Nước mắt của những đứa trẻ
Phiên tòa xét xử bị cáo Và Y Mò (SN 1987, trú xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” diễn ra vào ngày cuối cùng của năm 2022. Từ sáng sớm một nhóm người đồng bào dân tộc Mông cứ đứng trước cổng tòa. Mãi đến khi phiên xét xử gần xong, họ mới hớt hải chạy lên phòng xử án trên tầng 2. Nghe ồn ào phía dưới, Mò quay xuống, đôi mắt đỏ hoe.
Trước đó, quá trình xét xử, bị cáo thành khẩn khai báo. Theo cáo trạng cũng như lời khai của bị cáo tại phiên tòa, khoảng 5h ngày 27/5/2022, Mò dậy sớm lấy xe máy đi vào rẫy làm cỏ thì gặp người hàng xóm Lỳ Nhia Thò. Người này nhờ Mò cầm một gói đồ đến bản bên cạnh giao cho Vừ Xay Dênh. Khi đến gần nhà Dênh thì Mò bị tổ công tác công an huyện ra hiệu lệnh dừng kiểm tra hành chính. Thò liền quay xe, ném túi đồ vào vườn một nhà dân ven đường. Công an đã bắt giữ Mò và kiểm tra túi hàng thì phát hiện 2 bánh heroin có trọng lượng hơn 710gam.
Bị cáo Và Y Mò lĩnh án 20 năm tù
Quá trình xét hỏi, có lúc bị cáo khai không biết trong gói đồ là ma túy mà nghĩ là thuốc... đau bụng. Sau đó, bị cáo lại thừa nhận biết gói hàng đó là heroin nhưng chưa nhận được khoản tiền công nào. Bị cáo mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật để về nuôi con.
Nhắc đến con, bị cáo này rơi nước mắt trình bày, bị cáo có 3 con nhỏ, chồng đi làm thuê tận miền nam mãi đến tận ngày diễn ra phiên xét xử chồng mới về. Chồng bị cáo cũng theo nhóm người thân đến tòa. Đi cùng còn có bố của bị cáo là ông Và Bá Di (55 tuổi). Nhìn con gái đứng trên bục khai báo, người cha không ít lần đưa tay lên lau nước mắt, nghẹn ngào “nó dại quá”.
Theo ông D., vợ chồng Mò sinh được 3 con, 2 đứa đầu gửi ở nhà cho ông bà, bé út theo bố mẹ vào Bình Dương làm thuê. Đợt dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng Mò mất việc. Cuối năm 2021, họ đánh liều chở nhau bằng xe máy vượt cả nghìn cây số về quê. Về đến nhà thì cả gia đình Mò đều mắc Covid-19.
Khi dịch cơ bản được khống chế, ở quê không có việc làm, vợ chồng Mò quyết định quay lại miền nam làm thuê. “Con gái tôi bảo chồng đi trước còn mình ở lại đợi các con nhập học ổn định rồi vào sau. Kế hoạch là vậy nhưng chưa kịp thực hiện thì nó bị công an bắt”, người cha buồn rầu.
Rồi ông xúc động kể, từ khi con gái bị bắt, con rể đi làm thuê, ông bà nhận trách nhiệm nuôi 3 đứa cháu. Quá trình phiên tòa diễn ra, 3 đứa trẻ là con của bị cáo cứ đứng ngó ngoài phòng xử án. Cô bé 3 tuổi cứ đưa bàn tay bé xíu với về phía mẹ, miệng liên tục kêu “mẹ, mẹ” bằng tiếng Kinh chưa rõ.
Nghe tiếng gọi của con, nữ bị cáo quay lại. Bốn mẹ con chỉ cách nhau chừng 5m nhưng khoảng cách cứ như xa vời vợi. Mỗi tiếng kêu “mẹ” của con như mũi kim chích vào trái tim của người mẹ dại dột. Và Y Mò bưng mặt khóc nức nở, những hối hận, dằn vặt, day dứt muộn màng.
Ba đứa con của bị cáo đứng nhìn mẹ từ hành lang tòa
Tình thương của người dưng
Phiên tòa kết thúc với bản án 20 năm dành cho bị cáo Và Y Mò về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy. Thấy mẹ bị dẫn ra về, cô chị 10 tuổi vội vã bế em, chờ sẵn ở nơi mà cô bé đoán các chú công an sẽ dẫn mẹ đi qua. Thấy mẹ rời đi, cô bé bưng mặt òa khóc.
Người mẹ phạm tội phải chịu bản án của pháp luật nhưng hình ảnh 3 đứa trẻ đứng khóc ở hàng lang phòng xử án khiến nhiều người nghẹn lòng. Do đó, dù phiên tòa đã kết thúc nhưng vị luật sư bào chữa chỉ định cho bị cáo, vị Hội thẩm nhân dân và Thẩm phán của phiên tòa không chỉ nán lại động viên tinh thần, dặn dò các em cố gắng học hành mà còn gửi món quà động viên.
Sau khi phiên tòa kết thúc, nhiều người xa lạ đã động viên, gửi quà cho các em
Cầm những món quà từ người xa lạ, những đứa trẻ ấy lễ phép cảm ơn rồi vừa khóc, vừa chạy theo người thân rời chốn pháp đình. Ngoài trời, gió bấc vẫn thổi mạnh, cái lạnh vì thế càng tái tê... 3 đứa trẻ co ro rời tòa cùng người thân giữa cái lạnh như cắt da cắt thịt.