Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (Heza), năm 2022, tổng vốn đầu tư vào khu kinh tế (KKT), các khu công nghiệp (KCN) đạt gần 3,2 tỷ USD, trong đó vốn FDI đạt gần 2,5 tỷ USD, với 48 dự án cấp mới, 37 dự án điều chỉnh tăng vốn, đưa Hải Phòng lên vị trí thứ tư toàn quốc về thu hút vốn FDI.
Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư trong nước cũng đạt trên 16.000 tỷ đồng, với 8 dự án cấp mới, 5 dự án điều chỉnh tăng vốn. Lũy kế đến nay, trên địa bàn Hải Phòng có 458 dự án FDI với vốn trên 23 tỷ USD; 202 dự án đầu tư trong nước với tổng trên 294.721 tỷ đồng (tương đương 12,8 tỷ USD).
Điều đáng ghi nhận là tỷ lệ các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến - chế tạo, logistics đầu tư vào Thành phố tăng nhanh. Trong năm 2022, Hải Phòng đã thu hút 11 dự án logistics (7 dự án cấp mới, 4 dự án điều chỉnh tăng vốn), 56 dự án công nghệ cao, chế biến - chế tạo (36 dự án cấp mới, 20 dự án điều chỉnh tăng vốn), chiếm 81,8% tổng vốn FDI thu hút được.
Các doanh nghiệp trong KKT, KCN hoạt động hiệu quả, với doanh thu đạt 26,7 tỷ USD, xuất khẩu đạt 22,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 21,15 tỷ USD. Các chỉ số có mức tăng trưởng trung bình 10% so với năm 2021, vượt mức kế hoạch giao trên 20%; nộp ngân sách cho Thành phố đạt 16.131 tỷ đồng, bằng 105% kế hoạch giao năm 2022.
Để có được kết quả này, theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Heza, Ban Quản lý đã chủ động đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp quốc tế. Trong năm, Ban đã tham gia 3 chương trình xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Ban cũng đã phối hợp chặt chẽ với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và các tổ chức quốc tế như Hiệp hội các KCN Hàn Quốc (KICOX), Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp, Đại sứ quán Anh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Anh... tổ chức thành công 8 hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hải Phòng và tổ chức 2 đoàn công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp tại Hàn Quốc và Đài Loan.
Ban Quản lý đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu. Đây cũng là việc cụ thể hóa Chương trình hành động số 76-CTr/TU ngày 8/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong năm 2022, Ban Quản lý đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Tiên Thanh (đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2/15 dự án KCN theo kế hoạch); báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4/15 KCN mới. Hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc các nhà đầu tư đảm bảo tiến độ theo yêu cầu tại các dự án như Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu, Đầu tư xây dựng bến cảng số 3, 4, 5, 6 khu cảng nước sâu Lạch Huyện. Tập trung hướng dẫn chuyển đổi 2 KCN thành KCN sinh thái, đó là KCN Nam Cầu Kiền và KCN DeepC.
Đặc biệt, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được Ban Quản lý tập trung triển khai thực hiện với mục tiêu phát triển con người, xây dựng bộ máy kiến tạo, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
Trong năm 2022, đã giải quyết 3.415 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó có 2.032 hồ sơ thực hiện trực tuyến cấp độ 3, 4; các thủ tục được rút ngắn thời gian thực hiện 10-20% so với quy định.
“Chúng tôi đã thí điểm thực hiện một phần thủ tục liên quan đến lĩnh vực đầu tư trên môi trường mạng Internet, như cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, bước đầu đạt được hiệu quả tích cực, được doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ. Doanh nghiệp trên địa bàn được tạo điều kiện tối đa để phát triển sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, thông thoáng, an toàn, minh bạch. Hải Phòng sẽ trở thành điểm đến tiềm năng, tin cậy đối với các nhà đầu tư và vị thế, tầm ảnh hưởng của Thành phố ngày càng được nâng cao”, ông Kiên cho biết.