Bà Nguyễn Thị Xuân Thu (SN 1969, trú P.5, TP Đông Hà, Quảng Trị) tự nhận, nếu cuộc đời của bà bi đát đứng thứ hai thì chẳng có ai đứng thứ nhất. Bà nói, đến cả phim ảnh cũng chẳng có để so sánh với cuộc đời mình. Nói không ngoa, lắm lúc nhắc đến tên chồng bà cũng rùng mình, sởn gai ốc.
Ai cũng khuyên bà nên buông tay, đối với một người đàn ông sáng say chiều xỉn, cứ rượu vào lại đánh đập vợ một cách dã man thì không có gì phải tiếc. Bà Thu biết rõ điều đó, bà cũng từng nghĩ đến con cái để chịu thua thiệt về mình, rồi có lúc thấy không thể gắng gượng… bà cũng đã gửi đơn ra tòa để giải thoát. Hai lần nộp đơn, là hai lần ông Nguyễn Văn Bình sống chết… hối hận, thề bồi sẽ không bao giờ lặp lại sai lầm. Hòa giải, đoàn tụ là mong con cái có một gia đình trọn vẹn, ông bà có nhau khi tuổi về già, cho nên bà Thu vẫn quyết định cho chồng cơ hội sửa sai. Chỉ tiếc, bà càng bao dung vị tha thì người đàn ông ấy càng khiến cho cuộc đời bà lún sâu vào tăm tối của bạo hành.
Nỗi đau trong lòng âm ỉ rỉ máu, vết thương mới ngoài da chẳng thèm đợi vết thương cũ lành đã chồng chéo đè lên. Nhiều lúc, bà Thu hỏi mình cũng là chế giễu chính mình, chế giễu bản thân vì cố chấp “làm người tử tế” đến không có cách nào thoát ra được… “để làm gì, để được gì?”. Cuối cùng, bà trở thành kẻ tội đồ mang tiếng giết chồng, các con bà mất cha, bà là người mất đi tất cả.
Ngày TAND tỉnh Quảng Trị đưa bà ra xét xử - trời mưa kín lối, cái lạnh cắt da cắt thịt khiến mặt bà Nguyễn Thị Xuân Thu tím tái. Chiếc xe chở phạm dừng lại, vừa đặt chân xuống sân tòa bà Thu đã òa khóc như một đứa trẻ. Bà mặc cho mọi người xung quanh nhìn mình, bà mặc cho lực lượng dẫn giải khuyên can, bà khóc như kiểu… một lần khóc cho bằng hết. Cuộc đời của bà Thu chính là sự tréo ngoe mà ông trời bất công đặt xuống. Từ ngày nên duyên chồng vợ với ông Bình là bà bị “nhốt” trong những ngày tủi nhục bị chồng đánh đập, bà muốn giải thoát. Khi bà được giải thoát thì lại bị “nhốt” trong hai chữ lao tù. Rồi có mãn hạn tù đi chăng nữa, bà lại bị “nhốt” trong cảm giác tội lỗi của một người vợ giết chồng. Cho nên, bà khóc là muốn được một lần trút xuống những khổ đau, cũng muốn nhận lại sự cảm thông của người thân, của người đời.
Bà Thu bị xét xử về tội: “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Nạn nhân trong vụ án là ông Nguyễn Văn Bình (chồng bà) cũng có một phần lỗi dẫn đến hành vi phạm tội của bà hôm nay. Cuộc đời của bà Thu và vụ án được kể lại, năm 1998, bà Thu kết hôn cùng ông Bình. Quá trình chung sống, ông Bình thường xuyên uống rượu, bia say xỉn rồi gây gổ chửi bới, đánh đập hành hạ vợ. Mỗi lần như thế, bà Thu đều ôm con chạy qua nhà người thân, hàng xóm để tránh. Năm 2007, bà Thu nộp đơn khởi kiện để xin ly hôn với lý do bị chồng thường xuyên đánh đập tàn bạo, hành hung suốt quá trình sinh sống nhưng được Tòa án hòa giải, đoàn tụ.
Gắng gượng thêm 5 năm, đến tháng 3/2012, bà Thu tiếp tục nộp đơn xin ly hôn với lý do như lần trước nhưng được Tòa án hòa giải, đoàn tụ tiếp tục hôn nhân. Dồn nén tâm lý, ức chế, trầm uất thời gian quá dài, đến khoảng năm 2018, bà Thu bị bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn thần cấp và nhất thời, rối loạn loạn thần không thực tổn khác, rối loạn hành vi và đi điều trị nhiều lần tại các cơ sở y tế. Bị khuyết tật nặng, tâm thần phân liệt, bà Thu được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước.
Sống trong đau khổ dồn nén đã khiến bà Thu không kìm được cảm xúc của mình (Ảnh minh họa)
Ngày 30/11/2021, bà Thu tiếp tục bị chồng đánh phải nhập viện, điều trị do bị gãy xương đầu dưới cả xương trụ và xương quay, gãy đầu dưới xương trụ trái. Nỗi đau thể xác, tinh thần khiến bệnh tình của Thu càng tệ hơn. Đến tối 11/3/2022, ông Bình lấy chai bia trong cốp xe máy rồi ngồi uống ở phòng khách. Lúc này, bà Thu đến lấy máy điện thoại của chồng để gọi cho chị gái ở TPHCM. Trong khi vợ đang nói chuyện điện thoại thì ông Bình cũng nói chuyện có mượn anh vợ 200 ngàn đồng. Nghe vậy, bà Thu nói với chồng “Anh là đại gia tiền tỷ mà đi mượn tiền”, nghe vậy, ông Bình liền đứng dậy chửi, gây gổ với vợ. Lúc này, ông Bình vừa chửi vừa đánh vào đầu nên bà Thu bỏ chạy xuống bếp. Bị chồng đuổi theo, bà Thu vớ lấy con dao rồi chạy vào phòng vệ sinh đóng cửa, nấp trong đó.
Do phòng vệ sinh bằng nhựa, đã cũ, chốt phòng bị hỏng nên lề cửa chỉ được buộc sơ sài. Ông Bình vừa chửi vừa đẩy sập cửa phòng vệ sinh rồi nhào đến đánh bà Thu. Lúc đó, sẵn con dao đang cầm, bà Thu đâm một nhát trúng vào ngực chồng. Thấy máu chảy, bà Thu rút dao cũng là lúc ông Bình gục xuống. Quá hoảng sợ, bà Thu vứt dao tại nhà rồi chạy sang nhà hàng xóm hô hoán. Mọi người chạy đến thì phát hiện ông Bình đã tử vong.
Ngày 19/3/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Xuân Thu về tội: “Giết người”. Qua giám định pháp y tâm thần, kết luận ngày 28/4/2022 của Trung tâm pháp y tâm thần khu vực miền Trung xác định: tại thời điểm gây án và thời điểm hiện tại bị can Thu bị tâm thần phân liệt thể Paranoid tiến triển liên tục; bị hạn chế nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi. Đến ngày 22/8/2022, CQĐT ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án và bị can về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.
“Con giun xéo lắm cũng quằn”, “chó cùng dứt dậu”…, hoàn cảnh của bà Thu lúc này là vậy. Sau vụ án, nhiều người lên án hành vi của bà Thu nhưng cũng có rất nhiều người bày tỏ sự cảm thông, thấu hiểu với bà. Suốt quá trình xét xử, bà Thu nhiều lần không kiềm chế được tâm trạng, cảm xúc, có lúc khóc nức nở, có lúc la hét trong đớn đau, tuyệt vọng. Có khi bà cười lớn, bà đang dùng nụ cười điên cuồng kia để che giấu hết thảy cảm xúc đau thương trong lòng. Vị chủ tọa đã phải nhiều lần ngừng hỏi, động viên bà bình tĩnh trở lại.
Sau khi đại diện VKS đề xuất mức án 15 đến 18 tháng tù, trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo đã nêu 4 tình tiết giảm nhẹ, mong HĐXX cho bị cáo được hưởng mức án thấp nhất, ngang bằng với thời gian bị tạm giữ, tạm giam để bị cáo sớm trở về chữa bệnh, làm lại cuộc đời. HĐXX nhận định hậu quả vụ án là nghiêm trọng, sau khi áp dụng các tình tiết giảm nhẹ đã tuyên bị cáo 18 tháng tù.
Hai lần bà chấp nhận hàn gắn sau khi gửi đơn ly hôn là bà tự nguyện ôm lấy tổn thương nhưng những năm sau đó, tổn thương lại gắn chặt đời bà. Chồng bà khi có “ma men” giống như một con quái thú không tính người, chỉ biết đem con mồi là bà ngày ngày hành hạ. Bà đã sống ngày tháng thống khổ tối tăm của nạn bạo hành, lại trải qua những tháng ngày cơ cực điều trị bệnh... Cho nên, mong rằng sau sai lầm này bà Thu mạnh dạn đặt xuống những đau buồn xưa cũ, một lần sống rộng lượng với bản thân, vì chính mình và vì các con.
(Tên bị hại đã được thay đổi).