Sáng 4-1, TAND TP Hà Nội sau nửa tháng xét xử và nghị án, đã tuyên án đối với 36 bị cáo trong vụ đưa – nhận hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Công ty CP tiến bộ Quốc tế - AIC và BV đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Cựu Bí thư Đồng Nai lãnh 11 năm tù
Theo đó, toà tuyên phạt Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC) 30 năm tù, Trần Mạnh Hà (phó tổng giám đốc AIC) 25 năm tù cùng về hai tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.
Bị cáo Trần Đình Thành (phải) và bị cáo Đinh Quốc Thái (trái). Ảnh: HOÀNG VIỆT |
Ở tội danh nhận hối lộ, toà tuyên phạt bị cáo Trần Đình Thành - cựu Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai 11 năm tù; Đinh Quốc Thái - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chín năm tù.
Cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Bồ Ngọc Thu bị phạt ba năm sáu tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Toà cũng tuyên phạt bị cáo Phan Huy Anh Vũ – cựu Giám đốc BV đa khoa Đồng Nai, cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai 19 năm tù về hai tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ.
Bị cáo Hoàng Thị Thuý Nga (Phó tổng Giám đốc Công ty AIC) bị phạt 12 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
29 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến sáu năm sáu tháng tù về các tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng với mức án, toà buộc các bị cáo Nhàn, Nga, Hà cùng Công ty AIC liên đới bồi thường thiệt hại số tiền hơn 152 tỉ đồng cho BV Đa khoa Đồng Nai. Toà tiếp tục kê biên sáu căn hộ chung cư, biệt thự... đứng tên bà Nhàn cùng người thân.
Số tiền bị phong toả hơn 107 tỉ đồng của AIC tại bốn tài khoản ở ngân hàng BIDV, cần tiếp tục điều tra làm rõ về số tiền này.
Theo HĐXX, đến thời điểm này, tám bị cáo vắng mặt là tự bỏ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, toà cũng đã chỉ định các luật sư bào chữa cho các bị cáo vắng mặt. Hiện chỉ có bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết từ Mỹ gửi đơn xin xét xử vắng mặt.
Kết luận điều tra đều khẳng định các bị cáo vắng mặt có hành vi phạm tội và hành vi đó liên quan đến các bị cáo có mặt tại toà. Do đó, toà xét xử đối với các bị cáo là đúng quy định pháp luật. Việc các luật sư đề nghị tạm đình chỉ, gỡ bỏ lệnh truy nã là không đúng.
Bà Nhàn là đối tượng chủ mưu cầm đầu
Căn cứ vào lời khai, tài liệu, dữ liệu trích xuất, cùng nhân chứng… toà nhận thấy dự án đầu tư thuộc nhóm A, do BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Quá trình thực hiện dự án, UBND tỉnh đã ban hành bốn phương án mua sắm thiết bị y tế.
Các bị cáo nghe tuyên án tại toà. Ảnh: HOÀNG VIỆT |
Giai đoạn 2007-2009, để Công ty AIC được tham dự đấu thầu và trúng 16 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại dự án BV Đa khoa Đồng Nai, bị cáo Nhàn đã liên hệ nhờ cựu Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái giới thiệu với phía bệnh viện.
Sau đó, ông Thành chỉ đạo cựu giám đốc bệnh viện Phan Huy Anh Vũ tạo điều kiện cho AIC trúng các gói thầu. Sau khi giúp doanh nghiệp trúng thầu, ông Thành, ông Vũ đã nhận hối lộ tiền do bà Nhàn và phía Công ty AIC đưa hối lộ.
Quá trình dự thầu, bà Nhàn cùng các bị cáo còn sử dụng quy trình 70 bước để thông thầu, gian lận đấu thầu trái quy định của pháp luật, thể hiện qua các hành vi làm quân xanh, chuẩn bị hồ sơ dự thầu...
Kết quả, Công ty của bị cáo Nhàn đã trúng 16 gói thầu thiết bị y tế tại dự án trên. Trong đó, Công ty AIC đứng tên trúng 13 gói, chỉ định 3 công ty trúng số gói thầu còn lại. “Đối chiếu cho thấy có sự chênh lệch tài sản của Nhà nước là hơn 152 tỉ đồng”, bản án nhận định.
Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn là đối tượng chủ mưu cầm đầu, chịu trách nhiệm chính sai phạm xảy ra tại Công ty AIC và Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Toà xác định, bị cáo Nhàn đã chỉ đạo nhân viên, cấp dưới trong công ty thông đồng móc ngoặc chủ đầu tư, công ty “quân xanh” để AIC trúng thầu.
Bị cáo Nhàn lợi dụng mối quan hệ, đã nhờ Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Bồ Ngọc Thu, Phan Huy Anh Vũ tạo điều kiện cho AIC trúng thầu. Bị cáo còn thông đồng với công ty thẩm định giá… để nâng giá sản phẩm lên.
Bản thân bà Nhàn biết AIC không đủ năng lực tài chính trúng thầu, nên chỉ đạo nhân viên nâng cao năng lực của công ty để đủ điều kiện tham gia dự thầu, đấu thầu.
Trong quá trình tham gia gói thầu tại dự án, bị cáo Nhàn, Trần Mạnh Hà đưa tổng cộng 43,8 tỉ đồng cho ông Thành, Thái, Thu, Vũ.
Việc truy tố bà Nhàn là đúng người đúng tội. Tuy nhiên, toà xem xét bản thân bị cáo có nhiều thành tích, gia đình có công cách mạng.
Về Trần Mạnh Hà, toà căn cứ vào lời khai của các bị cáo, tài liệu chứng cứ khác, xác định, bị cáo này nhận chỉ đạo của Nhàn để gặp nhóm bị cáo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, để tạo điều kiện cho AIC trúng thầu. Bị cáo còn nhận chỉ đạo của Nhàn để đưa hối lộ cho bị cáo Vũ. Bị cáo có tình tiết tăng nặng do phạm tội có tổ chức.
Với bị cáo Nga, bị cáo này thừa nhận hành vi, và đã khắc phục một phần hậu quả. Bị cáo đã giúp sức tích cực cho Nhàn, gặp gỡ dàn cựu lãnh đạo để nhờ tạo điều kiện cho AIC trúng thầu. Bị cáo còn chỉ đạo nhân viên thông đồng với các công ty, lập “quân xanh” để tham gia dự thầu, đấu thấu và trúng thầu.
Ở nhóm cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, bị cáo Trần Đình Thành đã sáu lần nhận tổng cộng 14,5 tỉ đồng để tạo điều kiện cho Nhàn trúng 16 gói thầu. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: có nhiều thành tích, được tặng thưởng huân chương, bằng khen, gia đình cách mạng, khắc phục toàn bộ số tiền hưởng lợi. Hiện bị cáo tuổi cao, sức khoẻ yếu.
Với bị cáo Đinh Quốc Thái, toà xác định ông này nhận hối lộ 14,5 tỉ đồng từ Nhàn, Hà để ký quyết định điều chỉnh phê duyệt dự án, gói thầu, cùng với tác động Vũ để tạo điều kiện cho AIC trúng 16 gói thầu. Song bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: thực sự ăn năn hối cải, nộp lại số tiền hưởng lợi, có nhiều thành tích, hiện sức khoẻ yếu.
Các bị cáo còn lại, toà thấy cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội. Tại toà các bị thành khẩn thừa nhận hành vi của mình.