Nuôi tham vọng vượt mặt Mỹ
Vào cuối những năm 1990, khi đang là nhà nghiên cứu của gã khổng lồ ngành dược Pfizer (Mỹ), Samantha Du đã nhận được một nhiệm vụ khó khăn từ cấp trên. Đó là xin phê duyệt thuốc ở Trung Quốc, quê hương của bà.
Bà nhanh chóng nhận ra sự khác biệt giữa thị trường dược phẩm Mỹ, vốn hướng tới các sản phẩm có thương hiệu, trong khi ở Trung Quốc thì tập trung vào các loại thuốc generic (bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự nhau) và y học cổ truyền.
“Thời gian phê duyệt thuốc ở Trung Quốc thường dài hơn so với Mỹ hoặc châu Âu khoảng 7 năm", nhà nghiên cứu Samatha Du nhớ lại.
Năm 2014, bà Du thành lập Zai Lab. Công ty phát triển nhanh chóng nhờ phương pháp điều trị ung thư và bệnh miễn dịch hiện đại, hiện được niêm yết trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq và Hong Kong cũng như thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu.
Giờ đây, Trung Quốc đã thay đổi khá nhiều so với hai thập niên trước, và bà Du đã giữ một vai trò quan trọng trong cuộc chuyển mình đó. Nikkei Asia cho rằng, câu chuyện của nhà sáng lập Zai Lab là minh chứng rõ nét cho việc chính sách, con người và tiền bạc đã thúc đẩy sự phát triển của ngành dược Trung Quốc như thế nào.
Trước kia, Trung Quốc từng chỉ được biết đến với vai trò sản xuất các loại thuốc generic và nguyên liệu thô cho thành phần dược hoạt tính (API). Còn bây giờ, đất nước tỷ dân đã bắt đầu nghiên cứu sản xuất ra các loại thuốc mới. Đặc biệt, Trung Quốc đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực dược phẩm sinh học, được coi là khó sản xuất hơn các loại thuốc thông thường.
Thị trường dược phẩm của Trung Quốc đã vươn lên hàng thứ hai thế giới và chỉ còn xếp sau Mỹ. Động lực lớn nhất cho đà tăng trưởng này chính là nhu cầu thuốc cực lớn từ hệ thống bệnh viện trong nước. Bây giờ, người Trung Quốc đang nuôi tham vọng vượt mặt người Mỹ.
Một trong những nỗ lực có thể thấy rõ nhất trong chặng đua thành siêu cường về dược phẩm của Trung Quốc được thể hiện qua canh bạc vắc xin mRNA.
Vaccine mRNA của Trung Quốc
Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc đã cung cấp một lượng lớn vắc xin bất hoạt cho thế giới. Trong khi đó, vắc xin do những gã khổng lồ phương Tây như Pfizer, Moderna và AstraZeneca sản xuất là một dạng mới, được gọi là vắc xin mRNA. Thời gian tới, sự khác biệt giữa công nghệ vắc xin Đông - Tây có thể sẽ không còn.
Hai năm trước, ông Hangwen Li - CEO của hãng dược Stemirna Therapeutics chuyên về các sản phẩm RNA, từng dự đoán rằng trong vòng 5 năm tới, thị trường công nghệ mRNA sẽ “bùng nổ”.
Lời "tiên tri" này hiện tại đã trở thành sự thật. Hơn nữa, trái ngược với suy nghĩ thông thường của nhiều người, Trung Quốc thực chất đã tham gia rất nhiều vào cuộc chơi mRNA, nêu bật lên sự trỗi dậy của nước này như một cường quốc dược phẩm.
Đơn cử, vắc xin mRNA COVID-19 do Stemirna phát đã cho thấy hiệu quả bảo vệ trước một số biến chủng như Delta, theo thông tin do công ty này công bố. Fosun Pharma, một trong các công ty dược lớn nhất ở Trung Quốc, cũng cho thấy một số tín hiệu tích cực.
Tháng 3/2020, Fosun đã hợp tác với BioNTech, hãng dược Đức đồng phát triển vắc xin mRNA với Pfizer, để thúc đẩy quá trình phát triển và thương mại hóa loại vắc xin này ở Trung Quốc.
Tháng 9 năm ngoái, Everest Medicines, một công ty dược phẩm sinh học của Trung Quốc, cũng đã giành được quyền cung ứng vắc xin mRNA do Providence Therapeutics, một công ty công nghệ sinh học của Canada, sản xuất.
Trong tương lai, loại vắc xin trên sẽ phục vụ cho thị trường đại lục, Hong Kong, Macau và một số quốc gia Đông Nam Á. Cả Everest và Fosun đều đã thông báo rằng họ cũng đang phát triển vắc xin mới cho biến chủng Omicron.
Tính đến tháng 11/2021, thế giới có tổng cộng 20 loại vắc xin ngừa COVID do các hãng dược Trung Quốc phát triển đang được thử nghiệm lâm sàng, theo Trung tâm Vắc xin tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London.
Chúng bao gồm một số loại sử dụng công nghệ cũ cho đến những loại áp dụng công nghệ RNA mới nhất. Các công ty Trung Quốc như Sinopharm và CanSino, vốn cung ứng lượng lớn vắc xin bất hoạt trên toàn cầu, hiện cũng đặt mục tiêu phát triển vắc xin mRNA.
Trong một số trường hợp, các công tyTrung Quốc còn bắt tay vào tự nghiên cứu vắc xin mRNA của riêng họ thay vì hợp tác với phương Tây.
Suzhou Abogen - một công ty khởi nghiệp hai năm tuổi, đã hợp tác với Walvax - một trong những công ty vắc xin lớn nhất Trung Quốc và Viện Quân y thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc.
Cả ba đã phát triển thành công một vắc xin mRNA có tên ARCoV. Ứng viên này đã được phê duyệt để thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc cũng như được phê duyệt hoặc tiến hành thử nghiệm ở Mexico, Indonesia và Nepal. Theo một bài báo đăng trên tạp chí y khoa Cell của Mỹ, ARCoV yêu cầu bảo quản lạnh "dễ thở" hơn so với các loại vắc xin của Moderna và Pfizer.
Theo giới khoa học, các vắc xin đang ngày càng giảm hiệu quả đối với những biến chủng mới. Điều đó mở ra cơ hội lớn cho các tay chơi mới, bao gồm cả các công ty từ Trung Quốc.
Hàng thập kỷ sản xuất thuốc generic và API đã giúp Trung Quốc rất nhiều. Tiến sĩ Abigail Coplin, Phó Giáo sư về Xã hội học và Khoa học, Công nghệ và Xã hội tại Đại học Vassar (Mỹ) cho biết: “Trung Quốc là nhà sản xuất API chính trên toàn cầu, đồng thời họ còn sở hữu năng lực sản xuất hóa phẩm sinh học to lớn và có xu hướng vượt trội trong việc mở rộng quy mô hoạt động”.
Năng lực đó đã giúp Trung Quốc trở thành nhà cung cấp lớn nhất về vắc xin ngừa COVID-19, báo trước một sự thay đổi lớn trong cơ cấu nguồn cung dược phẩm toàn cầu trong tương lai.
Hơn nữa, khá nhiều công ty dược phẩm mới nổi của Trung Quốc đã thể hiện tham vọng toàn cầu. BeiGene, công ty sở hữu phương pháp điều trị ung thư Brukinsa được FDA phê duyệt vào năm 2019, hiện đã có một vài văn phòng và chi nhánh ở nước ngoài.
BeiGene cũng cho biết, các cơ sở sản xuất của công ty ở Trung Quốc được thiết kế để tuân thủ các tiêu chuẩn không chỉ của Trung Quốc mà còn của các cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu. Hay WuXi Biologics, một tập đoàn nghiên cứu dược phẩm có trụ sở tại Trung Quốc, đã sở hữu cơ sở sản xuất ở Ireland, Đức và Mỹ.
Nhìn chung, ông Koji Kawashima - trợ lý giám đốc bộ phận chăm sóc sức khỏe tại Marubeni (Nhật Bản), nhận xét: "Trong tương lai không xa, các công ty dược phẩm Trung Quốc sẽ có thể cạnh tranh ngang sức với các tập đoàn dược hàng đầu..."