Học sinh tham gia thi thực hành tay nghề tại hội thi học sinh, sinh viên giỏi nghề do Thành đoàn TP.HCM tổ chức hằng năm - Ảnh: Q.L.
Học nghề để giảm nhẹ gánh nặng học phí đã không còn là tiêu chí hàng đầu nữa. Thay vào đó, họ chọn học nghề vì hiểu rằng nhu cầu thị trường đang cần thợ có tay nghề, nhất là thợ "lành nghề".
Và cũng không ngoài lý do học nghề tốn ít thời gian, nhanh đi làm có thu nhập để tự lo cho bản thân, ổn định cuộc sống và còn có thể phụ giúp gia đình sớm hơn!
Đủ lý do chọn nghề!
Nguyễn Chí Khang (Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật quận 12) cho biết ngay từ đầu đã xác định chỉ theo học nghề, không nghĩ đến thi… đại học. Lý giải của bạn trẻ quê Tiền Giang này là thấy trước mắt nhiều anh chị học xong đại học nhưng về làm trái ngành, thậm chí có người còn làm công nhân.
Từng học điện công nghiệp, đã đi làm một vài nơi song Khang không thấy thích. Sẵn mê xe, thích mày mò sửa xe nên Khang lên TP.HCM học nghề bảo trì và sửa chữa ôtô. "Mình đã chọn đúng, vì suốt ngày ở xưởng thực hành, bê bết dầu nhớt với máy móc ôtô mà lại vui, thấy không có khó khăn gì hết" - Khang cười.
Cũng từng hoàn thành học cao đẳng, đi làm nhân viên kinh doanh thiết bị y tế vài năm nhưng Nguyễn Thị Minh Thư lại quyết định đăng ký theo học kế toán doanh nghiệp tại Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh.
Vừa học vừa làm tại một công ty thời trang, Minh Thư kể đã bắt đầu làm quen với sổ sách kế toán, những con số đúng với nghề mình theo học. Đi học lại sau thời gian đã đi làm, lại chọc học nghề thực ra cũng là thử thách với cô gái ấy.
"Nhưng tôi thấy cuộc sống ý nghĩa hơn so với làm nhân viên kinh doanh trước kia. May mắn tôi lại có cơ hội thực hành nghề đúng đam mê của mình ngay lúc đang học, rồi được tạo điều kiện sắp xếp ca làm việc không trùng giờ học nữa. Tôi đã không sai khi chọn theo nghề" - Minh Thư kể.
Trong khi đó, gần như bừng tỉnh sau một giai đoạn mà Trần Huỳnh Như tự nhận "ăn chơi bồng bột tuổi trẻ", cô gái ấy quyết định chọn nghề điện công nghiệp tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức.
Như bảo đi học nghề, không tốn tiền học, lại có thêm thời gian đi làm để lo cho cô em gái vì cả hai chị em sống với nội từ nhỏ sau khi ba mẹ chia tay và đều có đình mới. Vốn thích vọc máy móc từ nhỏ nên dù là con gái, Như lại chọn học điện và "không thấy khó khăn gì hết".
"Chỉ còn một môn nữa là tốt nghiệp nhưng kẹt dịch nên phải chờ. Tranh thủ mấy tháng ở quê, mình mon men đi sửa điện cho nhà nào cần, vừa thực tập, vừa nuôi ước mơ lập nghiệp sau này" - Như khoe.
Tính con đường tương lai
Học sinh tham gia thi thực hành tay nghề tại hội thi học sinh, sinh viên giỏi nghề do Thành đoàn TP.HCM tổ chức hằng năm - Ảnh: Q.L.
"Mình sẽ tìm việc ở Sài Gòn, làm một thời gian, vừa tranh thủ học thêm kinh nghiệm, vừa tích lũy chút vốn liếng, khi thấy tạm ổn sẽ về quê" - Huỳnh Như chia sẻ dự tính của mình. Ước mơ ấy là một cửa hàng buôn bán đồ điện và chính cô chủ sẽ kiêm luôn việc sửa chữa điện khi có yêu cầu mà cô gái ấy có niềm tin rằng mình làm được.
Bởi ấy là cô gái duy nhất trong lớp tới gần 40 chàng trai, tuổi lại lớn nhất lớp và mới đây đã ngon lành "ẵm" luôn giải nhất hội thi tay nghề điện - điện tử toàn trường. "Giờ về quê cũng được vì mình chắc chắn đã chọn được công việc đúng sở trường mà mình yêu thích rồi" - Minh Thư khoe.
Cô gái ấy cũng bắt đầu xuôi xuôi theo lời khuyên của mẹ, nói chắc học xong, tìm công việc nào gần nhà rồi về quê cho ba mẹ yên tâm chứ cũng bôn ba gần chục năm ở thành phố rồi. Thư tự tin hơn khi lần thử sức vừa rồi, cô gái đã giành giải nhất hội thi tay nghề kế toán doanh nghiệp khi so tài với nhiều đối thủ khác trong trường.
Chí Khang đã kịp bắt được mối quan hệ tại một vài gara xe hơi gần trường, được nhận vào học việc và cả lời hứa về một chỗ làm sau khi tốt nghiệp. Tay nghề của anh chàng cũng được kiểm chứng qua hội thi tay nghề với giải nhất nghề bảo trì và sửa chữa ôtô toàn trường. "Một gara sửa chữa ôtô của riêng mình là mục tiêu dài và mình đang từng ngày nỗ lực cho mục tiêu ấy" - Khang không giấu ước mơ.
Đại học không là con đường duy nhất, chỉ cần bạn được học đúng đam mê, làm đúng nghề yêu thích thì đó mới là con đường của chính bạn. Cả ba bạn trẻ ấy đều nghĩ vậy và đang bước đi trên con đường riêng của mình theo lối nghĩ ấy!
Song song đó, các hội thi tay nghề cũng là cơ hội quý để các bạn kiểm tra, đánh giá lại năng lực, kỹ năm làm nghề của bản thân trước khi chính thức tốt nghiệp đi làm. Điển hình có hội thi học sinh, sinh viên giỏi nghề do Thành đoàn TP.HCM tổ chức hằng năm đã trở thành sân chơi rất được các bạn kỳ vọng bởi tính chuyên môn, khả năng kiểm tra tay nghề ngày càng cao, giúp nâng chất lượng và là bảo chứng về trình độ tay nghề của những thí sinh đoạt giải trong mắt nhà tuyển dụng.
Nhiều cơ hội thực hành tay nghề
Hiện có khá nhiều cơ hội để các bạn chọn học nghề, thực hành tay nghề và thực tập ngay khi còn chưa ra trường. Trong đó, việc các trường đào tạo nghề liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài cùng hợp tác giảng dạy, đào tạo tay nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp là xu thế ngày càng được ưa chuộng.
Việc hợp tác này đem đến nhiều thuận lợi. Một mặt, học sinh theo học nghề có dịp tiếp cận, làm quen sớm với môi trường làm việc sau này thông qua các vị trí thực tập sinh tại các doanh nghiệp liên kết. Mặt khác, các bạn với có kết quả thực tập nổi bật sẽ "lọt vào mắt xanh" nhà tuyển dụng và có được việc làm ngay khi chưa tốt nghiệp là hoàn toàn trong tầm tay.
TTO - Học nghề giúp rút ngắn thời gian học tập và nhanh chóng bước vào thị trường lao động. Việc học liên thông, học đại học sẽ dễ dàng nếu đã có bằng trung cấp, cao đẳng...
Xem thêm: mth.42572111103102202-em-mad-gnud-ehgn-mal-ed-ehgn-coh/nv.ertiout