dựng các trung tâm logistics quy mô quốc gia, quốc tế, phát triển hệ thống doanh nghiệp logistics...
Định hướng Nghị quyết số 45-NQ/TW (ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị), Đà Nẵng sẽ được xây dựng thành trung tâm chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung. Vì vậy, ngay trong điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cho đến các dự án trọng điểm về phát triển hạ tầng, đã được Đà Nẵng chú trọng.
Sân bay Đà Nẵng đã đặt mục tiêu nâng lên 30 triệu khách/năm vào năm 2030. Hiện dự án cảng Liên Chiểu, dự án di dời ga đường sắt đang xúc tiến khẩn trương. Đặc biệt, thành phố ưu tiên bố trí quỹ đất phát triển hệ thống kho bãi logistics và tạo cơ chế hấp dẫn khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực này...
Theo quy hoạch phát triển hạ tầng logistics Đà Nẵng đến năm 2030 với tổng vốn hơn 13,6 nghìn tỉ đồng, trên diện tích 312ha. Đà Nẵng đặt mục tiêu các trung tâm logistics sẽ đáp ứng 35% cho luồng hàng hóa qua cảng biển, 20% qua cảng hàng không và đường sắt…
Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, Đà Nẵng cần cải thiện môi trường logistics - xây dựng và phát triển hệ thống logistics thành phố ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới, trước hết cần phải thấy được những hạn chế và nguyên nhân về môi trường logistics Đà Nẵng trên các yếu tố như, cơ chế, chính sách phát triển logistics thành phố; cơ sở hạ tầng logistics, thu hút đầu tư logistics; hệ thống các doanh nghiệp logistics, thị trường, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics và nguồn nhân lực logistics...
Xem thêm: odl.034999-gnan-ad-auc-et-hnik-nohn-ium-gnuhn-gnort-tom-al-es-scitsigol/et-hnik/nv.gnodoal