Những phụ nữ đầu đội khăn đóng quẩy quang gánh đi bán bánh trái. Các em nhỏ bồng em mua kẹo. Gánh hàng rong với người mua - kẻ bán là những phụ nữ đội nón quai thao, khăn mỏ quạ đậm chất văn hóa Bắc bộ. Gánh tào phớ của người đàn ông cần mẫn trên vỉa hè… Tất cả khơi gợi nhiều cảm xúc cho người xem tranh ở miền Trung, thông qua triển lãm “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội” do Viện Pháp Việt Nam tại Đà Nẵng, Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng mở tại TP.Đà Nẵng.
Triển lãm giới thiệu 10 bức ký họa được thực hiện trong khoảng từ năm 1925 - 1929 bởi các sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và thầy giáo của họ - Ferdinand de Fénis. Những bức phác thảo đen trắng được trưng bày với kỹ thuật độc đáo khi đưa những đường nét lên giấy dó rồi lồng các hộp có lắp bóng đèn. Từ bút tích, có thể thấy trong số 10 bức ký họa tại triển lãm có 2 bức của danh họa nổi tiếng Tô Ngọc Vân, 1 bức của họa sĩ Lê Phổ… Đây là các tác giả có nhiều tác phẩm tiêu biểu cho nền mỹ thuật VN hiện đại.
Nghệ thuật dàn dựng gây ấn tượng tại triển lãm chủ đề về gánh hàng rong HOÀNG SƠN |
Tiếng rao gợi nhớ
Không chỉ có không gian ký họa chất chứa hình bóng xưa cũ của phố phường Hà Nội, còn có thêm 27 bức ảnh đen trắng thuộc bộ sưu tập của EFEO chụp cảnh đường phố Hà Nội trong giai đoạn từ trước năm 1922 - 1955. Nếu những phác họa thấm đẫm tính nhân văn với những nét vẽ chuyển động đung đưa đầy tao nhã để giữ gánh hàng thăng bằng hay dáng nghiêng nghiêng của người bán hàng khi lấy kem cho 2 đứa trẻ đang nóng lòng chờ đợi…, thì những bức ảnh đen trắng là khoảnh khắc chân thực khơi dậy những ký ức đẹp đẽ về cảnh chợ tết ở Đồng Xuân, phố Hàng Than, chợ hoa bên bờ hồ Hoàn Kiếm…
Những bức ảnh tiếp tục “đặc tả” không gian vỉa hè, đường phố với gánh hàng rong bán tiết canh lòng lợn, gánh phở dạo, gánh đồ ăn vặt…, và tưởng như “vô âm” nhưng lại dễ khiến người ta bồi hồi nhớ lại những tiếng rao quen thuộc. Nghệ sĩ Đàm Quang Minh và nhóm Đông Kinh cổ nhạc đã kỹ lưỡng thu âm tiếng rao: "Ai lông gà, lông vịt, đồng nát bán đi…", "Tóc rối đổi kẹo, vỏ chai, hộp xà phòng bán na...à...ào!".
Như Thanh Niên từng đề cập, cuộc triển lãm cùng chủ đề đã mở tại Hà Nội và tạo ấn tượng mạnh với cách sắp đặt kèm các hiệu ứng. Khi người xem bước đến mỗi bức tranh, ánh sáng chiếu lên và âm thanh tiếng rao cũng được phát cùng lúc. Vào đến miền Trung, vì điều kiện chưa cho phép nên triển lãm dàn dựng với cách thức bài trí thành 2 không gian riêng cho tranh và ảnh. Mặc dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Trinh, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, khung cảnh cuộc sống thường nhật của người Hà Nội cũng hiện ra sống động qua các hộp đèn hay những bức tranh được trình chiếu. “Âm thanh từ những tiếng rao nhịp nhàng của những người bán hàng dạo cũng sẽ góp phần đánh thức ký ức về những hương vị Hà Nội xưa", bà Trinh chia sẻ.
Nghệ sĩ Dominique Rousseau (trái) và nghệ sĩ Phan Hải Bằng (phải) cạnh những bức tranh trúc chỉ GIA TÂN |
Đi du lịch và vẽ
Tiếng rao Hà Nội “hội ngộ” bất ngờ tại Đà Nẵng, nhưng nghệ thuật tranh trúc chỉ tại Huế và sự kết nối của một nghệ sĩ Pháp càng gây ngạc nhiên hơn. Đến Huế du lịch, người nghệ sĩ này - Dominique Rousseau - đã vào xưởng sáng tác nghệ thuật trúc chỉ và sau đó có được những tác phẩm nghệ thuật đưa ra trưng bày trong triển lãm chủ đề “Ngẫu liên”.
Vừa bước sang tuổi 70, nghệ sĩ Dominique Rousseau (tỉnh Sarthe, Pháp) vốn là giảng viên bộ môn nghệ thuật sắp đặt, có mối liên hệ khá lâu với nghệ sĩ Phan Hải Bằng - nhà sáng lập nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam. Nghệ sĩ Dominique Rousseau đã từng đến Việt Nam trước đây, lần này ông trở lại Huế du lịch với vợ. Ông đã có 10 ngày trải nghiệm, hợp tác, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật giấy trúc chỉ tại Vườn Trúc chỉ ở TP.Huế. Trong thời gian lưu lại tại TP.Huế, nghệ sĩ Dominique Rousseau đã cùng với các nghệ sĩ ở Huế tìm hiểu đặc trưng văn hóa, lịch sử; tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật về Trúc chỉ, một nghệ thuật giấy Việt xuất phát từ Huế.
Để rồi, cách đây không lâu, Viện Pháp tại Huế cùng Trung tâm Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam đã khai mạc trưng bày hàng chục tác phẩm nghệ thuật giấy trúc chỉ của nghệ sĩ Dominique Rousseau và nghệ sĩ Phan Hải Bằng, cả hai đều là thành viên của Hiệp hội các nghệ sĩ Giấy quốc tế (IAPMA). Những sáng tác mới của họ với chủ đề đối thoại với thiên nhiên và các biểu hiện của xơ sợi như rơm, tre, mia, chuối, bèo lá, cỏ sen... đã “hội ngộ” công chúng sau khi họ “hội ngộ” bất ngờ trong xưởng vẽ, trong cùng niềm đam mê, như thế đấy.