Từ thời Lý, việc kiểm soát hộ tịch đã được đặt ra nghiêm ngặt khi dân đinh (tức nam giới) đến tuổi 18 phải biên vào sổ vàng. Đến thời Hồ (1400-1407), để chuẩn bị các lực lượng chống lại quân Minh xâm lược, Hồ Thán Thương cho làm sổ hộ khẩu trong cả nước, ghi tên những trai đinh từ 2 tuổi trở lên, những người đồng bằng đi ngụ cư đều bắt về nguyên quán.
Thời Lê Sơ (1428-1527) ngay sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ đã lệnh cho các địa phương trong cả nước làm sổ hộ khẩu. Đến năm Canh dần niên hiệu Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông đã định lệ 3 năm một lần làm sổ hộ tịch, gọi là Tiêu Điển, 6 năm một lần gọi là Đại Điển. Thời Lê - Trịnh, tiếp tục thực hiện thể lệ này, quy định dân cư có 2 loại là trực hệ (người sinh sống từ lâu) và khách hệ (người cư trú tạm thời).
Các thời sau đó đều có các quy định ngăn chặn và xử phạt các trường hợp làm sổ hộ khẩu mà bỏ sót hoặc ẩn lâu dân định. Tinh thần này được thể hiện rõ rệt nhất tại Điều 285 của Quốc Triều hình luật, Bộ luật tổng hợp của Triều Lê.
Giai đoạn sơ khai của sổ hộ khẩu
Đầu những năm 60, gia đình ông Vũ Mạnh Hoàng (82 tuổi) có cuộc đại di cư từ Nam Định lên Thái Nguyên "lập nghiệp". Thời đó, gia đình ông chưa có khái niệm thế nào là sổ hộ khẩu, việc cư trú theo kiểu "nay đây, mai đó".
Lúc sáu người con, cùng các cháu của ông Hoàng lớn lên, mọi việc bắt đầu phức tạp khi chính quyền sở tại siết chặt hơn công tác quản lý cư trú. Gia đình ông gặp nhiều khó khăn khi làm các thủ tục hành chính.
Ông nói trong thập kỷ 1970 "phải rất vất vả" để được cấp cuốn sổ hộ khẩu đầu tiên. Hồi đó là một tờ giấy ghi dòng chữ "Giấy chứng nhận hộ khẩu thường trú".
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông không nhớ hết bao nhiêu lần đã phải làm thủ tục chỉnh sửa khi tách, nhập hộ khẩu cho nhiều thành viên trong gia đình. Với ông, sổ hộ khẩu như "vật bất ly thân" khi song hành trong các việc trọng đại như đăng ký kết hôn cho con, làm khai sinh cho cháu, mua bán nhà đất, vay vốn ngân hàng... đều cần phải xuất trình.
Quy định đầu tiên về sổ hộ khẩu ra đời tháng 7/1953, khi Bộ Công an đề xuất chế độ đăng ký quản lý hộ khẩu. Được Chính phủ đồng ý, Bộ Công an ra hướng dẫn các loại hộ khẩu cần phải đăng ký và quản lý gồm: hộ gia đình, hộ công cộng, hộ doanh thương, hộ thuyền bè, hộ ngoại kiều...
Việc đăng ký hộ khẩu sau đó triển khai thí điểm ở Nam Định, rồi đến Hà Nội, Hải Phòng... Do bộc lộ nhiều bất cập, ngày 27/6/1964, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định 104/CP, ban hành Điều lệ đăng ký, quản lý hộ khẩu mới.
Theo đó, với người dân ở thành phố, thị xã, thị trấn, đồn công an lập sổ hộ khẩu cho từng hộ trong khu vực mình phụ trách. Có hai loại là hộ nhân dân và hộ tập thể. Hộ nhân dân là những người có quan hệ tình cảm ràng buộc, cùng ăn cơm chung trong một nhà. Hộ tập thể là những người ở tập thể của cán bộ, công nhân, nhân viên, học sinh thuộc cơ quan, xí nghiệp. Lúc đó, mỗi công dân phải đăng ký là nhân khẩu thường trú trong một hộ nhất định.
Ở xã, thị trấn, nơi không có đồn công an thì Uỷ ban hành chính cấp xã lập sổ hộ khẩu cho từng hợp tác xã hoặc từng đội sản xuất trong các hợp tác xã quá lớn. Những hộ còn làm ăn riêng lẻ được đăng ký chung một sổ hộ khẩu với hợp tác xã, đội sản xuất cùng thôn, xóm.
Từ tháng 8/1976 đến hết năm 1977 và kéo dài đến 1986, công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu được áp dụng thống nhất cả nước. Lúc này, sổ hộ khẩu là một tờ giấy, có ghi dòng chữ "Giấy chứng nhận hộ khẩu thường trú".
Ngày 1/7/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 4-HĐBT, quy định về điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu (có bìa và gồm nhiều trang). Theo đó, công dân có quyền và trách nhiệm đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi ở thường xuyên của mình. Những người có quan hệ gia đình hoặc cùng ở một nhà, một phòng thì đăng ký là một hộ.
Đối với nhà ở tập thể của cơ quan và tổ chức thì lập theo từng nhà ở hoặc phòng ở tập thể của cán bộ, công nhân, viên chức, hội viên. Mỗi hộ phải cử một người có trách nhiệm chính làm chủ hộ để làm các quy định về đăng ký và quản lý hộ khẩu trong hộ của mình.
Đến năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định 51về đăng ký và quản lý hộ khẩu, giao Bộ Nội vụ phụ trách. Lúc này, mỗi hộ gia đình có một sổ hộ khẩu gia đình. Trường hợp, trong một nhà có nhiều gia đình ở thì mỗi gia đình được lập một sổ hộ khẩu gia đình riêng.
Mười năm sau, 2006, Luật Cư trú ra đời và đề cập rất nhiều vấn đề liên qua sổ hộ khẩu. Thời điểm này, Luật quy định, số hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
Tại giai đoạn này, sổ hộ khẩu do cơ quan công an cấp và quản lý; nhiều lần thay đổi về kích thước, màu sắc, từ màu nâu đến xanh đậm, xanh nhạt và cuối cùng là màu hồng.
Hồi tưởng lại từ 1986 đến những năm 2000, ông Nguyễn Văn Thuần, quận Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ: "Thời kỳ đó chúng tôi giữ gìn sổ hộ khẩu như giữ vàng, có sự phân biệt rõ người có hộ khẩu Hà Nội hay không". Ông Thuần quê Thái Bình, sau đó lên Hà Nội học tập, làm việc. Lấy vợ, sinh và sinh sống ở đây nhưng phải gần 20 năm sau ông mới được "nhập khẩu" vào thủ đô.
Sổ hộ khẩu gắn liền với ông trong mọi thăng trầm trong cuộc sống. Lần khiến ông nhớ nhất là "trượt từ vòng gửi xe" bởi không có hộ khẩu Hà Nội khi thi tuyển vào một cơ quan nhà nước.
Cuộc chuyển mình sang sổ hộ khẩu điện tử
Ngày 30/7/2017, Chính phủ ban hành nghị quyết 112 bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu giấy" và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Để tiến tới việc này, từ ngày 1/7/2021, công an không cấp mới sổ hộ khẩu bản giấy cho người dân. Nhưng ai đăng ký thủ tục cư trú làm thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu thì sổ sẽ bị thu hồi.
Sổ hộ khẩu giấy chỉ được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31/12/2022. Nghĩa là, từ năm 2023, sổ hộ khẩu bản giấy chính thức bị "khai tử", thay vào đó nhà chức trách sẽ quản lý dân cư theo hình thức 4.0, tức "sổ hộ khẩu điện tử".
Nhiều thủ tục từ đây không cần xuất trình sổ hộ khẩu, như: bảo hiểm y tế; điện lực; nhà ở; đất đai; y tế... Khi thực hiện thủ tục ở các lĩnh vực nói trên, người dân chỉ cần trình một trong các loại giấy tờ sau: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú (văn bản ghi nhận thông tin cư trú do cơ quan có thẩm quyền cấp), giấy thông báo số định danh cá nhân, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Chính phủ yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Nếu không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu trên, cán bộ có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong số giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.
Người dân cũng có thể tự khai thác thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công. Trên hệ thống, mỗi người sẽ có một mã định danh cá nhân, trong đó có đầy đủ các thông tin về tên, tuổi, giới tính, ngày sinh, nơi sinh, quan hệ nhân thân...
Phạm Dự - Thanh Lam
Xem thêm: lmth.1114554-yk-ioht-cac-auq-yaig-uahk-oh-os-auc-hnem-us/ten.sserpxenv