Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, ông Đỗ Quốc Thắng (bên phải) trò chuyện về Tết xưa phố cổ do câu lạc bộ Đình Làng Việt phối hợp với Ban quản lý phố cổ Hà Nội vừa tổ chức - Ảnh: T.ĐIỂU
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, trong ký ức của tiến sĩ Đỗ Quốc Thắng thì những cái Tết xưa nơi phố cổ Hà Nội vẫn sống động vẹn nguyên.
Tết xưa ai đi xa cũng gắng về nhà
Là cháu đích tôn của nhà tư sản dân tộc nổi tiếng Đỗ Đức Thiện có rất nhiều đóng góp cho cách mạng, ông Thắng sinh ra, lớn lên và cả đời vẫn sinh sống trong ngôi nhà của gia đình trên phố Hàng Gai.
Nơi ấy, ông đã cùng gia đình của mình đón bao cái Tết đẹp của người Hà Nội xưa thuở ông còn thơ bé.
Phụ nữ xưa phải chuẩn bị cái Tết rất vất vả. Dù giàu nghèo, nhà nào cũng phải có đĩa xôi gấc cúng giao thừa. Nhà ông Thắng thường có thêm nồi chè kho. Ông còn nhớ mãi hình ảnh mẹ ông ngồi quấy chè bên bếp lửa hồng rất cực nhọc, má mẹ đỏ bừng dù bên ngoài trời mưa lạnh buốt.
Khi mâm cỗ giao thừa chuẩn bị xong, cả nhà sẽ mặc quần áo mới đợi khoảnh khắc giao thừa. Nhà ông không quá gần Nhà thờ lớn Hà Nội, nhưng Hà Nội xưa thanh vắng nên vẫn nghe rõ tiếng chuông nhà thờ.
Hát ca trù trong chương trình Tết Việt Tết phố Xuân Nhâm Dần 2022 tại phố cổ Hà Nội - Video: T.ĐIỂU
Đêm giao thừa, khi tiếng chuông nhà thờ điểm 12h đêm, cả khu phố bắt đầu râm ran pháo nổ, mùi khói pháo thơm nồng và xác pháo hồng rơi trong tiết xuân lành lạnh hơi sương, hơi mưa phùn.
Trong lúc pháo nổ, bố mẹ ông và người hàng phố, nhà nào cũng một mâm cỗ lễ trời đất trên ban công tầng thượng.
Cả nhà, người lớn người bé xếp hàng nghiêm cẩn trước bàn thờ gia tiên cúng lễ. Các cụ cao tuổi trong nhà sẽ ngồi cho con cháu xếp hàng lần lượt chúc thọ bề trên và nhận mừng tuổi từ các cụ.
Đặc biệt, trong những gia đình nhà nho, trí thức Hà Nội xưa thường giữ tục khai bút đầu xuân vào sáng sớm mùng 1 Tết.
Tết xưa là Tết đoàn tụ, ai ở xa cũng cố về nhà đón Tết, cho dù đi lại vất vả, chiến tranh gấp gáp có khi chỉ kịp ở với gia đình 1 ngày người ta cũng cố về nhà.
Bởi Tết là dành cho gia đình, người xưa chỉ đi chúc Tết họ hàng hai bên nội ngoại và những người rất thân cận chứ không đi nhiều như bây giờ, càng không có chuyện đi du lịch. Sau thời gian đi chúc Tết hay đón khách thì còn lại gia đình quây quần ăn uống, chơi bài bên nhau.
Quây quần bên bếp lửa hồng trông bánh chưng là một kỷ niệm đẹp về Tết xưa mà nhiều người còn giữ - Ảnh: T.ĐIỂU
Thương về 5 cửa ô xưa
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cũng đồng ý rằng Tết xưa là Tết sum họp.
Sinh ra, lớn lên ở khu phố cổ Hà Nội, ông Thượng còn nhớ rõ những cái Tết thời chiến tranh, bao cấp rất nghèo nhưng cũng vì thế mà lắm thân thương.
Người Hà Nội xưa phải đi xa vì chiến tranh đều thương về 5 cửa ô xưa như tâm sự của họa sĩ Tạ Tỵ trong bài thơ Thương về 5 cửa ô xưa:
Tôi đứng bên này vĩ tuyến
Thương về năm cửa ô xưa
Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối
Đê cao hun hút chợ Dừa
Cầu Dền mưa dầm lầy lội
Gió về đã buốt lòng chưa?
Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ
Nhị Hà lấp lánh sao thưa
Cầu Giấy đường hoa phượng vĩ
Nhớ nhung biết mấy cho vừa…
Ông Thượng cũng phải xa Hà Nội khi đi sơ tán về các vùng quê hay lớn lên đi bộ đội xa nhà, nên rất nhớ những cái Tết sum họp gia đình ở phố cổ Hà Nội, nơi có cụ Phương bao năm ngồi bán chữ Nho cho người Hà Nội treo Tết trên phố Hàng Mành.
Ngày ấy, người Hà Nội tùy mức độ tinh tế của từng gia đình mà chơi tranh dân gian, chữ nho. Có một giai đoạn Hà Nội kinh tế phục hồi sau chiến tranh, quãng 1960 - 1964, người Hà Nội rất văn minh, giữ được nhiều phong tục tập quán đẹp.
Lúc ấy, ngày Tết không quá quan trọng chuyện ăn uống bằng thăm nom nhau, vui chơi. Khách đến chúc Tết đều là chỗ thân tình, khi ra về người ta tiễn nhau ra tận cửa thậm chí tận đầu phố. Ông Thượng có 4 anh trai thì đều biết chơi guitar, Tết đến lại chơi đàn hát vang cả xóm.
Nhưng sau giai đoạn này, chiến tranh ập tới, kể từ ấy là mấy chục cái Tết bao cấp rất khó khăn cho tới thời Đổi mới. Ấy là những cái Tết mà thực phẩm eo hẹp chia theo khẩu phần, mỗi nhà được bánh pháo, miếng bóng, một hai cân gạo nếp, cân đỗ xanh, ký đường, thịt lợn…
Tết nghèo là thế mà ai cũng quý Tết bởi đó hầu như là dịp duy nhất trong năm gia đình được sum vầy, ăn no và chuẩn bị đón mùa xuân ấm áp.
TTO - Tết đến gần là lúc hàng trăm người dân đến chợ Hàng Bè (Hà Nội) để mua đồ cúng theo phong vị Hà thành xưa như gà luộc, xôi gấc, nem gói, rau củ luộc, thịt đông...