Cơ hội từ Trung Quốc mở cửa kinh tế
Thế giới trải qua năm 2022 đầy biến động, từ xung đột Nga - Ukraine đến lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều nền kinh tế, nhưng trong tuần cuối năm, các thông tin tích cực xuất phát từ châu Á khi Trung Quốc nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế sau khoảng thời gian dài áp dụng chính sách “Zero Covid”. Nước này đã bỏ các quy định cách ly với người nhập cảnh và sẽ mở cửa cho người dân du lịch nước ngoài trong tháng 1/2023. Theo đó, nhóm cổ phiếu du lịch và mỹ phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tình trạng tương tự đang xảy ra với ngành hàng không (HVN, VJC), là các doanh nghiệp chắc chắn sẽ hưởng lợi từ nhu cầu dịch chuyển của khách du lịch Trung Quốc, vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lượng khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam.
Tuy nhiên, dù tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 lên tới 90%, quá trình miễn dịch cộng đồng của Trung Quốc có thể không suôn sẻ. Theo ước tính của Airfinity, nước này gần đây có khoảng 9.000 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày, với số ca nhiễm đạt 18,6 triệu/ngày.
Một số ngành nghề khác chúng tôi đang quan sát bao gồm bất động sản khu công nghiệp, vận tải, cảng biển…, nhưng quá trình hưởng lợi có thể sẽ diễn ra “gập ghềnh” hơn, thay vì hưởng lợi trực tiếp như nhóm hàng không, du lịch, mỹ phẩm.
Tâm lý nghỉ Tết chi phối thị trường
Có thể lấy lý do tâm lý nghỉ Tết để trả lời cho nút thắt thanh khoản sụt giảm trong tuần qua, kéo theo đó là các vận động chậm chạp của chỉ số VN-Index ở dưới các đường tín hiệu. Chỉ số đóng cửa với mẫu nến Pin bar tại 1.007,09 điểm, giảm 0,2% so với phiên liền trước, tính chung cả tuần giảm 1,3%. Sau áp lực giảm 3% trong tuần trước đó, mẫu nến “rút chân” với thanh khoản thấp thể hiện động lượng điều chỉnh có phần suy giảm, hướng tới trạng thái tìm điểm cân bằng mới.
Diễn biến chỉ số VN-Index. |
Trường hợp VN-Index gặp khó quanh mức cản 1.010 - 1.030 điểm, chỉ số cần quay về kiểm chứng ngưỡng hỗ trợ 985 điểm. Các nhịp điều chỉnh kiểm chứng sẽ là điểm mua an toàn hơn cho nhà đầu tư nhờ cây nến Marubozu đầu tháng 12/2022. Trong trường hợp chỉ số vi phạm mốc 985 điểm, các vị thế ngắn hạn nên hạ tỷ trọng, vì xu hướng hồi phục bị phá vỡ, hướng động lượng chỉ số có thể quay về vùng đáy cũ (880 điểm).
Ngành đáng chú ý: Ngân hàng
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn nền kinh tế năm 2022 đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, dưới mức chỉ tiêu tăng trưởng 14% đề ra đầu năm.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào trở lại, tổng vốn huy động đến cuối tháng 12/2022 tăng 6%, vượt trội so với các kỳ trong năm. Cuộc đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng biến sản phẩm tiền gửi trở thành sản phẩm đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh vĩ mô còn nhiều biến động.
Thanh khoản mạnh thể hiện rõ qua việc Ngân hàng Nhà nước chủ động hút ròng thông qua kênh thị trường mở (OMO), với quy mô tín phiếu kỳ hạn ngắn đạt 130.000 tỷ đồng, song lãi suất liên ngân hàng qua đêm liên tục hạ nhiệt, xuống 3,2%/năm (ngày 29/12).
Trên biểu đồ kỹ thuật chỉ số ngành ngân hàng, diễn biến lưỡng lự nối dài với chuỗi phiên Spinning top khi gặp kháng cự dài hạn - đường cản xu hướng điều chỉnh nối dài từ vùng đỉnh. Vận động này cho phép nhà đầu tư có vị thế thăm dò và nắm giữ, với kỳ vọng bứt phá xu hướng tăng mở rộng.
Tuy nhiên, nhà đầu tư không vội vàng trong việc gia tăng vị thế, vì triển vọng năm 2023 của nhóm ngân hàng hiện không cao, diễn biến lình xình (sideway) có thể kéo dài hơn dự tính - bằng chứng là chuỗi phiên cân bằng động lượng tăng có phần suy yếu. Điểm mua thăm dò thích hợp là khi chỉ số ngành này điều chỉnh tại nền hỗ trợ mẫu hình tích lũy Darvas - mức 150 điểm (hiện là hơn 158 điểm).