Ngày 4-1, chính quyền Tổng thống Joe Biden xúc tiến kế hoạch mở lại đại sứ quán Mỹ tại Quần đảo Solomon nhằm đối phó ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, theo hãng tin AP.
Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo với Quốc hội rằng họ sẽ sớm thành lập một đại sứ quán lâm thời tại thủ đô Honiara của Solomon trên địa điểm từng là cơ sở lãnh sự của Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, đại sứ quán lúc đầu sẽ hoạt động với quy mô nhỏ, với 2 nhà ngoại giao Mỹ và 5 nhân viên địa phương với chi phí 1,8 triệu USD/năm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng quốc đảo Solomon Manasseh Sogavare trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hồi tháng 9-2022. Ảnh: AP |
“Chúng ta đang chứng kiến mối ràng buộc này suy yếu khi Trung Quốc tích cực tìm cách thu hút giới tinh hoa chính trị và kinh doanh của Quần đảo Solomon” - theo văn bản được Bộ Ngoại giao Mỹ gửi đến quốc hội ngày 23-12-2022.
“Mỹ cần hiện diện ngoại giao lâu dài ở Honiara để tạo ra một đối trọng hiệu quả trước ảnh hưởng ngày càng tăng (của Trung Quốc) và tăng cường can dự của Washington với Thái Bình Dương, một cách tương xứng với tầm quan trọng của khu vực này” - theo văn bản.
“Việc không có đại sứ quán đã hạn chế nghiêm trọng khả năng của Mỹ việc giao tiếp với - quốc gia có vị trí chiến lược này một cách nhanh chóng và chính xác" - theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tháng 2-2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói với các nhà lập pháp về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và việc mở lại đại sứ quán tại Quần đảo Solomon là ưu tiên hàng đầu. Cũng trong năm ngoái, Quần đảo Solomon đã ký một hiệp ước an ninh với Trung Quốc và Mỹ đã đáp trả bằng cách cử một số phái đoàn cấp cao đến quần đảo này.
Mỹ đã đóng cửa đại sứ quán tại Honiara vào năm 1993 để tái phân bổ ưu tiên ngoại giao trên toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh. Kể từ đó, các quan chức Nhà Trắng thừa nhận rằng sự thờ ơ của Mỹ đối với khu vực đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng.
Trong khi tiến tới tăng cường quan hệ với Quần đảo Solomon, Mỹ cũng đang tìm cách củng cố quan hệ với các quốc gia Thái Bình Dương khác mà nước này lo ngại cũng có thể bị lôi kéo vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Mỹ đang đàm phán với các quốc gia liên quan để làm mới cái gọi là “Hiệp ước Liên kết Tự do” giữa Mỹ và Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia và Palau. Những hiệp ước này sẽ hết hạn trong vòng 2 năm tới.
Vào cuối tháng 9, Tổng thống Joe Biden đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương để công bố một chiến lược mới cho khu vực, bao gồm các vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải và đánh bắt hải sản quá mức.
Ông Biden cam kết Mỹ sẽ gửi thêm 810 triệu USD viện trợ cho các quốc đảo Thái Bình Dương trong 10 năm tới, bao gồm 130 triệu USD cho các nỗ lực ngăn chặn tác động của biến đổi khí hậu.
Nhà Trắng cũng công bố kế hoạch công nhận Quần đảo Cook và Niue là các quốc gia có chủ quyền, sau “các cuộc tham vấn thích hợp”. Mỹ hiện công nhận quần đảo này là lãnh thổ tự trị.