Sàn UPCoM đón 5 tân binh, ngôi vương thị giá cổ phiếu sắp có chủ mới
Ngay trong tuần giao dịch đầu tiên, 5 doanh nghiệp sẽ đưa cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Công ty cổ phần VNG – ông lớn ngành công nghệ giao dịch ngày đầu tiên vào ngày 5/1/2023 với mã chứng khoán VNZ. Đây không chỉ là cổ phiếu mới đầu tiên gia nhập sàn chứng khoán Việt Nam trong năm 2023. Với giá tham chiếu ngày đầu tiên giao dịch là 240.000 đồng/cổ phiếu, VNZ sẽ soán ngôi vương về thị giá, vượt qua cổ phiếu của CTCP Bia và Nước giải khát Hạ Long-HLB (229.900 đồng) hay VNF (223.000 đồng)… Giá trị sổ sách của cổ phiếu VNZ tại thời điểm 30/9/2022 quanh khoảng 150.000 đồng.
Trước đó, vào năm 2019, VNG từng bán ra 355.820 cổ phiếu với giá 1.861.800 đồng cho Seletar Investments (quỹ thuộc Temasek Holdings). Giá cổ phiếu VNZ cần tăng gần 3 lần để VNG trở lại với mức định giá của một kỳ lân (trên 1 tỷ USD). Tính theo giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên, quy mô vốn hoá của “ông lớn” ngành công nghệ đạt hơn 8.600 tỷ đồng, tương đương hơn 10% vốn hoá thị trường của FPT.
Ngày 6/1, có tới 4 doanh nghiệp cùng đưa cổ phiếu giao dịch ngày đầu tiên gồm Tập đoàn Green+ (GPC), CTCP Cơ khí 120 (CK8), CTCP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng (DLM) và CTCP Giao nhận Vận tải Miền Trung (VMT).
Trái với mức giá tham chiếu của VNZ, giá chào sàn của CK8 chỉ vỏn vẹn 3.500 đồng. Hai cổ đông lớn nhất sở hữu cổ phần Cơ khí 120 là Vinamotor (45,53% vốn) và BVSC (10% vốn).
Nhiều năm liên tục thua lỗ, thu nhập không đủ bù đắp chi phí lãi vay, lỗ luỹ kế của công ty đã tăng lên trên 60,4 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 15,55 tỷ đồng.
Cơ khí 120 hiện triển khai dự án Nhà máy sản xuất kết cấu thép phụ tùng ô tô trên diện tích đất 15,6 ha tại Hưng Yên. Do tiến độ đầu tư chậm, UBND tỉnh Hưng Yên đã quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất. Sau khi công ty khởi kiện, UBND tỉnh chấp thuận cho Cơ khí 120 tiếp tục triển khai trên diện tích 7,2 ha. Đến ngày 31/12/2020, công ty đã nộp đủ tiền thuê đất và hiện cho thuê mặt bằng , kho bãi, nhà xưởng (diện tích nhà xưởng được xây dựng là 20,9 ha).
Tập đoàn Green+ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các sản phẩm dược phẩm và thảo dược. Trong định hướng hoạt động của công ty, ngoài tổ chức sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng, tân dược, Green+ còn đang triển khai đầu tư dự án tại tỉnh Bến Tre như nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng, dự án Làng sản xuất và bảo tàng vua nấm, dự án làng du lịch – an dưỡng – chăm sóc sức khoẻ, dự án khu biệt thự vườn và hợp tác đầu tư dự án khu nhà ở Đồng khởi 1.
Về cơ cấu cổ đông, 3 cá nhân sở hữu trên 51% vốn của Green+. Trong đó, cổ đông sở hữu phần vốn lớn nhất là ông Đặng Đức Thành – Chủ tịch HĐQT (28,85%). Cổ phiếu GPC chào sàn với giá tham chiếu 16.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị sổ sách tại thời điểm cuối quý III/2022 là hơn 14.300 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu VMT của CTCP Giao nhận Vận tải Miền Trung cùng chào sàn ngày 6/1. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 16.600 đồng. CTCP Chiếu sáng công cộng Đà Nẵng đăng ký giao dịch cổ phiếu DLM với giá tham chiếu 11.300 đồng.
HoSE và HNX cũng sẽ sớm có thêm “hàng hoá” mới
Ngày 20/12, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định chấp thuận cho Tổng Công ty Khoáng sản TKV – CTCP (Vimico – mã KSV) niêm yết trên sàn HNX.
Tổng công ty Khoáng sản - TKV (tiền thân là Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam) là doanh nghiệp Nhà nước, chuyển thành công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam từ năm 2005. Tổng công ty đã tiến hành cổ phần hoá và hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần từ ngày 6/10/2015.
Ngay cuối năm 2015, tổng công ty đã được chấp nhận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng. Sau đó hơn nửa năm, Vimico đã đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Theo thông báo hôm 29/12, toàn bộ 200 triệu cổ phiếu KSV sẽ huỷ đăng ký giao dịch từ ngày 17/1 tới, sẵn sàng cho việc chuyển sàn.
Ngày 27/12/2022, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM cũng đã ra quyết định chấp thuận niêm yết đối với cổ phiếu PVP của Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific).
PVTrans Pacific được thành lập ngày 28/01/2008 gồm các cổ đông sáng lập Tổng công ty CP Vận tải dầu khí (PVTrans), Công ty CP tài chính dầu khí (PVFC), Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Tổng công ty bảo hiểm Dầu khí (PVI) và các cổ đông khác là cán bộ nhân viên trong ngành dầu khí với mục tiêu ban đầu là tham gia vận chuyển dầu thô cho các nhà máy lọc dầu Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất, sau đó là tham gia vận tải quốc tế và sẽ tham gia vận tải dầu thô nhập khẩu cho dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khi đi vào hoạt động chính thức.
Lĩnh vực kinh doanh chính của là kinh doanh khai thác tàu dầu thô PVT Athena và tàu Apollo do công ty sở hữu và làm dịch vụ quản lý khai thác đội tàu dầu thô cho PVTrans để vận chuyển dầu thô cho các nhà máy lọc dầu trong nước, thuê/cho thuê tàu khai thác thị trường quốc tế.
Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM từ tháng 12/2016. PVTrans Pacific có quy mô vốn điều lệ 942,75 tỷ đồng, không thay đổi so với thời điểm chào sàn UPCoM. Hiện, PVTrans (mã PVT-sàn HoSE) vẫn là cổ đông lớn nhất sở hữu 64,92% vốn điều lệ của PVTrans Pacific.
Giá cổ phiếu PVP đã hồi phục rất mạnh từ trung tuần tháng 11, từ mức đáy 6.500 đồng lên 13.700 đồng tại phiên giao dịch cuối năm 2022. Thời điểm chuyển sàn hiện chưa được HoSE công bố.