Điều này thể hiện rất rõ trong cuộc làm việc ngày 19-12-2022 giữa Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM với Đảng đoàn Quốc hội về đề án xây dựng dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM để thay thế cho nghị quyết số 54 của Quốc hội.
Thực ra nghị quyết số 54 cũng là nghị quyết cho phép TP.HCM "thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù" để phát triển. Một số cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức đã được cho phép thí điểm trong năm năm (2017 - 2022). Tuy nhiên, thí điểm về một số cơ chế, chính sách thì vẫn chưa phải là một quy chế thí điểm.
Quy chế thí điểm là một khuôn khổ pháp lý cho phép TP.HCM chủ động tiến hành thí điểm khi cần thiết để tạo ra sự phát triển đột phá. Nghĩa là khi cơ chế, chính sách hiện hành tỏ ra bất hợp lý và cản trở sự phát triển thì TP.HCM có thể kích hoạt các điều khoản của quy chế thí điểm để thực thi chính sách mà không nhất thiết phải xin phép trung ương cho từng trường hợp thí điểm cụ thể.
Một quy chế thí điểm như vậy có mấy ưu điểm dễ nhận thấy sau đây.
Thứ nhất, quy chế thí điểm sẽ biến TP.HCM trở thành một "sandbox" cho những thử nghiệm quan trọng và đột phá về thể chế (sandbox là một dạng ảo hóa phần mềm, cho phép chúng ta chạy các phần mềm và ứng dụng trong một không gian ảo của riêng nó cách ly khỏi môi trường chung).
Trong thời kỳ bao cấp, TP.HCM thật sự đã là một "sandbox" cho những cải cách mang tính đột phá theo cơ chế thị trường. TP.HCM đã dũng cảm "phá rào" để tiến hành những cải cách khó khăn, nhưng cần thiết để cứu vãn nền kinh tế và bảo đảm đời sống cho nhân dân.
Nhờ những cải cách như vậy mà TP.HCM đã vượt qua được khủng hoảng và cung cấp được cho cả nước những kinh nghiệm vô cùng quý báu để tiến hành công cuộc chuyển đổi vĩ đại từ kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, nếu "phá rào" trong quá khứ là vi phạm có thể biện hộ được, thì "phá rào" ngày nay, khi hệ thống pháp luật đã được ban hành đầy đủ, là vi phạm không thể chấp nhận được. Chính vì thế một quy chế thí điểm cho TP.HCM là rất cần thiết. Với một quy chế như vậy, TP.HCM một lần nữa có thể trở thành "phòng thí nghiệm thể chế" cho những thử nghiệm quan trọng của đất nước ta.
Thứ hai, quy chế thí điểm sẽ góp phần nâng cao chất lượng cho cải cách thể chế. Xây dựng thể chế là một công việc vô cùng khó khăn. Nhiều khi các chính sách lập pháp được hoạch định và thẩm định kỹ càng đến mấy vẫn có thể không vận hành trong cuộc sống hoặc có thể gây ra những hiệu ứng phụ hết sức nặng nề.
Kết quả thí điểm của TP.HCM có thể cung cấp những chứng cứ khách quan và chân thực nhất cho việc hoạch định và thẩm định chính sách lập pháp của cả nước. Mà như vậy thì chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật chắc chắn sẽ được nâng cao.
Thứ ba, quy chế thí điểm cũng giúp bảo đảm tính kỹ trị cho hoạt động thí điểm. Mặc dù "thử và phạm sai lầm" cũng là một phương pháp có thể tiến hành để triển khai thí điểm. Tuy nhiên đây không phải và không thể là phương pháp có thể được chấp nhận. Lý do là vì thí điểm về cơ chế, chính sách đụng chạm đến lợi ích và sinh mệnh của hàng triệu con người.
Như vậy muốn thí điểm một cơ chế, chính sách thì trước hết phải chứng minh được về mặt lý thuyết, cơ chế, chính sách đó sẽ mang lại kết quả dự kiến. Thí điểm chỉ nên được coi là sự thực nghiệm để khẳng định một cơ chế, chính sách đã đúng về lý thuyết thì đúng cả trên thực tế mà thôi.
Cuối cùng, phấn đấu để đạt được quy chế thí điểm cho TP.HCM là một cố gắng của địa phương, nhưng lại có ý nghĩa to lớn đối với cả quốc gia. Những thí điểm tạo ra sự phát triển đột phá cho TP.HCM hoàn toàn có thể được thể chế hóa để áp dụng chung cho cả nước. Một cố gắng như vậy đáng được ủng hộ biết bao.
Theo nghị quyết của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao. GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD.
Xem thêm: mth.8664808030103202-ehc-eht-meihgn-iht-gnohp/nv.ertiout