Chứng khoán Việt đã có một năm đầy thất vọng, kể cả những tia hy vọng cuối về việc chốt NAV có thể giúp thị trường thêm chút gam màu sáng cũng không thành. Chỉ số VN-Index kết thúc năm 2022 tại mốc 1.007 điểm, giảm hơn 491 điểm, tương ứng giảm 32,78% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Đây là mức giảm mạnh nhất trong 14 năm và cũng là mức giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử chỉ sau năm 2008.
Những yếu tố chính khiến thị trường biến động mạnh từ việc xác lập đỉnh lịch sử tại mốc 1.536 điểm rồi thủng mốc 900 điểm đến từ cả trong nước và nước ngoài.
Trong đó, yếu tố bên ngoài là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, xung đột Nga – Ukraine kéo dài, Trung Quốc áp dụng chính sách zero covid…
Ở trong nước, những cuộc bắt bớ các lãnh đạo công ty đã châm ngòi cho những pha lao dốc của thị trường, rồi sự kiện Tân Hoàng Minh diễn ra cùng động thái thắt chặt quản lý của Chính phủ đã khiến thị trường trái phiếu rơi vào cảnh đóng băng…
Tuy nhiên, bất chấp những thông tin bất lợi, thị trường chứng khoán Việt vẫn hút dòng tiền giải ngân mạnh mẽ từ nhà đầu tư ngoại. Trong năm 2022, khối ngoại đã mua ròng tới hơn 1,05 tỷ cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị mua ròng đạt gần 29,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 1,25 tỷ USD. Đây là năm mua ròng mạnh thứ 2 trong 10 năm qua, chỉ thua năm 2018 mua ròng hơn 41,78 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, chỉ tính riêng 2 tháng cuối năm, khối này đã mua ròng khủng, lên tới hơn 30,2 nghìn tỷ đồng, với sự đóng góp chính là trên sàn HOSE đạt hơn 28,8 nghìn tỷ đồng, lần lượt mua ròng 15,98 nghìn tỷ đồng trong tháng 11 và mua ròng gần 12,82 nghìn tỷ đồng.
Tổng hợp giao dịch NĐTNN trên cả 3 sàn trong năm qua
Tháng | Khối lượng (triệu đơn vị) | Giá trị (nghìn tỷ đồng) | ||||
Mua | Bán | Mua-Bán | Mua | Bán | Mua-Bán | |
1 | 890,67 | 857,37 | 33,29 | 37.547 | 40.197 | -2.650 |
2 | 652,82 | 710,83 | -58,01 | 28.406 | 28.697 | -291 |
3 | 885.85 | 998,42 | -112,6 | 39.472 | 43.117 | -3.646 |
4 | 913,6 | 833,38 | 80,22 | 39.196 | 35.192 | 4.004 |
5 | 944,42 | 863,87 | 80,54 | 32.985 | 29.506 | 3.479 |
6 | 970,37 | 908,06 | 62,31 | 34.113 | 31.170 | 2.944 |
7 | 669,72 | 745,96 | -76,24 | 20.062 | 21.075 | -1.013 |
8 | 846,42 | 805,1 | 41,32 | 23.346 | 22.366 | 979 |
9 | 723,8 | 824,5 | -100,7 | 19.868 | 23.169 | -3.301 |
10 | 1.071,41 | 1.177,56 | -106,15 | 27.254 | 28.524 | -1.270 |
11 | 2.070,53 | 1.343,08 | 727,45 | 45.446 | 28.531 | 16.915 |
12 | 1.667,43 | 1.186,12 | 481,31 | 41.439 | 28.104 | 13.335 |
Tổng | 12.307,03 | 11.254,25 | 1.052,79 | 389.134 | 359.649 | 29.485 |
Diễn biến này trái ngược với 2 năm bùng nổ đại dịch Covid-19, đó là năm 2020 bán ròng gần 18.900 tỷ đồng, tương đương gần 822 triệu USD và năm 2021 bán ròng kỷ lục 62.000 tỷ đồng, tương đương hơn 2,7 tỷ USD.
Danh mục các cổ phiếu được khối ngoại giao dịch sôi động trong năm qua chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechip với STB, CTG, MWG, VHM… được mua ròng hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó đáng chú ý là mã ngân hàng STB được mua ròng tới gần 4.600 tỷ đồng, CTG được mua ròng hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với những phiên biến động mạnh vào cuối năm, cổ phiếu ngân hàng khác là EIB lại bị bán ròng tới 4.620 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu thép HPG cũng là một trong những mã chịu áp lực cung lớn từ khối ngoại, chỉ thua EIB khi bị bán ròng tới gần 4.200 tỷ đồng.
Dự báo về năm 2023, tại Talkshow kỳ thứ 10 Phần II do báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức với chủ đề “Tìm cơ hội 2023” mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập FinPeace đánh giá, năm 2023 sẽ không có gì đáng lo lắng khi trong vài năm gần đây, trên bản đồ đầu tư, dường như Việt Nam đã trong top đầu của sự lựa chọn của nhà đầu tư nước ngoài.
“Mọi thứ đã cân bằng trong năm 2023, kể cả năm 2023 có xấu, thì Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư của nhiều quốc gia, nơi thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Tuấn Anh lạc quan nhận định.
Cùng quan điểm đánh giá về yếu tố tiềm năng kinh tế và việc ổn định ngoại tệ…, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Phân tích CTCK Thành Công cũng kỳ vọng dòng tiền nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực cho thị trường năm 2023.