Thí sinh TP.HCM trao đổi bài sau khi kết thúc một môn thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thế giới đã có nhiều nghiên cứu về tác hại của việc dạy - học để đi thi nhưng dường như chưa thấy có chiều hướng giảm đi.
Lo ngại từ điểm cao
Xu hướng dạy học bằng mọi cách để nâng cao thành tích trong những lần kiểm tra, đánh giá những năm gần đây đã và đang phát triển mạnh.
Giáo viên bên cạnh dạy theo chương trình giáo dục luôn bận tâm đến việc dạy học sinh theo những kiểu mẫu câu hỏi, dạng đề và kỹ thuật làm bài để đạt điểm cao. Điều này, thói quen học vì điểm đã thành hình trong một bộ phận không nhỏ các phụ huynh, giáo viên, lãnh đạo nhà trường và chính các học sinh.
Tác hại dễ thấy nhất là học sinh sẽ khó phát triển năng lực một cách toàn diện do chỉ tập trung vào các môn học để thi sao cho có thành tích cao. Điều này gây ra hậu quả không hề nhỏ cho lực lượng lao động tương lai rất cần nhiều năng lực như sáng tạo, khả năng phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, giao tiếp và thích nghi với sự thay đổi của khoa học công nghệ và thị trường lao động.
Công việc tương lai đòi hỏi khả năng giải quyết vấn đề trong các tình huống chưa được biết đến vốn không thể "bổn cũ soạn lại", áp dụng kiến thức cũ vào tình huống mới. Điều này xem ra các nhà khảo thí (giáo viên, cán bộ quản lý) của ta chưa quan tâm đến.
Nguồn: Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Mất ý nghĩa đích thực của dạy học
Điểm kiểm tra hay thi cử đạt được qua quá trình tập luyện chưa hẳn đã minh chứng tốt cho việc học mà dễ dẫn đến học giả. Học sinh sẽ chỉ mải mê rèn kỹ năng làm bài mà có thể bỏ qua những kiến thức nền tảng, những thứ rất cần để có một trình độ học vấn thật. Và như vậy, học sinh đạt được điểm cao nhưng chưa chắc đã là chỉ dấu tốt cho thành công sau này.
Bên cạnh đó, việc dạy học chỉ chăm chăm đến thành tích các kỳ thi sẽ làm hư cả việc học và dạy của giáo viên. Khả năng đọc hiểu, tò mò, nghiên cứu sâu để phát hiện những vấn đề sẽ bị xem nhẹ trong khi ở môi trường đại học, khả năng tự học, tự đọc, tự tìm hiểu rất quan trọng đối với mỗi sinh viên. Khi hình thành thói quen học vì các kỳ thi sẽ làm cho việc học mất ý nghĩa đích thực của mình.
Trong khi đó, một số giáo viên chịu áp lực từ kết quả của các kỳ thi hay kiểm tra, còn lại một bộ phận giáo viên khác lại quá ư nhàn rỗi và giảm động lực giảng dạy. Các giáo viên môn phụ luôn có cảm giác bị đồng nghiệp và học sinh coi thường vì tất cả chỉ chú trọng đến những môn thi sao cho có thành tích cao để được xét vào đại học.
Ngoài ra, tư duy dạy và học để thi khiến việc lựa chọn các tổ hợp xét tuyển hỗn loạn, mục tiêu phân luồng hướng nghiệp vào đại học bị mất đi ý nghĩa.
Phải thay đổi, đồng bộ
Chính sách thi cử ở Việt Nam rất cần được thay đổi để thể hiện hết tinh thần của nghị quyết 29 chuyển từ chú trọng dạy nội dung sang dạy theo năng lực và đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ chương trình, sách giáo khoa, hoạt động giảng dạy - học của thầy và trò trong việc kiểm tra, đánh giá.
TS HOÀNG NGỌC VINH
Khi nói đến chuyện học sinh chịu áp lực học hành, thi cử, thường người ta sẽ đổ lỗi lên đầu thầy cô. Nhưng mấy ai hiểu ngay chính giáo viên cũng chịu áp lực không nhỏ từ các kỳ thi.
Xem thêm: mth.61421332230103202-yam-iougn-aoh-auq-neyul-coh-iv-ohk-noc-gnohk-ed-nad-neid/nv.ertiout