Mang đào ra phố Lạc Long Quân (Hà Nội) trưng bày từ ngày mùng 10 tháng Chạp nhưng đến ngày 26 Tết, anh N.K (Phú Thượng, Hà Nội) mới bán được 50 chậu. Trong đó, nửa số cây nhà anh là cho khách thuê qua Tết, số còn lại là hàng đặt mua.
"Tôi chưa thấy năm nào mà các loại hoa, cây cảnh lại ế ẩm như Tết năm nay, người mua thì ít, người xem thì nhiều. Nếu có mua, họ cũng chỉ mua loại vừa tiền 3 - 5 triệu đồng/cây. Còn cây giá cao hơn, mọi người chọn cách thuê để tiết kiệm chi phí", anh K. nói.
Các chậu hoa đào được trưng bày trên đường Lạc Long Quân, Hà Nội (Ảnh: A.C).
Anh K. cho biết, toàn bộ số đào anh chở ra phố trưng bày đều là của nhà trồng được. Nếu trong trường hợp xấu nhất là hàng không bán được, anh sẽ mang về trồng tiếp, bán vào mùa xuân năm sau. Do đó, anh quyết bám trụ lại phố đến chiều muộn ngày 29 Tết để bán hàng.
"Thực ra, nhà vườn cũng dự đoán được tình trạng này từ trước nên chúng tôi đã điều chỉnh lại việc sản xuất, phân phối hàng nhưng không ngờ tình hình lại xấu hơn dự kiến. Nhưng dù thế nào đi nữa, cây làm ra vẫn phải bán, dù lãi nhiều hay ít vì nó còn liên quan đến việc giữ khách cho các năm sau", anh K. tâm sự.
Theo nhiều tiểu thương, năm nay, sức mua của người dân giảm mạnh vào dịp Tết Nguyên đán (Ảnh: A.C).
Cùng chung tâm trạng, anh L.H chuyên trồng bưởi cảnh, quất cảnh ở Hưng Yên đánh giá, lượng khách mua các loại hoa, cây cảnh năm nay giảm một nửa so với năm ngoái. Dịch COVID-19 kéo dài khiến túi tiền của người dân bị ảnh hưởng nên các khoản chi tiêu không cần thiết đều bị thắt chặt và cắt giảm.
"Những năm trước, tầm 23 tháng Chạp là nhà tôi đã bán hết khoảng 80% số cây trong vườn, còn năm nay mới được 35 - 40%. Không những thế giá cây cũng hạ xuống 10 - 20% để phù hợp với sức mua của thị trường", anh H. nói.
Khách đến xem cây thì nhiều, mua thì ít (Ảnh: A.C).
Mỗi điểm bán hàng đều có mã QR để khách quét trước khi vào (Ảnh: A.C).
Lý giải về việc lượng tiêu thụ kém mà các nhà vườn vẫn trồng nhiều cây, anh H. nói, các loại cây lưu gốc như quất, bưởi, đào có tính chu kỳ, vì đúng thời điểm đó hoa sẽ nở, quả sẽ ra. Nếu nhà vườn bỏ bê, không chăm sóc thì năm sau cây sẽ cộc cằn, mất đi dáng, thế mong muốn.
"Để làm ra được một cây quất, cây bưởi dáng, thế đẹp không đơn giản mà cần có thời gian. Thông thường, cứ tháng 3, tháng 4 âm lịch, chúng tôi đã phải đôn đào, thu mua cây, gốc về cắt, ghép. May mắn thì Tết năm đó bán hết, còn không thì chúng tôi để lại cho năm sau, chứ giờ, mình bỏ bê, không làm, khách đến mua không có mà chạy sang nhà khác thì khác gì mất mối", anh chia sẻ.
Dù sức mua giảm nhưng nhiều tiểu thương quyết bám trụ đến trước giao thừa (Ảnh: A.C).
Trao đổi với phóng viên, ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội Sinh vật cảnh Hà Nội, cho rằng, hầu hết người làm hoa, cây cảnh đều đo được sức mua của thị trường từ trước. Thông thường, sức mua các mặt hàng hoa, cây cảnh của tháng giáp Tết Nguyên đán sẽ chiếm khoảng 20% lượng tiêu thụ trong năm. Qua đó, các nhà vườn sẽ lên kế hoạch sản xuất, phân phối hàng hóa sao cho hợp lý.
Tuy nhiên, ông Nguyên cũng thừa nhận, việc điều chỉnh, giảm số lượng cho các dòng hoa thời vụ thì dễ nhưng các loại cây lưu gốc như đào, quất, mai thì khó hơn. Vì việc này liên quan đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Do đó, nhiều nhà vườn biết làm hàng ra lỗ vốn nhưng vẫn làm. Thậm chí, họ còn chấp nhận trường hợp không bán được là mang về trồng, để năm sau bán tiếp.
"Người trồng hoa năm nay là khó khăn trăm bề khi giá vật tư, nguyên vật liệu, phân bón, chi phí logistic leo thang, tăng thêm khoảng 20 - 40%. Trong khi, giá bán ra, mọi người vẫn giữ nguyên hoặc thấp hơn trước. Còn tiểu thương, đơn vị buôn cây cũng ốm đòn vì sức mua yếu, tiêu thụ chậm. Nhưng vì họ muốn giữ mối, giữ khách quen nên chấp nhận bán giá hữu nghị hay ăn lãi ít hơn để nuôi khách lâu dài", ông nói.
Thông tin thêm, Chánh văn phòng Hội Sinh vật cảnh Hà Nội cho biết, năm nay, nhiều nhà vườn trên cả nước đã chủ động giảm 40 - 70% quy mô sản xuất, thế nên, lượng hoa, cây cảnh cung cấp ra thị trường sẽ giảm mạnh so với mọi khi và người mua cũng dễ thở khi đi mua hàng vì những nguyên nhân kể trên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.4372619013102202-auht-oaig-ned-urt-mab-oc-nav-nab-iougn-ma-e-tauq-oad/et-hnik/nv.vtv