Phơi củ kiệu đón Tết
Đất Sài Gòn, người, xe như mắc cửi suốt ngày suốt đêm. Chuyện ồn ào, khói bụi, kẹt xe như chuyện mưa nắng. Cả năm được mấy ngày Tết đường sá trống trải, thấy như đang đi chơi đâu đó chứ hổng phải ở nhà, dễ chịu lắm.
Sinh ra và lớn lên ở nơi quanh năm hối hả tấp nập, tôi quen và yêu cái Tết nhẹ nhàng, chậm rãi của thành phố này.
Tết chầm chậm và nếp nhà phố thị
Những ngày Tết, thành phố tôi thật đẹp. Đường vắng, người thưa, không khí trong lành, mát mẻ. Xe cộ vẫn ngược xuôi, nhưng chậm lại, thong thả và từ tốn. Mấy ngày này, tôi thích loanh quanh đây đó, vừa đi vừa ngắm phố phường yên ả. Là chốn cũ thôi, nhưng nay sao thấy duyên dáng và nên thơ lạ.
Tôi yêu nếp nhà truyền thống vẫn tồn tại tự nhiên trong nhiều gia đình sống giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp. Bình dị thôi mà vô cùng đáng quý.
Những ngày giáp Tết. Không khó bắt gặp nồi bánh chưng, bánh tét đỏ lửa trong sân nhà, hay dọc các con hẻm nhỏ. Gia đình bạn tôi, nhà phố chật hẹp, hai bác lớn tuổi, nhưng năm nào cũng gói bánh. Bác nói, gói bánh cho vui, Tết mà không có nồi bánh thì buồn lắm.
Cũng dễ dàng thấy mâm củ cải, rổ củ kiệu, củ hành phơi hong trên ban công, hay trước hiên nhà ai đó. Ở Sài Gòn, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều sẵn.
Nhưng nhiều gia đình vẫn tự tay mua về, cắt, rửa, phơi, ngâm. Biết bao công đoạn để có thứ đồ chua truyền thống ngày Tết, "tự làm cho sạch sẽ và có không khí Tết", mấy dì, mấy chị nói vậy.
Rồi lòng vòng đây đó, thấy nhà nọ, nhà kia xúm xít quét dọn, bày hoa cúc, hoa mai mà nghe trong lòng chộn rộn, xôn xao.
Người Sài Gòn thích chơi hoa mai. Xóm tôi ở, nhiều gia đình trồng mai lắm. Nhà tôi cũng có cây mai trước ngõ, năm nào ba tôi cũng coi thời tiết, canh ngày lặt lá.
Nhắm lạnh lạnh, mưa nhiều thì lặt trễ, trời nắng ráo thì chừng 10 hay 12 tháng chạp. Lặt tầm đó sẽ có bông đẹp chơi Tết. Theo kinh nghiệm của ba là vậy. Nhìn ba với mấy chú, mấy cô trong xóm tuốt lá mai là biết Tết về tới cửa rồi.
Lặt lá mai, rồi sơn hàng rào, cửa, cổng cho mới mẻ. Đứa lớn sơn khúc trên, mấy đứa nhỏ quẹt quẹt dưới thấp... mùi sơn thoang thoảng bay qua, ký ức tuổi thơ tôi ùa về. Một thứ mùi, đối với tôi, không chỉ là mùi sơn, mà còn là mùi của những ngày chộn rộn, quây quần.
Cây mai trước ngõ đã được lặt lá
Mùi Tết của tôi
Thứ mùi cứ âm ỉ, dai dẳng trong lòng đứa nhỏ 8, 9 tuổi đến giờ hơn 40 rồi, hễ nghe thấy là biết Tết sắp tới. Đó là mùi vôi quét tường, mùi sơn cửa của ba và mùi củ kiệu của mẹ.
Như một cái hẹn, năm nào ba mẹ tôi cũng sửa sang lại nhà cửa vào cuối năm. Hồi xưa, không có nhiều tiền để sửa chữa một lần. Nên cứ mỗi năm ba mẹ lại làm từng chỗ vậy thôi. Rủng rỉnh thì xây lại cái bếp, làm thêm cái gác gỗ, lát gạch tàu cái sân. Không thì cũng sơn lại khung cửa, cánh cổng, quét vôi hay đánh verni bộ bàn ghế...
Kiểu gì cũng phải làm mới cái nhà một chút. Cả nhà tôi cùng nhau dời cái này, dọn cái nọ, sơn, phết. Tôi cũng được giao nhiệm vụ này. Khoái lắm.
Ngồi quẹt quẹt, loang lổ, chỗ mỏng chỗ dày, sơn chảy nhễu nhão tùm lum. Làm xong ba phải dặm tới dặm lui, thấm dầu hôi chùi nền nhà, nền sân lại thấy mồ, vậy chớ không khi nào bị rầy, mà còn được giao làm hoài.
Sơn cửa nhà đón Tết
Rồi không biết tự bao giờ, mùi sơn, mùi vôi ấy hằn sâu vào tâm trí đứa nhỏ từ thưở lên 8, lên 9. Nó không còn đơn thuần là mùi hóa chất nữa, mà là mùi của những bữa cả nhà lăng xăng, chộn rộn mấy ngày giáp Tết.
Tết ngày xưa, nhà tôi cũng có nồi thịt kho trứng, tô canh khổ qua, và củ kiệu. Ngày nhỏ, tôi chỉ ăn thịt, không ăn củ kiệu. Vì nó chua, nồng mà cay nữa. Với con nít, nó khó ăn lắm. Vậy mà sao thứ đồ chua đó lại làm tôi nhớ mãi.
Cứ tầm 20 tháng chạp, mẹ đi chợ mua kiệu về, cắt, ngâm nước tro, phơi nắng, cắt sạch sẽ lần nữa và cuối cùng là ngâm với dấm nuôi lúc nào cũng sẵn trong bếp.
Lâu lâu mẹ lại dở ra thăm chừng. Mỗi lần mở ra là thứ mùi hắc, nồng, chua chua đó thoảng khắp nhà. Mẹ quay qua nhìn mấy cha con "thấy thơm không". Có đứa nhăn nhó, hít lỗ mũi kêu, "mùi gì nghe ghê quá à".
Vậy chứ từ từ quen, rồi một bữa gắp thử bỏ miệng. Nó bắc ghiền hồi nào hổng hay.
Đó là Tết của nhà tôi ngày xưa. Giờ ba mẹ không còn nữa. Không còn nhìn thấy tấm lưng trần khòm khòm nhễ nhại mồ hôi khi đục đẽo, sửa nọ sửa kia của ba, không còn được thưởng thức món ăn mẹ nấu. Nhưng cảm xúc bình yên, ấm áp và mùi hương ngày Tết xưa cũ ấy vẫn còn nguyên trong tôi.
Tới lượt gia đình nhỏ của mình. Tôi cũng thích làm vài món để chuẩn bị cho Tết. Thịt kho, canh khổ qua... và củ kiệu. Năm nào tôi cũng làm một hũ nhỏ để dành ăn với thịt kho. Mùi dấm đường thắng lên hăng hắc, chua nồng tỏa ra khắp nhà. Con tôi nó hỏi, mùi gì chua lòm vậy mẹ. Nó hỏi y tôi hồi nhỏ và nó cũng chưa biết ăn củ kiệu...
Tết ngày nhỏ của tôi như vậy đó, được làm, được chơi. Những nếp cũ từ ba mẹ vẫn nằm nguyên trong ký ức tuổi thơ tôi.
Khi trưởng thành, cuộc sống có lúc rày lúc khác, mỗi năm mỗi hoàn cảnh. Nhưng tôi vẫn thấy yêu ngày Tết. Yêu những lúc cả nhà cùng lăng xăng, chộn rộn. Yêu cái Tết nhẹ nhàng, lặng lẽ của Sài Gòn thân thương và yêu lắm mùi Tết của riêng tôi.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
TTO - Nhà văn Sơn Nam đã viết: "Ăn Tết mình phải về quê. Ở quê mới có cái không khí Tết dân tộc. Xưa nay đều vậy cả". Đúng như thế! Tết quê, nhà dù nghèo hay giàu cũng đều sơn phết lại. Vườn tược, sân trước sân sau cũng sửa sang sạch đẹp.
Xem thêm: mth.86382121103102202-gnouht-naht-nog-ias-auc-el-gnal-gnahn-ehn-tet-iac-uey/nv.ertiout