Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây đã cho biết có thể sẽ áp các biện pháp trừng phạt kinh tế "chưa từng có" kèm với những hậu quả to lớn" đối với Nga nếu Moscow động binh với Ukraine, hãng tin AFP đưa tin.
Dưới đây là những biện pháp trường phạt có thể phương Tây sẽ áp dụng và những tác động của chúng:
Nhắm vào ông Putin và ngành dầu khí Nga
Washington đã cho biết khả năng áp các lệnh trừng phạt trực tiếp nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo AFP, đây là một động thái phần lớn mang tính biểu tượng tương tự như những hành động chống lại cựu lãnh đạo Libya Moamer Kadhafi và Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong tuần này, ông Biden đã nêu ra khả năng áp lệnh trừng phạt nhắm vào người đồng cấp Nga. Ông không nói rõ các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng như thế nào, nhưng nhìn chung các biện pháp này bao gồm đóng băng tài sản cá nhân của ông Putin ở nước ngoài và ngăn nhà lãnh đạo Nga thực hiện giao dịch với ngân hàng nước ngoài.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP
Đáp lại phía Mỹ, Điện Kremlin cho rằng động thái này sẽ là vô nghĩa vì các quan chức Nga bị cấm nắm giữ của cải ở nước ngoài và chúng sẽ gây tổn hại cho chính sách ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo AFP, một bước đi có khả năng gây tổn hại hơn là ngăn các ngân hàng Nga giao dịch bằng đồng USD - đồng tiền chủ chốt trên thị trường quốc tế, hoặc loại Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) - một cơ chế quan trọng của các sàn giao dịch tài chính quốc tế. Theo đó, lĩnh vực dầu khí quan trọng của nước này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Một mục tiêu trừng phạt tiềm năng khác là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên NORD STREAM 2 từ Nga tới Đức. Đường ống này được xây dựng để tăng gấp đôi nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Ngoài ra, phương Tây cũng có thể cấm xuất khẩu các công nghệ quan trọng sang Nga.
Pháo đài Nga
Nga đã vượt qua làn sóng trừng phạt của phương Tây sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 - động thái khiến giá trị đồng Rúp và đầu tư nước ngoài vào Nga suy giảm.
Đáp lại các lệnh trừng phạt, Moscow đã xây dựng cái được gọi là "pháo đài của nước Nga", các biện pháp được thiết kế để đảm bảo các lệnh trừng phạt mới sẽ không khiến nền kinh tế hoặc hệ thống tài chính của Nga sụp đổ.
Tính đến ngày 1-1, quỹ tài sản của Nga National Wealth Fund có tài sản trị giá 182 tỉ USD, tương đương gần 12% GDP, theo Bộ Tài chính Nga. Nước này cũng có một khoản nợ nước ngoài nhỏ so với các cường quốc toàn cầu khác và một lượng dự trữ ngoại tệ lớn do ngân hàng trung ương tích lũy.
Moscow cũng đã theo đuổi chính sách "khử đồng USD” trong nhiều năm và kêu gọi các đối tác của mình, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ, thực hiện thanh toán bằng các loại tiền tệ khác.
Năm ngoái, Nga cho biết họ sẽ loại đồng USD khỏi Quỹ tài sản quốc gia của mình. Để giảm thiểu rủi ro bị loại khỏi các tổ chức tài chính do phương Tây kiểm soát, Nga đã tung ra hệ thống thanh toán MIR của riêng mình.
Hiệu ứng boomerang
Châu Âu vẫn phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga, đặc biệt trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt trên khắp lục địa và khi Moscow được cho là đang giảm nguồn cung. Việc loại Moscow khỏi các hệ thống thanh toán quốc tế sẽ làm phức tạp các khoản thanh toán của châu Âu đối với việc nhập khẩu khí đốt của họ, khi hơn một phần ba trong số đó đến từ Nga.
Cũng có những lo ngại rằng Nga có thể sử dụng sự thống trị năng lượng của mình làm đòn bẩy và ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Để đối phó với các lệnh trừng phạt hồi năm 2014, Moscow đã ra lệnh cấm nhập khẩu hầu hết thực phẩm từ phương Tây và thực hiện chiến lược "thay thế nhập khẩu". Sáng kiến này kêu gọi các công ty Nga thay thế hàng hóa nhập khẩu bị cấm, chẳng hạn như pho mát Pháp và Ý, bằng các sản phẩm địa phương - một biện pháp mà ông Putin mô tả là một "cơ hội".
Tác động đến dân số
Trong khi giới tinh hoa chính trị cảm thấy ít hoặc không có áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, thì người dân Nga đã phải chịu tác động trong nhiều năm. Mức sống và sức mua người dân Nga liên tục giảm. Theo đó, tình trạng lạm phát ở quốc gia này hiện đang ở mức cao và giá trị đồng Rúp đang suy giảm.
Trong khi kể từ năm 2014, ngân hàng trung ương nước này đã đưa ra các chiến lược để bảo vệ đồng tiền quốc gia, đồng Rúp vẫn lao dốc sau khi căng thẳng gia tăng gần đây về vấn đề Ukraine.
Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người Nga. Họ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là điện thoại thông minh và máy tính, đồng thời nhận thấy rằng mỗi năm trôi qua, họ càng ít khả năng chi trả cho việc đi du lịch nước ngoài hơn.
Tuy nhiên, bất chấp những tác động nêu trên đối với người dân, Điện Kremlin vẫn không thay đổi lập trường. Theo dữ liệu khảo sát, ông Putin hiện vẫn nhận được sự ủng hộ của phần đông người dân.