Các cụ tại viện dưỡng lão những ngày cuối năm - Ảnh: NAM TRẦN
Từng sống và học tập ở nước ngoài và có thời gian dài trong quân ngũ, ông Tân có suy nghĩ cởi mở và mạnh mẽ đúng "chất lính", nhưng khi nói đến ngày Tết trong hồi ức, mắt ông rơm rớm.
"Tôi nhớ những cái Tết được gặp gỡ bạn bè, rồi rủ nhau đi Tết thầy. Thời đó thật vui. Nhưng giờ cần thay đổi để thích hợp", ông Tân dùng nhiều lần từ thích ứng, thích hợp để diễn tả suy nghĩ của mình về cuộc sống ở viện dưỡng lão.
Nét trầm ngâm thoáng qua nhanh, ông Tân vui vẻ trở lại. Ông hát nhảy với bà Mỹ Dung, người bạn mới ở viện dưỡng lão có mái tóc trắng như cước. Bà Dung đã sang tuổi 72 nhưng khá nhanh nhẹn. Nhạc nổi lên, bà như được "đánh thức", nét mặt đang bần thần trở nên tươi tắn. "Cặp đôi" ông Tân, bà Dung kéo nhiều người già khác cũng đứng lên hát, múa.
"Tôi có một người bạn mới. Bà ấy nói được tiếng Đức giống tôi nên khi nào nói những chuyện "bí mật", chúng tôi sẽ nói tiếng Đức", ông Tân hóm hỉnh nói và được bà Dung gật đầu xác nhận ngay.
Ông Tân cười tươi khi nhắc về những điều mới, người bạn mới khi sinh hoạt trong viện dưỡng lão - Ảnh: NAM TRẦN
Còn với bà Mỹ Dung, việc vào viện dưỡng lão để hưởng tuổi già là quyết định của bà sau nhiều năm công tác ở nước ngoài để không phiền tới con cái - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Tân và bà Dung cũng như nhiều người cao tuổi khác khi vào đây là tìm thấy những người bạn, tìm thấy sự sẻ chia và những tâm sự tuổi già - Ảnh: NAM TRẦN
Bà Mỹ Dung từng làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Đức. Khác với nhiều người buộc phải chọn viện dưỡng lão vì hoàn cảnh bất khả kháng, bà Mỹ Dung tỏ ra nhẹ nhõm với quyết định "mình thích thế nào thì mình quyết thế thôi, để không phiền con cái".
Bà kể lại năm tháng sống ở nước ngoài với ký ức hơi lộn xộn của người đang bước vào tuổi hay quên, nhưng điều khác biệt với nhiều người già là ký ức bà nhớ lại chỉ toàn chuyện vui. Thỉnh thoảng bà lại nổi hứng nói vài câu tiếng Anh, tiếng Đức… với nhân viên điều dưỡng.
Các cụ tại viện dưỡng lão được chăm sóc và vui vẻ cùng những người bạn mới - Video: NGỌC QUANG
Tại viện dưỡng lão này, tầng 5 được dành để chăm sóc những người có bệnh nặng hoặc quá yếu phải nằm trên giường. Tầng 4 bố trí cho người già còn có thể ngồi xe lăn. Chỉ tầng 2 - 3 là những người còn khỏe mạnh.
Bà Thu Phương, 71 tuổi, thuộc nhóm còn trẻ nhất ở viện dưỡng lão này. Có lẽ vì thế bà cũng nhiều tâm tư hơn. Trong căn phòng nhỏ gọn gàng, bà cắm một cành đào nhỏ do người anh ruột mang tặng. Bức ảnh con gái và cháu ngoại để ở ngay đầu giường.
"Tôi chỉ có một con gái định cư ở nước ngoài. Tôi đã từng ba lần sang đó với con, nhưng người già khó có thể hòa nhập ở xứ lạ nên tôi quay về. Có năm vào dịp Tết, con tôi bay về với mẹ. Nhưng 2 năm nay do COVID-19 nên gia đình con không về được. Cũng là lúc tôi phải nghĩ đến một sự thay đổi" - bà Phương kể.
Bà Thu Phương trước đây là giáo viên dạy toán và âm nhạc. Quyết định "sống thử" vào đúng dịp Tết không khỏi khiến bà Phương có những tâm tư, nhất là giữa những cụ nhớ nhớ, quên quên lẫn lộn.
Nhìn cành đào đang nở rộ, giọng bà trầm xuống: "Ai chẳng muốn Tết ở nhà mình, sum vầy với con cháu? Nhưng hoàn cảnh thì mình cũng vui vẻ chấp nhận thôi. Trong này cũng có không khí Tết. Hôm 21 tháng chạp, viện tổ chức gói bánh chưng, bánh tét, rồi nay thì gặp mặt đón xuân, nhiều người cùng cảnh như mình cũng vui".
Trong căn phòng nhỏ, bên cành đào nhỏ người thân gửi vào, bà Phương nhớ về những kỷ niệm ngày trẻ làm giáo viên - Ảnh: NAM TRẦN
Và giờ đây, tại viện dưỡng lão, bà đã bắt đầu bắt nhịp với cuộc sống mới, những sinh hoạt mới - Ảnh: NAM TRẦN
Cụ Nguyễn Thị Hợi năm nay đã ở ngưỡng 100 tuổi nhưng vẫn khá minh mẫn. Cụ đọc lưu loát nhiều đoạn Truyện Kiều - Ảnh: NAM TRẦN
Buổi gặp mặt đón xuân mang lại cho những người già trong viện dưỡng lão những cảm xúc khác nhau. Cụ Nguyễn Thị Hợi, một trong những người chạm ngưỡng trăm tuổi, rất vui khi nghe chị phụ trách viện động viên. Cụ đọc một khúc Truyện Kiều với giọng ngân nga.
Còn bà Tuyết Minh, được các nhân viên gọi là "ca sĩ" thì mải miết hát đi hát lại "Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng". Thỉnh thoảng bà dừng lại kể về một kỷ niệm như thể nói với riêng mình.
Ở ngôi nhà mới, nhiều nhân viên điều dưỡng không chỉ thuộc tên, mà còn đặt biệt danh, hiểu những tính cách, thói quen của các cụ già. Họ thường chọn một đặc điểm mà các cụ tự hào nhất, nhớ nhất để khơi dậy niềm vui sống cho họ. Ví như ông "Thanh Hải nghệ sĩ" được giới thiệu chơi đàn violon trong dàn nhạc giao hưởng. Ông Hải rất đẹp lão và vẫn…. sành điệu dù đã phải ngồi xe lăn. Lúc nhớ mình sinh năm 1935, lúc lại bảo sinh năm 1945, chỉ có chuyện "kéo đàn violon" thì trả lời hào hứng và nhất quán.
Các cụ vui vẻ và quây quần bên nhau trong buổi gặp mặt xuân nho nhỏ của viện - Ảnh: NAM TRẦN
Chị Phạm Thị Thanh Giang, giám đốc viện ALH, kể điều mong muốn nhất, cũng là khó nhất chị muốn mang đến "ngôi nhà" này là sự ấm áp. Cho dù được chăm sóc, tiện nghi nhưng người già vẫn cần sự ấm áp.
"Mở viện dưỡng lão nhưng tôi vẫn luôn cho rằng nếu ai có điều kiện, còn mạnh khỏe thì hãy ở nhà, bên con cháu, vì gia đình thực sự vẫn là điều quý giá nhất. Còn khi các cụ yếu đi, không thể tự phục vụ sinh hoạt hằng ngày nữa thì vào đây. Chúng tôi muốn đồng hành cùng những người con, người cháu trong quãng đời cuối cùng của các cụ".
Hằng ngày các cụ được đưa ra hành lang để tắm nắng, nghe nhạc và nói chuyện cùng nhau - Ảnh: NAM TRẦN
Tại đây cũng có rất nhiều cụ đã yếu, nhiều bệnh nền được các nhân viên chăm sóc - Ảnh: NAM TRẦN
TTO - Dù đang ở viện dưỡng lão nhưng khi biết tin có chương trình vận động đóng góp cho các quỹ phòng dịch COVID-19 cũng như mua vắc xin, má Hai Minh vẫn nhắn tìm chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận 10 (TP.HCM) để đóng góp.
Xem thêm: mth.93211319013102202-man-iouc-yagn-gnuhn-oal-gnoud-neiv-o-iuv-mein-ohn-ion/nv.ertiout