Trong suốt 3 thập kỷ, ông Hidekazu Yokoyama đã xây dựng và phát triển một doanh nghiệp logistics lớn mạnh trên hòn đảo Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản. Tuy nhiên, vào năm ngoái, ông quyết định sẽ sang nhượng toàn bộ công ty chứ không để gia đình tiếp quản.
Đây là một giải pháp được cho là tốt nhất trong bối cảnh Nhật Bản rơi vào cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng. Khi tỷ lệ sinh của quốc gia này giảm mạnh và dân số ngày càng già đi, độ tuổi trung bình của các chủ doanh nghiệp đã tăng lên khoảng 62. Gần 60% doanh nghiệp của Nhật Bản cho biết họ vẫn chưa có kế hoạch cho tương lai.
Các chủ doanh nghiệp lần lượt nghỉ hưu
Dù Yokoyama (73 tuổi) cảm thấy mình đã quá già để tiếp tục vận hành doanh nghiệp, nhưng từ bỏ hoàn toàn lại không phải một lựa chọn khi có quá nhiều nông dân “sống” dựa vào công ty của ông. Tuy nhiên, các con của ông lại không hứng thú với công việc này, ngay cả nhân viên của ông cũng vậy. Còn một số chủ sở hữu tiềm năng lại muốn chuyển doanh nghiệp đến miền bắc.
Bởi vậy, ông đã đăng tải thông báo thông qua một dịch vụ hỗ trợ các chủ doanh nghiệp nhỏ ở những địa phương xa xôi tìm người tiếp quản. Giá bán lại những doanh nghiệp này là: 0 đồng.
Những khó khăn của ông Yokoyama cho thấy một xã hội già hóa có thể tác động nặng nề đến nền kinh tế như thế nào. Việc nhiều doanh nghiệp vừa vào nhỏ ngừng hoạt động khi dân số sụt giảm là điều không thể tránh khỏi. Song, các nhà hoạch định chính sách còn lo ngại rằng quốc gia này có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngày càng nhiều công ty phải đóng cửa khi các chủ sở hữu đến tuổi nghỉ hưu.
Ông Hidekazu Yokoyama.
Trong một bài thuyết trình về vấn đề này vào năm 2019, Bộ Thương mại Nhật bản dự đoán đến năm 2025 khoảng 630.000 doanh nghiệp kinh doanh có lãi có thể phải đóng cửa, gây thiệt hại 165 tỷ USD cho nền kinh tế và mất 6,5 triệu việc làm.
Tăng trưởng của Nhật Bản nay đã chậm lại và giới chức nước này đã bắt tay vào hành động với hy vọng ngăn chặn được một thảm họa. Các ban ngành chính phủ của Nhật Bản đã nỗ lực triển khai nhiều chiến dịch nhằm hướng dẫn các chủ doanh nghiệp lớn tuổi về những lựa chọn sau khi nghỉ hưu. Cùng với đó, các trung tâm dịch vụ để giúp doanh nghiệp tìm người mua cũng được thành lập. Ngoài ra, chính phủ cũng đưa ra các khoản trợ cấp lớn và giảm thuế cho các chủ doanh nghiệp mới.
Dẫu vậy, thách thức vẫn là rất lớn. Tsuneo Watanabe – giám đốc Nihon M&A Center, một công ty chuyên tìm kiếm đối tác mua lại các doanh nghiệp vừa và nhỏ có giá trị, cho biết một trong những trở ngại lớn nhất trong việc tìm người kế nhiệm đó là sự bảo thủ.
Các nhân viên của công ty ông Yokoyama.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng doanh nghiệp lại là một con đường rất dài. Trong những năm trước, các chủ doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những người điều hành các doanh nghiệp có tuổi đời hàng thập kỷ hay hàng thế kỷ, cho rằng con cái họ mới là người đáng tin cậy để tiếp quản. Họ không quan tâm đến việc bán lại doanh nghiệp cho một người lạ và càng không muốn đó là một đối thủ cạnh tranh.
Ông Watanabe cho biết, M&A không phải là một hoạt động được đánh giá cao. Theo ông, rất nhiều người cảm thấy thà đóng cửa công ty còn hơn là bán cho người khác. Nhận thức về hoạt động M&A dù đã cải thiện trong những năm gần đây nhưng vẫn còn nhiều doanh nhân thậm chí còn không nghĩ đó là một lựa chọn khả quan.
Dù một số bên mua lại uy tín đã xuất hiện, nhưng dường như nhiều công ty nhỏ có khả năng sinh lời vẫn không thể tìm được đối tượng phù hợp.
Theo Bộ Thương mại Nhật Bản, vào năm 2021, các trung tâm hỗ trợ của chính phủ và top 5 dịch vụ M&A của nước này chỉ tìm được bên mua lại cho 2.413 doanh nghiệp. Trong khi đó, 44.000 doanh nghiệp khác vẫn chưa có chủ mới, 55% trong số này vẫn có lãi khi đóng cửa.
Nhiều doanh nghiệp trong số đó hoạt động ở các thị trấn và thành phố nhỏ - nơi các chủ sở hữu vấn coi trọng việc thừa kế. Sự sụp đổ của một doanh nghiệp, cho dù là một công ty lớn ở địa phương hay chỉ là cửa hàng tạp hóa duy nhất ở 1 ngôi làng, cũng có thể khiến nơi đó gặp nhiều khó khăn hơn trước tình trạng dân số liên tục sụt giảm và người dân đổ xô đến những thành phố lớn.
Tìm được người tiếp quản nhưng vẫn... không yên tâm
Sau khi chương trình được chính phủ hỗ trợ không thể tìm được người thay thế cho ông Yokoyama, một ngân hàng đã đề nghị ông tìm đến Relay – một công ty có trụ sở tại Kyushu, hòn đảo ở cực nam Nhật Bản.
Ông Yokoyama sẽ "tặng" lại toàn bộ hơn 60ha đất và cả thiết bị nhà máy cho người tiếp quản doanh nghiệp.
Relay tạo ra sự khác biệt bằng cách thu hút sự chú ý và mục đích của những bên mua lại tiềm năng. Khách hàng của họ gồm các chủ sở hữu của các cửa hàng sushi hay cánh đồng lúa mì, sẽ được triển khai để thu hút những người sống ở thành thị nhộn nhịp mơ ước về một cuộc sống ít xô bồ hơn.
Nhiệm vụ của công ty với ông Yokoyama không hề dễ dàng. Thị trấn nơi doanh nghiệp đang hoạt động – Monbetsu, với khoảng 20.000 dân và đang suy giảm, có thể sẽ trở nên hoang vắng như Bắc Cực. Các ngành công nghiệp duy nhất ở đây là đánh bắt cá và trồng trọt - phần lớn sẽ “ngủ đông” khi thời tiết lạnh giá.
Vào những năm 1980, một con phố của Monbetsu đã rất sầm uất với đầy quán rượu và nhà hàng, đây cũng là thời kỳ thịnh vượng của thành phố này ở thời điểm những ngư dân trẻ tụ tập và thoải mái tiêu tiền. Còn giờ đây, những tấm áp phích màu bạc đã bị tháo dỡ khỏi các cửa hàng bị bỏ hoang. Tòa nhà lớn nhất của thị trấn là một bệnh viện mới.
Năm 2001, Mobetsu xây dựng một trường tiểu học mới gần công ty của ông Yokoyama nhưng đóng cửa chỉ sau 10 năm. Trước đây, các lớp họp chật kín con cháu của những nông dân chăn nuôi bò sữa sống quanh đó, nhưng giờ đây con cái họ đã chuyển đến thành phố để kiếm sống.
Khi không có người tiếp quản, các trang trại lần lượt ngừng hoạt động. Ngoài ra, lạm phát leo thang cũng khiến hàng chục người quyết định nghỉ hưu sớm.
Khi các nông dân lớn tuổi hơn và khoản tiền họ kiếm được cũng ít đi, nhiều người trong số họ đã tìm đến doanh nghiệp của ông Yokoyama để làm những công việc như thu hoạch cỏ khô và dọn tuyết. Thông thường, một ngày làm việc của ông bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc lúc 7 giờ tối, ông cũng ngủ trong căn phòng ngay phía sau văn phòng.
Kai Fujisawa, người sẽ tiếp quản doanh nghiệp của ông Yokoyama.
Isao Ikeno – quản lý của một hợp tác xã sữa gần đó, đã phải tự động hóa nhiều công việc vì ngày càng khó tìm người làm. Ông nói, mọi thứ sẽ cực kỳ khó khăn nếu công việc kinh doanh của mình bị ngừng lại.
Trong trang trại của hợp tác xã, 17 nhân viên phải chăm sóc 3.000 gia súc và công ty của ông Yokoyama sẽ giúp lấp đầy sự chênh lệch đó. Ông Ikeno cho biết không có doanh nghiệp nào khác trong khu vực có thể cung cấp dịch vụ như vậy.
Ông Yokoyama bắt đầu nghĩ đến chuyện nghỉ hưu cách đây 6 năm nhưng vẫn không dám chức điều gì sẽ xảy ra với doanh nghiệp của mình. Dù ông gánh khoản nợ hơn 1 nửa triệu USD, nhưng các chính sách kích thích kinh tế trong nhiều năm đã giữ lãi suất ở mức thấp và tỷ suất lợi nhuận của công ty hàng năm đạt khoảng 30%.
Quảng cáo của công ty ông trên Relay cho biết đây sẽ là công việc khó khăn nhưng không cần kinh nghiệp. Ứng viên hoàn hảo sẽ là “người trẻ và sẵn sàng làm việc”. Người phù hợp sẽ tiếp quản cả các khoản nợ nhưng được thừa kế tất cả các thiết bị của doanh nghiệp này, gồm hơn 60 ha đất nông nghiệp và rừng nguyên sinh. Còn các con của ông Yokoyama sẽ không nhận được gì.
Ông Yokoyama đã nhận được 30 lời đề nghị và cuối cùng ông đã lựa chọn một ứng viên tiềm năng nhất là Kai Fujisawa, 26 tuổi. Một người bạn đã gửi nội dung quảng cáo của Relay cho Fujisawa và anh ngay lập tức đến gặp ông Yokoyama.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này vẫn chưa thực sự suôn sẻ vì ông Yokoyama chưa hoàn toàn tin rằng Fujisawa là người thích hợp cho công việc. Quá trình “học việc” khó khăn hơn nhiều so với dự kiến và các nhân viên “tóc hoa râm” – hầu hết ở độ tuổi 50 và 60, của ông Yokoyama không nghĩ rằng Fujiisawa sẽ đủ khả năng tiếp quản.
Fujisawa chia sẻ rằng, dù có nhiều áp lực nhưng anh đã sẵn sàng để làm công việc này đến hết đời.
Tham khảo NYT