Gần đây, Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều câu hỏi từ bạn đọc với nội dung: Từ ngày tòa nhận đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì bao lâu sẽ có kết quả trả lời?
Cụ thể, ông Lê Văn Thẳng (ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết đã nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật đến VKSND Cấp cao tại TP.HCM (nhận đơn ngày 14-9), TAND Cấp cao tại TP.HCM (nhận đơn ngày 6-9). Đến nay đã gần bốn tháng nhưng tòa và viện vẫn chưa trả lời, vậy hai cơ quan này có thực hiện đúng luật?
Về vấn đề trên, TS Nguyễn Văn Tiến (Phó trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) giải đáp như sau:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 329 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) thì người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định; trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.
Tuy nhiên, BLTTDS không quy định thời hạn phải trả lời đơn đề nghị giám đốc thẩm của đương sự. Việc có giải quyết đơn này hay không phụ thuộc vào ý chí của những người có thẩm quyền.
“Nói cách khác, đương sự nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm thì tòa, viện không có nghĩa vụ phải trả lời đơn này” – TS Tiến nói.
Dù vậy, nếu có căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 326 BLTTDS) thì người có thẩm quyền sẽ ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Khi đó, thời hạn được tính theo Điều 334 BLTTDS.
Cụ thể: Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật. Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị (ba năm) nhưng có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 334 BLTTDS thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm hai năm.
Cạnh đó, theo Điều 339 BLTTDS quy định về thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm thì trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa để xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tương tự đối với các bản án hình sự, hành chính…
Cũng theo TS Nguyễn Văn Tiến, tương tự đối với các bản án hình sự, hành chính… đã có hiệu lực pháp luật thì tòa, viện có thẩm quyền không bắt buộc phải trả lời đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với các bản án này. Bởi như đã phân tích, giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử và về nguyên tắc chung, bản án đã có hiệu lực pháp luật phải được thực thi đầy đủ.
“Có nghiên cứu hồ sơ sau khi nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm và đưa ra quyết định kháng nghị hay không kháng nghị phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết liệt và cả cái tâm của những người có thẩm quyền” – TS Tiến nói thêm.