Xã hội hiện đại, bất kỳ thứ gì cũng có thể trở thành thương phẩm, có thể nói "cơ hội thương mại là vô hạn". Tuy vậy trong khi đa số các thương nhân còn trong tình trạng mò mẫm, người Do Thái đã tiến hành phân loại thương phẩm. Họ cho rằng, bất kể quá khứ, hiện tại hay tương lai, "phụ nữ" và "cái miệng" luôn là hai nhân tố có thể khai thác để kiếm được nhiều tiền nhất. Kinh nghiệm của người Do Thái là: "Đàn ông làm việc để kiếm tiền, đàn bà sử dụng số tiền đàn ông kiếm được".
Nhắm thẳng túi tiền phụ nữ
Khởi đầu lịch sử nhân loại, nam nữ cùng làm cùng ăn. Sau khi trải qua giai đoạn xã hội nguyên thủy, nhân loại dần dần tiến hóa, công việc trở thành nhiệm vụ chủ yếu của nam giới, phụ nữ dần thoát ly với công việc mà trở thành người trông coi bếp núc gia đình, sử dụng số tiền mà người đàn ông kiếm được. Và như vậy, tiền bạc trên thế giới hầu như đều được tập trung vào tay phụ nữ. Người Do Thái đã sớm nhìn thấu điểm này và không ngần ngại đề xướng khẩu hiệu "nhắm vào phụ nữ". Nói theo cách của họ là, "nhắm vào phụ nữ, đoạt lấy tiền bạc phụ nữ đang nắm giữ".
Nhắm trúng đối tượng "phụ nữ", tiền của nhất định sẽ ào ào đổ tới. Ngược lại, nếu chỉ nhắm vào đàn ông, công việc buôn bán dễ có khả năng thất bại. Vì nhiệm vụ của nam giới là kiếm tiền, mà kiếm tiền, hoàn toàn không có nghĩa là giữ tiền trong tay. Quyền giữ tiền, xài tiền phần lớn vẫn nằm trong tay của người phụ nữ.
Vì vậy, người Do Thái nhắc nhở chúng ta, kinh doanh nhắm đến "phụ nữ" là hết sức tuyệt vời, bất kể là kim cương lấp lánh, trang phục lộng lẫy, nhẫn vàng, trâm cài, cho đến dây chuyền, bông tai... hay các loại túi xách tay cao cấp, tất cả đều mang lại một nguồn lợi nhuận khổng lồ, chỉ cần thương nhân vận dụng trí não một chút, nắm bắt thời cơ, lấy "phụ nữ" làm đối tượng kiếm tiền.
Công ty bách hóa cao cấp Macy danh tiếng trên khắp thế giới được thành lập bởi một thương nhân Do Thái tên là Strauss. Strauss khởi đầu là một công nhân, sau đó trở thành nhân viên trong một cửa hiệu nhỏ. Trong giai đoạn làm thuê kiếm sống này,ông nhận thấy các khách hàng đến mua đa số đều là phụ nữ; cho dù có nam giới đi theo cũng chỉ để trả tiền, còn quyền quyết định mua hay không vẫn nằm trong tay phụ nữ.
Qua sự quan sát và phân tích của mình, ông cho rằng trong công việc buôn bán, nhắm vào nữ giới nhất định sẽ có một viễn cảnh khả quan. Đến khi tích lũy được một số vốn, ông liền tự mở một cửa hàng nhỏ lấy tên là Macy, bắt đầu kinh doanh trang phục phụ nữ, túi xách, mỹ phẩm...
Sau vài năm hoạt động, công việc buôn bán quả nhiên phát đạt, lợi nhuận thu được rất nhiều. Tiếp tục phát triển theo đường hướng đó, ông quyết định tăng thêm nguồn lực, mở rộng quy mô, giúp cho công ty tăng trưởng với tốc độ nhanh chống. Có được kinh nghiệm và nguồn vốn lớn, ông quyết định đa dạng hóa sản phẩm, triển khai kinh doanh các loại sản phẩm cao cấp như kim cương, trang sức bằng vàng, bạc.
Công ty bách hóa Macy tại New York của ông gồm có 6 tầng, trong đó có 2 tầng dành để trưng bày trang phục thời trang, một tầng dành để trưng bày kim cương và các đồ trang sức vàng, bạc; một tầng dành để trưng bày hóa mỹ phẩm; hai tầng còn lại được dùng để trưng bày các loại thương phẩm tổng hợp. Có thể thấy, các sản phẩm dành cho phụ nữ đã chiếm giữ vị trí tuyệt đối trong công ty bách hóa Macy.
Kinh doanh nhắm vào cái miệng
Một nguồn tài nguyên khác được thương nhân Do Thái phát hiện và khai thác hiệu quả chính là cái miệng của con người. Có thể nói, miệng là một "cái động tiêu hóa không đáy". Trên thế giới hiện nay đã có hơn 7 tỉ cái "động không đáy", tiềm năng thị trường của nó là vô cùng lớn. Vì vậy, tất cả những gì mà thương nhân Do Thái kinh doanh có liên quan đến cái miệng như cửa hàng thực phẩm, cửa hàng đường, cửa hàng cá, cửa hàng trái cây, cửa hàng rau quả, nhà hàng, quán cà phê, quán bar, câu lạc bộ... đều rất phát đạt.
Có thể nói một cách không khoa trương rằng, chỉ cần là thứ có thể cho vào miệng được, thương nhân Do Thái đều có thể kinh doanh, bởi đơn giản những món hàng đó đều có thể giúp họ kiếm tiền.
Đương nhiên, kinh doanh thực phẩm không thể nhanh chóng kiếm lợi như kinh doanh các sản phẩm dành cho nữ giới. Vì vậy, đối với người Do Thái, sản phẩm dành cho nữ giới được đặt lên vị trí "thương phẩm số một", còn thực phẩm phải xếp ở vị trí "thương phẩm số hai". Số thương nhân Do Thái theo đuổi công việc kinh doanh "thương phẩm số một" nhiều hơn hẳn số thương nhân kinh doanh "thương phẩm số hai".
Đương nhiên, ở bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, nếu chỉ cứng nhắc dựa vào những quy tắc kinh doanh thông thường thì rất khó mang lại hiệu quả. Nó đòi hỏi người kinh doanh phải có một đầu óc thông minh và một năng lực quan sát sâu rộng. Câu chuyện về một thương nhân Nhật Bản kinh doanh thành công món bánh mì nhân thịt dưới đây sẽ chứng minh cho lập luận trên.
Đó là một tỉ phú rất nổi tiếng người Osaka, và cũng là người sáng lập cửa hàng bánh mì nhân thịt Nhật Bản. Đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, ông hợp tác với công ty McDonald's của Mỹ, cung cấp cho thị trường Nhật Bản một loại bánh mì nhân thịt giá rẻ chất lượng cao.
Khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, các thương nhân Nhật Bản đều cười nhạo ông, cho rằng quyết định đưa bánh mì nhân thịt vào một thị trường quen dùng cơm như Nhật Bản chẳng khác gì một hành động tự đưa mình vào chỗ chết. Nhưng ông lại không cho là như vậy. Ông nhận thấy người Nhật có thể chất yếu đuối, thân hình thấp bé, điều này ắt hẳn có liên quan đến thói quen ăn cơm. Ông lại nhận thấy, hiệu ứng của các cửa hàng hamberger của Mỹ đang lan rộng ra toàn thế giới.
Từ hai quan điểm ấy, ông nhận định, cùng là thực phẩm của "cái miệng", tại Mỹ có thể tiêu thụ mạnh mẽ, thì không lý gì không tiêu thụ được tại Nhật Bản. Hơn nữa, theo quan niệm của người Do Thái, kinh doanh "cái miệng" nhất định sẽ kiếm được tiền. Chỉ cần đề ra biện pháp kinh doanh hữu hiệu, sao lại không thể thu được lợi nhuận?
Với niềm tin ấy, cửa hàng bánh mì nhân thịt của ông đã được khai trương. Không ngoài dự đoán, ngay ngày đầu tiên khai trương, khách hàng đã tranh nhau kéo đến, lợi nhuận vượt hơn tưởng tượng ban đầu của ông.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị