Học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie, quận 3, TP.HCM nghe hướng dẫn cách ghi hồ sơ thi tốt nghiệp THPT (ảnh chụp tháng 4-2021) - Ảnh: NHƯ HÙNG
Năm 2022, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ và chuyển đổi số trong đào tạo để khẳng định vị trí trên hệ thống các trường đại học trong nước và quốc tế. Trong đó, có tự chủ về tuyển sinh, về đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị.
Mở mới nhiều ngành đào tạo
Với nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và công cuộc chuyển đổi số, năm 2022, các cơ sở giáo dục đại học đã thông báo mở thêm một số ngành học mới để phù hợp với xu thế phát triển.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Ngoại thương, cho biết: năm 2022, trường bắt đầu tuyển sinh chương trình đào tạo thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số, bao gồm: marketing số (tuyển sinh tại trụ sở chính Hà Nội) và truyền thông marketing tích hợp (tuyển sinh tại Cơ sở II TP.HCM); chương trình kinh doanh số thuộc ngành kinh doanh quốc tế (tuyển sinh tại trụ sở chính Hà Nội).
Ba chương trình mới đều có cách tiếp cận hiện đại trong thiết kế và tổ chức thực hiện trên nguyên tắc căn bản, mở, linh hoạt nhằm giúp người học có nền tảng nghề nghiệp, có khả năng nắm bắt cơ hội phát triển nghề nghiệp và thích nghi sáng tạo trong bối cảnh thay đổi liên tục của thế giới.
Trường đại học Thương mại cũng dự kiến phân bổ nhiều chỉ tiêu cho những ngành, chuyên ngành mới. Ở chương trình đào tạo chuẩn, trường có thêm ngành quản trị kinh doanh (chuyên ngành khởi nghiệp và phát triển kinh doanh), marketing (marketing số), Luật kinh tế (Luật thương mại quốc tế).
Với chương trình chất lượng cao, hai ngành dự kiến tuyển sinh mới trong năm nay là quản trị kinh doanh và quản trị nhân lực. Đồng thời, trường có thêm chương trình định hướng nghề nghiệp với các ngành quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, hệ thống thông tin quản lý; chương trình tích hợp ngành kế toán.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2025. Theo quy hoạch này, so với các chương trình đang đào tạo hiện tại, danh mục này có thêm rất nhiều ngành mới. Trong đó, bậc đại học có 67 ngành được quy hoạch, bậc thạc sĩ có 118 ngành và bậc tiến sĩ có 55 ngành.
Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực - Ảnh: TTXVN
Một số ngành, chuyên ngành đào tạo sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới ở Đại học Quốc gia Hà Nội như: trí tuệ nhân tạo, quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo, quản trị năng lượng và phát triển bền vững, logistics, thiết kế công nghiệp và đa phương tiện, quản lý đô thị và công trình (thông minh), công nghệ tài chính và kinh doanh kỹ thuật số…
Các ngành kỹ thuật - công nghệ, các ngành liên quan đến nhu cầu nhân lực của cách mạng công nghiệp 4.0 chiếm tỉ trọng khá lớn trong các ngành mới được quy hoạch.
GS Nguyễn Đình Đức, trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ: với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với đó là sự thay đổi, gia tăng về cả yêu cầu và nhu cầu của con người, nhiều ngành khoa học ngày càng có tính liên ngành và xuyên ngành, thậm chí có sự xóa nhòa ranh giới của một số ngành. Nhiều chương trình đào tạo phải có sự đổi mới linh hoạt: có thể là sự đan cài vào nhau, có thể là sự chuyển hóa, có thể là sự phân chia, cũng có thể là sự tích hợp.
Theo GS Nguyễn Đình Đức, thời gian tới sẽ có sự thay đổi không chỉ về danh mục các ngành nghề mà kéo theo là thay đổi cấu trúc chương trình, hình thức tổ chức quản lý đào tạo, cũng như nền tảng kiến thức, kỹ năng, chuẩn đầu ra, đương nhiên kéo theo cả sự đổi mới căn bản và toàn diện nội dung và phương thức tuyển sinh đầu vào, từ đó cũng mang đến rất nhiều cơ hội nghề nghiệp và tương lai cho người học và cả cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học.
Đổi mới phương thức tuyển sinh
Nếu như những năm trước, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT thì năm nay, nhiều trường đại học tốp trên đã giảm chỉ tiêu đối với phương thức này và tăng chỉ tiêu xét tuyển riêng, nhằm lựa chọn được các thí sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân - cho biết: Bộ Giáo dục và đào tạo đã khuyến cáo các trường, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển; sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung.
Trường đại học Kinh tế quốc dân đã nghiên cứu, lựa chọn phương án, sử dụng phương thức xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và kỳ thi đánh giá tư duy của Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Như vậy, ngoài 3 phương thức tuyển sinh (xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp), năm 2022, Trường đại học Kinh tế quốc dân có thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Quy chế thi tốt nghiệp THPT cũng ghi rõ, kết quả của kỳ thi này chỉ là cơ sở để các trường đại học xem xét tuyển sinh. Mục tiêu đã thay đổi nên các trường cũng phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh thực tiễn, nhất là những trường tốp đầu.
Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên, một số cơ sở giáo dục đại học mở rộng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức tuyển sinh riêng, trong đó có sử dụng kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực và kỳ thi đánh giá tư duy nên ít nhiều có những ảnh hưởng nhất định đến thí sinh. Vì thế, các trường đại học cần sớm công bố đề án tuyển sinh để thí sinh tìm hiểu và nắm chắc một số quy định. Từ đó, có định hướng trong học tập và đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh - trưởng phòng đào tạo, Trường đại học Thủy lợi - thông tin năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 5.200 sinh viên, với 39 ngành ở 7 khối. Đáng chú ý, chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm từ 70% xuống 50% tổng chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, nhà trường dự kiến dành 10% chỉ tiêu với phương thức tuyển thẳng; 20% chỉ tiêu xét tuyển từ học bạ và 20% xét tuyển từ kết quả thi đánh giá tư duy của Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Bên cạnh xét tuyển bằng các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, năm 2022, một số cơ sở giáo dục đại học bổ sung các tiêu chí về hoạt động xã hội, văn thể mỹ, năng khiếu, phỏng vấn… để tuyển sinh.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ: bất kỳ đóng góp nào cho xã hội đều đáng trân quý. Ví dụ, học sinh tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, các hoạt động tình nguyện hỗ trợ cộng đồng tại địa phương, tham gia tình nguyện viên trong mùa dịch COVID-19 hoặc thí sinh tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, viết bài luận để trình bày những thế mạnh của mình… Việc bổ sung thêm các tiêu chí xét tuyển như trên nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có thế mạnh về hoạt động xã hội đăng ký xét tuyển, có cơ hội hiện thực hóa ước mơ vào đại học.
TS Nguyễn Quốc Chính, giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo - Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng tuyển sinh theo hình thức kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh là việc nên làm, vì đây là xu hướng chung của các trường đại học trên thế giới đã làm từ rất lâu.
Sự thành công của một người không chỉ nằm ở thước đo kiến thức mà còn ở các kỹ năng, năng lực và nhiều yếu tố khác. Do đó, nếu có những thang đánh giá toàn diện sẽ giúp chọn được người học phù hợp với mục tiêu đào tạo của các trường đại học.
TTO - ‘Nhiều phương thức xét tuyển đại học, thí sinh lưu ý gì?’ là chủ đề buổi tư vấn tiếp theo của Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022 sẽ diễn ra lúc 19h tối 22-1.
Xem thêm: mth.99594609013102202-oat-oad-hnagn-meht-om-hnis-neyut-iom-iod-uad-pot-coh-iad-gnourt/nv.ertiout