Buôn lậu vàng - Lợi nhuận siêu hấp dẫn
Số lượng vàng nhập lậu bị phát hiện có vụ đã lên đến hàng trăm kg. Buôn lậu vàng hiện được coi là siêu lợi nhuận. Các đối tượng kiếm lời lớn từ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đặc biệt có thời điểm chênh lệch lên đến gần 20 triệu đồng mỗi lượng. Chính vì mức lợi nhuận siêu hấp dẫn này, nhiều đối tượng đã dẫn dắt cả người nhà, người thân vào con đường lao lý.
Xe chở đá lạnh, nhưng không phải để bán đá, trong đó là vàng và USD. Tại biên giới cửa khẩu Chàng Riệc ở Tây Ninh, đều đặn mỗi ngày, khoảng 4h sáng, các đối tượng vận chuyển vàng lậu từ Campuchia về Việt Nam, đến 16h chiều sẽ chuyển tiền USD từ Việt Nam ngược sang Campuchia. Việc qua chốt kiểm tra của các lực lượng chức năng không mấy khó khăn.
"Các cán bộ kiểm tra nhưng không thấy được vì đá đè lên trên", bị can Trần Thanh Thắng, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh, khai nhận.
Các đối tượng kiếm lời lớn từ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Sau khi vào sâu nội địa Việt Nam, việc tiêu thụ vàng lậu cũng dễ dàng như vận chuyển qua biên giới. Chỉ tính riêng 1 tiệm vàng đã cho thấy lượng vàng lậu được mua bán lớn như thế nào.
"Có ngày bán khoảng 1 - 2kg, có ngày bán mười mấy kg, tùy theo không tính toán được", bị can Huỳnh Minh Khánh, chủ tiệm vàng Khánh Minh Loan, Quận 6, TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Nguyễn Thị Minh Phụng, đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam. Đường dây này hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và Hà Nội. Chỉ tính riêng trong 2 ngày, các đối tượng đã nhập lậu gần 2 tạ vàng, tương đương 400 tỷ đồng. Một lượng tiền khủng như vậy, nhưng với các đối tượng, việc giao dịch lại vô cùng đơn giản.
"Những người buôn bán với em không ai biết mặt em, em cũng chưa tới nhà người ta lần nào. Chỉ em liên hệ với chị này, chị này mua thì em nói lính em tới giao, lần đầu tiên giao thì lấy tiền luôn, lần sau quen rồi thì chỉ cần nói cái tên là nó tự chạy tới", bị can Nguyễn Thị Minh Phụng, Quận 5, TP Hồ Chí Minh, khai nhận.
Tình trạng buôn lậu vàng với số lượng lớn được phát hiện nhiều nhất là ở khu vực biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Campuchia. Tình trạng này đã tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm qua do mức chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Do kích thước nhỏ gọn, trị giá cao, 1kg chỉ nhỏ gọn như chiếc điện thoại di động nên các đối tượng dễ dàng cất giấu.
"Trước đi đem vàng qua biên giới hoặc ngay sau khi vận chuyển được vàng qua biên giới, các đối tượng đã dùng máy khò xóa hết các ký hiệu để tránh việc cơ quan chức năng phát hiện được nguồn gốc của vàng trước khi vận chuyển sâu vào nội địa", Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu, Bộ Công an, cho biết.
Hiện chế tài xử lý đối với hành vi buôn lậu vàng cũng ở mức rất nhẹ so với khoản tiền lời có thể kiếm được nếu vận chuyển trót lọt. Thực tế cho thấy, số vàng lậu bị bắt giữ chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tảng băng chìm của hoạt động buôn lậu vàng thời gian qua.
Bất thường chênh lệch giá vàng
Chênh lệch giá giữa vàng thế giới với vàng SJC lên tới 17 - 20 triệu đồng/lượng. Không những vậy, vàng SJC cũng cao hơn so với các thương hiệu vàng khác trong nước từ 13 - 14 triệu đồng/lượng. Đây là điều không bình thường, bởi giá vàng ngoài yếu tố ảnh hưởng của giá thế giới còn do cung cầu của thị trường quyết định. Do vậy, sự chênh lệch giá này liệu có còn phù hợp trong điều kiện hiện nay? Người dân, những nhà đầu tư nhìn nhận như thế nào về sự chênh lệch giá này?
Tại thời điểm ngày 22/12, giá vàng SJC giao dịch ở mức 66 - 66,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng thế giới là 1.786 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ chưa đến 5.070.000 đồng/chỉ. Cũng như những các thương hiệu vàng khác, giá mua vào - bán ra của thương hiệu vàng Phú Quý chỉ nhỉnh hơn giá vàng thế giới 200.000 đồng/chỉ sau khi đã cộng các khoản thuế phí, nghĩa là giá vàng này tiệm cận với giá vàng thế giới. Tuy nhiên với vàng thương hiệu SJC có một khoảng cách rất xa, trên 1,5 triệu đồng/chỉ, tức gấp hơn 7 lần so với các loại vàng khác.
Đầu năm 2022, giá SJC liên tục tăng với tốc độ chóng mặt, phá vỡ kỷ lục 74 triệu đồng/lượng với những phiên biến động tăng tới 3 triệu đồng/lượng. Tăng rất nhanh nhưng giảm cũng rất nhanh, khiến người mua hôm trước đến hôm sau có thể lỗ 5 - 6 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, có không ít phiên giao dịch, giá vàng SJC diễn biến trái chiều với giá vàng thế giới.
"Do chúng ta không khuyến khích, không mở cửa, không liên thông với vàng quốc tế. Đặc biệt là vàng SJC, từ năm 2012 đến giờ, nhà nước chỉ đúc một lần duy nhất, từ đấy đến nay không hề tăng bất cứ một miếng nào nữa, do đó nó trở thành quý hiếm, bị đẩy giá lên rất là cao", Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Hội đồng Khoa học pháp lý, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho biết.
Thị trường vàng trong nước đang bao gồm 2 sản phẩm chính là vàng SJC và vàng vật chất dưới dạng vàng trang sức, vàng đóng vỉ của các doanh nghiệp. 10 năm qua, vàng SJC luôn giữ ở mức giá cao hơn giá vàng thế giới. Ngân hàng Nhà nước ngoài việc quản lý cấp phép xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, còn là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng và chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.
"Thời gian vừa qua, với hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước rất linh hoạt và thận trọng, cộng với những cái biện pháp để chống tình trạng vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, tác động cũng như biến động của thị trường vàng thế giới tác động tới thị trường vàng trong nước đã được giảm thiểu đi rất là nhiều", PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, đánh giá.
Tại các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc hay Singapore, giá vàng trong nước chỉ chênh với giá vàng thế giới một vài USD/ounce, tương đương vài chục nghìn đồng Việt Nam mỗi lượng. Diễn biến giá vàng Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào người bán khiến thị trường biến động khó lường. Vì vậy, một thị trường công khai, minh bạch, để tránh bị thao túng, lũng đoạn và kích thích buôn lậu phát triển là điều cần vào lúc này.
Dễ dàng hợp pháp hóa vàng lậu
Theo Hội đồng Vàng thế giới, trung bình mỗi năm Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ khoảng 20 tấn vàng trang sức, mỹ nghệ. Điều này cho thấy, lượng nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, trong đó có nhẫn trơn 24K là không hề nhỏ. Nguồn vàng nguyên liệu trên thị trường hiện nay chủ yếu từ mua đi bán lại và lượng vàng doanh nghiệp mua trôi nổi trên thị trường, trong đó bao gồm cả vàng nhập lậu. Vậy số vàng lậu đang được hợp thức hóa như thế nào trong bối cảnh thị trường vàng đang được quản lý chặt chẽ?
19 cửa hàng vàng của các đối tượng tại các tỉnh Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Hậu Giang, Vĩnh Long trong một đường dây buôn vàng lậu bị khám xét. Đây chính là nơi giúp cho vàng lậu được khai sinh với một nguồn gốc hoàn toàn mới và hợp pháp.
"Có cái mình mua về mình làm ra nữ trang mình bán lại cho khách hàng, cũng có cái mình để lại mình mua sao mình bán lại cho người ta là những tiệm vàng khi họ cần nguyên liệu vàng 4 số", bị can Huỳnh Minh Khánh, chủ tiệm vàng Khánh Minh Loan, Quận 6, TP Hồ Chí Minh, khai nhận.
Minh chứng rõ nét cho dòng chảy vàng lậu đang âm thầm diễn ra là theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mỗi năm, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức khoảng 20 tấn. Trong khi, gần 10 năm nay, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho bất cứ doanh nghiệp nào nhập khẩu vàng nguyên liệu, điều này chứng tỏ lượng vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường được các doanh nghiệp thu mua vào rất lớn, trong đó có vàng lậu.
"Đối với việc tiêu thụ vàng nhập lậu, cũng bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu qua việc hợp thức hóa thu gom trong dân và cá nhân trong nước", Đại tá Vũ Như Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu, Bộ Công an, cho biết.
Thị trường vàng trong nước đang bao gồm 2 sản phẩm chính là vàng SJC và vàng vật chất dưới dạng vàng trang sức, vàng đóng vỉ của các doanh nghiệp. (Ảnh: NLĐ)
Ngoài yếu tố chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước cao, nguyên nhân kích thích tình trạng buôn lậu còn là do sản xuất vàng trang sức hiện rất thiếu vàng nguyên liệu đầu vào.
"Sẽ khó khăn nếu chúng ta không cho nhập khẩu theo đường chính thức, có chênh lệch giá là nhập lậu ngay. Nhà nước nên xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng chính thống cho các doanh nghiệp để người ta không mua vàng trôi nổi nữa thì vàng lậu bán cho ai, mà khi đã nhập khẩu rồi thì chênh lệch giá vàng quốc tế và trong nước sẽ giảm ngay", ông Đinh Nho Bảng, Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, nhận định.
Việc cho phép nhập khẩu vàng còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang để xuất khẩu. Bởi trình độ tay nghề thợ kim hoàn Việt Nam được đánh giá rất cao so với nhiều nước khác. Tuy nhiên, lâu nay Việt Nam đã bỏ mặc thị trường gia công xuất khẩu vàng cho các nước như Indonesia, Malaysia và Thái Lan… Thậm chí nhiều nước còn thu hút thợ kim hoàn của Việt Nam sang làm việc và xuất khẩu mỗi năm hàng chục triệu USD mặt hàng nữ trang.
Việc cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ buôn lậu vàng có thể mới là phần nổi của tảng băng, vì ngoài đường bộ ra, vàng được nhập lậu trái phép còn thông qua cả đường hàng không và đường biển với khối lượng không hề nhỏ. Hệ lụy của việc buôn lậu vàng không chỉ là thất thu lớn cho ngân sách, gây vàng hóa nền kinh tế, tạo cơ hội cho thị trường mua bán, vận chuyển ngoại tệ tự do phát triển, mà còn tác động trực tiếp tới biến động tỷ giá hàng ngày cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của quốc gia.
VTV.vn - Dự báo về triển vọng giá vàng, nhiều chuyên gia tin rằng giá vàng năm 2023 sẽ tăng mạnh, thậm chí lên mức kỉ lục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.15591148130103202-gnav-aig-hcel-hnehc-gnouht-tab/et-hnik/nv.vtv