Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, xu hướng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử của người tiêu dùng vẫn tăng cao. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán cận kề, thị trường chợ Tết online càng trở nên sôi động.
Người dân chuộng sắm Tết online
Lo ngại những nguy cơ dịch bệnh khi đi chợ truyền thống, chị Nguyễn Thị Lượng (Phạm Văn Đồng, Hà Nội) cho biết, việc mua sắm online ngày một thành thói quen và giúp chị tiết kiệm nhiều thời gian.
“Để hạn chế tiếp xúc, đi lại giữa mùa dịch, thay vì đến siêu thị, chợ truyền thống, tôi chọn lên mạng mua cho tiện, ở đó cũng có đầy đủ đồ dùng cho Tết Nguyên đán. Hàng hóa đa dạng chủng loại từ trang trí nhà cửa đến bánh kẹo, đặc sản vùng miền hay quà biếu tặng cũng có luôn” - chị Lượng cho hay.
Cũng theo chị Lượng, việc mua hàng online ít có hiện tượng tăng giá bất thường. Đặc biệt, với nhiều mã giảm giá, chị có thể tiết kiệm được một khoản chi phí và được vận chuyển tận nhà.
Tương tự, chị Mai Lan (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Dịp Tết, ngại nhất là phải đi mua sắm đông đúc, chen lấn, xếp hàng và mất trộm nên năm nay, khoảng 90% hàng Tết, từ bánh kẹo, mứt, hoa quả tôi đều mua online. Trên các sàn thương mại điện tử, người bán khá uy tín, đồ các mẫu cũng hiện đại, tôi săn sale được mã giảm giá nên giá cũng rẻ hơn”.
Theo ghi nhận của PV, những ngày này, các sàn thương mại điện tử đều chú trọng đến chất lượng và ưu đãi với các sản phẩm có sức tiêu thụ lớn dịp Tết cổ truyền, tập trung vào các nhóm hàng Việt như đồ trang trí nhà cửa, thực phẩm, bánh kẹo, đặc sản vùng miền, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đồ gia dụng…
Với ưu đãi khuyến mãi như "mua 1 tặng 1", giảm giá 30-50%, các sản phẩm trang trí nhà cửa, đồ gia dụng, thời trang được người dân lựa chọn nhiều nhất. Bên cạnh đó, các loại đặc sản vùng miền như cá kho làng Vũ Đại, cam sành Hà Giang, thanh long Long An, bưởi Diễn, cà phê Tây Nguyên, thủy hải sản các tỉnh miền Tây… cũng được người dân ưa chuộng.
Để thu hút khách hàng, nhiều gian hàng "Quà Tết 2022” còn được chia theo chủ đề như: Giỏ quà tặng gia đình, giỏ quà biếu ông bà, giỏ quà tặng nhân viên... với mức giá dao động từ 200.000 – 800.000 đồng.
Tiểu thương đưa hàng Tết lên chợ mạng
Nắm bắt được tâm lý mua sắm của người dân kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19, nhiều tiểu thương và những doanh nghiệp buôn bán nhỏ lẻ cũng tích cực đẩy mạnh, đưa sản phẩm lên bán trên các trang thương mại điện tử với vô số chương trình ưu đãi như miễn phí vận chuyển và mức giảm khoảng 10-30% giá bán theo từng sàn.
Chị Minh An (30 tuổi, Thành phố Vinh, Nghệ An), tiểu thương kinh doanh online mặt hàng giò bê cho biết, hiện nay, lượng giò bán ra qua kênh online mang đến 40% lợi nhuận cho gia đình chị.
“Do ảnh hưởng của dịch, so với mọi năm thì lượng giò bán ra kém hơn nhưng về bán hàng online tăng gần 50%. Tôi cũng thường xuyên ghi lại hình ảnh sản xuất trực tiếp tại xưởng, để khách hàng có niềm tin vào các sản phẩm dù là mua qua mạng”, chị Minh An cho biết.
Tương tự, anh Khắc Phong (36 tuổi, Ba Đình, Hà Nội), tiểu thương bán gà Đông Tảo trên sàn Shopee cho biết, cận Tết, lượng khách đặt mua gà đi biếu khá nhộn nhịp.
“Mọi năm khách mua chủ yếu về tận trang trại để lựa chọn, nhưng năm nay số lượng đặt mua qua kênh online tăng mạnh, những con gà có mức giá trung bình từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng/con không còn hàng để bán”.
Cũng theo anh Phong, việc mua sắm trực tuyến không chỉ giúp người tiêu dùng mua sắm tiện lợi, an toàn mà còn đẩy nhanh tiêu thụ cho người bán.
Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, trong dịp Tết, không tránh khỏi nhiều kẻ lợi dụng tung hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc lợi dụng thanh toán chuyển khoản qua Mobile Banking, ví điện tử hay QR Code… để đánh cắp tài khoản.
Do đó, để tránh các tình trạng không mong muốn khi mua sắm online, nhiều sàn thương mại điện tử khuyến khích khách hàng nên để lại đánh giá sản phẩm để có thể chia sẻ trải nghiệm mua sắm của mình tới nhiều khách hàng khác.
Xem thêm: odl.5400001-ut-neid-iam-gnouht-nas-cac-nert-tet-ohc-pihn-nohn/et-hnik/nv.gnodoal