Mới đây, Công an TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan triệt phá nhiều đường dây chuyên sản xuất, tàng trữ, mua bán tiền giả mệnh giá lớn, giao dịch hàng trăm triệu đồng.
Nhóm thanh niên góp ‘cổ phần’ sản xuất tiền giả
Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an quận 12, TP.HCM vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ba người để điều tra về tội sản xuất, tàng trữ tiền giả; làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức và tàng trữ trái phép chất ma túy.
Ba người này gồm Lê Dương Tấn Tân (28 tuổi, ngụ phường Đông Hưng Thuận, quận 12), Phan Thanh Hiếu (26 tuổi, trú phường 4, quận Phú Nhuận) và Trần Sơn (29 tuổi, ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu). Ngoài ra, công an đang củng cố hồ sơ, làm rõ vai trò của Trương Thị Cẩm Châu (23 tuổi, ngụ phường 14, quận Gò Vấp) để điều tra về cùng tội danh.
Tân, Hiếu và Sơn (từ trái qua) hiện đã bị Công an quận 12, TP.HCM bắt. Ảnh: NT
“Đây là nhóm thanh niên nghiện ma túy, sử dụng phương tiện kỹ thuật cao in tiền giả mệnh giá 500.000 đồng một cách tinh vi”- Trung tá Võ Chí Hiếu, Đội Trưởng Đội CSHS, Công an quận 12 cho hay. Cũng theo Trung tá Hiếu, vụ việc được phát hiện từ manh mối một vụ buôn bán tiền giả trước đó, và nhất cử nhất động của nhóm này được đưa vào tầm ngắm.
Khoảng 12 giờ 40 ngày 17-12-2021, các trinh sát phát hiện nam thanh niên dáng vẻ thư sinh, mặc đồ xe ôm công nghệ đang lưu thông trên đường Lê Văn Khương nên kiểm tra. “Người này là Phan Thanh Hiếu – một mắt xích quan trọng trong đường dây làm giả, tàng trữ và lưu hành tiền giả” – Trung tá Hiếu nói và cho biết qua khám xét phát hiện nam thanh niên này đang tàng trữ 50 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng giả.
Tại cơ quan công an, Hiếu một mực chối tội, cho rằng mình chỉ là một người giao hàng công nghệ bình thường, không biết bên trong hàng là gì, cũng không quen biết người giao hay khách hàng.
Tuy nhiên bằng các biện pháp nghiệp vụ và những bằng chứng không thể chối cãi, Hiếu đã nhận tội. Trong nhóm, Hiếu đóng vai trò là ‘nhân viên giao tiền giả’ cho khách khi nhận được đơn hàng. Khi có bất trắc thì sẽ giả mạo là giao hàng công nghệ để chối tội.
Cùng thời điểm, các mũi trinh sát ập vào các địa điểm là nơi ở và sản xuất tiền giả của nhóm này tại một nhà trọ trên đường Quang Trung (phường 14, quận Gò Vấp) và bắt thêm Tân, Sơn; mời làm việc với Châu để điều tra làm rõ.
“Trong quá trình khám xét, bắt giữ, chúng tôi thu giữ tại nơi ở của Tân bốn túi nylon chứa ma túy đá nên xử lý thêm về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy” – lãnh đạo Đội CSHS Công an quận 12 nói.
Trang thiết bị dùng sản xuất tiền giả, con dấu giả. Ảnh: NT
Qua điều tra, Tân được xác định đóng vai trò cầm đầu, tổ chức làm giả tiền mệnh giá lớn. Các thành viên trong nhóm có trách nhiệm tìm kiếm khách hàng. Những người này đã lập nhiều nick ảo trên mạng xã hội và rao bán trên các nhóm riêng tư theo kiểu núp bóng là “đổi tiền”.
Mặc dù giao dịch rất kín kẽ nhưng đã bị các trinh sát hình sự, Công an quận 12 phát hiện hành tung. Công an quận 12 đã thu giữ thêm 10 triệu tiền giả mệnh giá 500.000 đồng cùng hàng loạt các loại máy móc phục vụ việc in ấn tiền giả.
Mở rộng điều tra, công an xác định nhóm này còn kiêm thêm in ấn, cung cấp các loại giấy tờ tùy thân, bằng cấp… Công an quận 12 đã thu giữ 65 con dấu giả các loại.
Theo lãnh đạo Đội CSHS, nhóm này nhiều tiền án, tiền sự nghiện ma túy, không công việc ổn định, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình. “Ban đầu, chúng tôi xác định nhóm này chỉ làm tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng. Tờ tiền được làm y như thật, bằng mắt thường không thể nào nhận ra được” – lãnh đạo đội CSHS, Công an quận 12 nói.
Tân cũng thừa nhận mới làm tiền giả từ khoảng tháng 12-2021 thì bị phát hiện. Để hoạt động, các thành viên đều để dành tiền, góp “cổ phần” từ ban đầu để mua sắm máy móc, thiết bị để có trách nhiệm trong “công việc”.
Một triệu tiền thật mua được năm triệu tiền giả
Hay ngày 29-1, Công an TP.HCM phối hợp với Công an quận 12, Công an huyện Hóc Môn và Công an tỉnh Bình Thuận triệt phá đường dây chuyên sản xuất, tàng trữ và lưu hành tiền giả do Diệp Đình Minh (31 tuổi, ngụ huyện Đức Linh, Bình Thuận) cầm đầu.
Công an bắt Hồ Văn Hoàng Giang (30 tuổi, ngụ quận 12), Hồ Hoàng Long (hay còn gọi là Tý, 43 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai), Võ Văn Sang (27 tuổi) và Đặng Thị Minh Thư (24 tuổi, cùng ngụ huyện Hóc Môn) để điều tra về hành vi tàng trữ tiền giả, tàng trữ trái phép chất ma túy.
Công an bắt nhóm Minh, Long, Sang và Thư để điều tra. Ảnh: CA
Theo điều tra, từ khoảng tháng 1-2021, Minh đặt mua các dụng cụ in ấn như máy scan, máy ép nhiệt… để sản xuất tiền giả. “Người này dùng tiền thật để vào máy scan, scan hình tiền qua giấy. Sau đó dùng dao cắt các cửa sổ trên hình tiền, ép một lớp nylon mỏng lên để làm giả các tờ tiền mệnh giá từ 200.000 đến 500.000 giống như thật” – một cán bộ điều tra nói.
Để tìm “đầu ra” cho “sản phẩm, Minh gọi cho Long (bạn tù cùng thụ án ở trại giam Bình Thuận trước đó). Qua trao đổi, Long đồng ý làm “đại lý” tiêu thụ tiền cho Minh. Minh sẽ bán với tỉ lệ là một triệu tiền thật mua được năm triệu tiền giả.
“Tính đến thời điểm bị bắt, Minh đã bán cho Long khoảng tám lần với tổng số tiền giả là 500 triệu đồng”- vị cán bộ điều tra nói và cho hay Minh đã thu lợi từ các giao dịch này khoảng 60 triệu đồng.
Một số lượng lớn tiền giả cũng bị thu giữ. Ảnh: CA
Công an cũng xác định Minh bán tiền giả cho Giang. Nhóm này tạo ra các “chân rết” khép kín từ khâu sản xuất, tiêu thụ. Giang có nhiệm vụ lên mạng xã hội tìm người có nhu cầu mua tiền giả để hẹn gặp Long giao dịch. Giang sau đó giới thiệu cho Long giao dịch với một phụ nữ tên Nguyên trong ba lần, tổng số tiền giả là hơn 300 triệu đồng.
Ngoài ra, tiền giả do Minh giao được Giang, Long rao bán trên các hội nhóm kín trên mạng xã hội hoặc qua các mối quan hệ thân tình quen biết như với Long. Nhóm này giao dịch cũng rất kín kẽ và chủ động “thu vòi” khi nghi ngờ bị theo dõi.
Cũng theo vị cán bộ điều tra, các nghi phạm trong đường dây rất ma mãnh, từng vào tù ra tội, kinh nghiệm “đầy mình” lại thường xuyên thay đổi địa điểm, phương thức, thủ đoạn hoạt động khiến công tác điều tra, phối hợp gặp không ít khó khăn. Thời điểm cận Tết, để nhóm này không đưa tiền giả ra tiêu thụ bên ngoài nên ban chuyên án quyết định “cất lưới”.
Theo đó, ngày 29-12-2021, sau khi bán cho Giang, Long 280 triệu đồng tiền giả được 23 triệu đồng tiền thật, Minh bắt xe từ quận Tân Phú về nhà ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận thì bị Phòng PC02 phối hợp với Công an huyện Đức Linh ập đến đưa về trụ sở.
Gần như cùng thời điểm, các mũi trinh sát đồng loạt xuất quân, bắt Giang trên đường Hà Huy Giáp (phường Thạnh Lộc, quận 12), kiểm tra nơi ở của Long (sống lang thang) và Sang, Thư (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) …
Công an đồng loạt ập vào nhiều địa điểm bắt các nghi phạm trong đường dây. Ảnh: CA
Sang và Thư khai là bạn của Long nên thường hay tụ tập tại phòng trọ để chơi ma túy đá. “Long có đưa cho tôi xem tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng, nhờ tôi bán giúp” – Sang khai và cho hay đã quay clip các tờ tiền giả rồi nhắn tin qua mạng xã hội, rao bán cho một người tên Phương (chưa xác định được lai lịch). Tuy nhiên Phương chê tiền quá xấu, không mua.
Khám xét nơi ở của Sang và Thư, Công an thu giữ một quả lựu đạn, bốn viên thuốc lắc, một túi chứa ma túy tổng hợp, bốn dao tự chế.
Tại nơi ở của Long, công an thu giữ 142 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng. Hai túi nylon chứa ma túy. Khám xét Giang, công an thu giữ 338 tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng, 284 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng.
Hiện hồ sơ các vụ việc đã được bàn giao cho Công an TP.HCM tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
(Kỳ sau: Công an và ngân hàng cảnh báo người dân cảnh giác với tiền giả)