Ngoài giá bán tăng còn lý do nào giúp ngành phân bón đạt được kết quả này?
Giá bán tăng cao
Dù kết quả báo cáo tài chính năm 2022 chưa được công bố nhưng có thể khẳng định ngành phân bón của Việt Nam tiếp tục có một năm thắng lợi với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Một trong những nguyên nhân đưa đến kết quả kinh doanh tốt của các công ty phân bón là do giá bán ra tăng cao so với các năm trước. Điều này đã tác động tới sản xuất nông nghiệp, giá thành sản xuất nông sản và thu nhập của nông dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chi phí phân bón chiếm tới 30 - 50% giá thành sản xuất của ngành này nên khi giá phân bón tăng cao đã tác động đến tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước.
Bộ NN&PTNT cho biết hằng năm Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Đơn cử như năm 2021, lượng phân bón sử dụng là 10,7 triệu tấn. Trong đó, lượng phân bón sản xuất trong nước 7,2 triệu tấn; nhập khẩu 5,1 triệu tấn; xuất khẩu 1,6 triệu tấn.
Với tình hình xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, Bộ NN&PTNT dự báo thời gian tới thị trường phân bón sẽ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung. Đặc biệt với phân kali do Nga và Belarus cung cấp chiếm gần 50% trong tổng nhu cầu của toàn thế giới. Trong khi đó, với loại phân bón này Việt Nam lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Ông Phùng Hà - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cho biết giá phân bón bắt đầu tăng phi mã từ năm 2020 đến nay và đây cũng là đợt tăng giá mạnh nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cước vận chuyển tăng mạnh; giá dầu, giá khí tự nhiên tăng cao.
Đặc biệt do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, hai nước này là những cường quốc xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới.
Bà Nguyễn Thị Hiền - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HOSE: DCM) - cho biết năm 2022 mọi chi phí đầu vào của ngành sản xuất kinh doanh phân bón đều tăng cao dẫn đến giá thành và giá bán ra thị trường cũng tăng lên. Tuy nhiên ngành phân bón đạt được kết quả tốt không phải chỉ do tăng giá bán mà còn do nhiều yếu tố khác nữa.
Thực tế, giá phân bón tăng cao một mặt tác động tích cực, tuy nhiên việc duy trì giá cao trong thời gian dài đã và đang làm giảm nhu cầu sử dụng phân bón. Ước tính nhu cầu nội địa trong năm 2022 giảm 20-30% tùy vào từng khu vực dẫn tới công tác tiêu thụ nội địa gặp nhiều khó khăn, lượng tiêu thụ nội địa thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, buộc các đơn vị sản xuất trong nước phải tìm kiếm cơ hội và đẩy mạnh xuất khẩu để đảm bảo tồn kho và duy trì sản xuất. Phân bón Cà Mau không nằm ngoài bức tranh chung đó.
Ngành phân bón năm 2023 sẽ tiếp tục đối diện các vấn đề nóng chưa hồi kết. Giá nguyên liệu thô tăng vọt, nguồn cung khí khan hiếm khắp từ Á sang Âu, chi phí đầu vào tăng đồng loạt thì không cách nào mà giá bán phân bón có thể giảm.
Xuất khẩu lần đầu tiên vượt 1 tỉ USD
Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu phân bón chính thức cán mốc hơn 1 tỉ USD từ đầu năm đến nay, đạt hơn 1,6 triệu tấn. Sản phẩm Phân bón Việt Nam đã xuất khẩu đi hầu hết các thị trường thế giới, như Pháp, Ấn Độ, các nước Nam Á, các thị trường ở xa như Nam Mỹ, Peru, Mexico, Hoa Kỳ... cũng đã hiện diện.
Thực tế xuất khẩu phân bón thuận lợi đã khiến hàng loạt tên tuổi trong ngành phân bón như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, một số đơn vị trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam như Phân bón miền Nam, Phân bón Bình Điền... ghi nhận lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền - phó tổng giám đốc PVCFC - năm 2022, sản xuất nông nghiệp ở các quốc gia chính yếu tăng trưởng kéo theo nhu cầu sử dụng phân bón tăng vọt. Một mặt do thời tiết ôn hòa, canh tác thuận lợi hơn. Đặc biệt các nước chú trọng chính sách an ninh lương thực nay càng đẩy mạnh dự trữ hơn, họ tiêu thụ lượng lớn các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, lúa mì, ngũ cốc, đậu tương...
Việt Nam chúng ta có những thương hiệu lớn như Phân bón Cà Mau, vốn đã hiện diện ở hầu hết các thị trường trên thế giới, năng suất cung ứng vượt trội đã vận dụng cơ hội này để xuất khẩu lượng hàng hóa ấn tượng. Ngoài ra do ảnh hưởng chiến sự Nga - Ukraine, giá khí tăng đẩy giá phân bón tăng, tỉ giá USD cũng tăng mạnh từ đầu năm... Đó chính là những mặt thuận giúp ngành phân bón nước ta đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD với hơn 1,6 triệu tấn.
Cuộc chiến trên còn dai dẳng, an ninh năng lượng toàn cầu còn chịu thách thức. Sang đầu năm 2023, khí có thể tiếp diễn khan hiếm nên giá cũng duy trì mức cao. Phân bón cùng chịu áp lực mà tăng theo. Giá bán ra không bù nổi chi phí đầu vào nên nhiều nơi phải cắt giảm sản xuất ammonia hoặc ure khiến nguồn cung phân bón thế giới thiếu hụt trầm trọng. Trong khi đó, tổng công suất các nhà máy nội địa dồi dào có thể đáp ứng xuất khẩu tốt. Cho nên dư địa cho ngành còn nhiều và giá trị sẽ tăng trong đầu năm 2023, bà Hiền nhận định.
2023 giá phân bón sẽ hạ nhiệt?
Trong phân tích mới đây, Agriseco Research nhận định, khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, nước này có thể khôi phục sản lượng sản xuất và gỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu. Nhiều chuyên gia dự báo điều này có thể khiến giá phân bón tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2023 và ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp. Bởi vì một khi Trung Quốc mở cửa kinh tế, khôi phục sản xuất và gỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu thì có thể sẽ tung vào thị trường một lượng hàng hóa khổng lồ, trong đó có phân bón các loại.
Tuy nhiên, nhiều công ty phân bón cho rằng tác động từ Trung Quốc là có nhưng kỳ vọng giá giảm mạnh là khó xảy ra. Dù Trung Quốc đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ure từ cuối tháng 6-2022 nhưng các hoạt động xuất khẩu vẫn rất hạn chế nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Trong giai đoạn căng thẳng hiện nay, họ vẫn phải chu toàn nội quốc trước khi có thể "xông pha" thế giới.
PVCFC lập hàng loạt kỷ lục mới
Kết thúc năm 2022, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, Hose: DCM) đã hoàn thành cả hai chỉ tiêu về sản xuất và kinh doanh sớm hơn so với kế hoạch được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao.
Đến ngày 10-12-2022, tổng sản lượng ure quy đổi của Nhà máy đạm Cà Mau đạt 860.102 tấn, sớm hơn 21 ngày so với chỉ tiêu. Tính chung khối lượng sản xuất ước tính cả năm của Nhà máy đạm Cà Mau khoảng 916.700 tấn ure quy đổi, góp phần đảm bảo nguồn cung phân bón trong nước.
Về xuất khẩu, Phân bón Cà Mau đạt 410.400 tấn năm 2022, doanh thu 260 triệu đô la, tương đương 6.200 tỉ đồng.
Sản lượng tự doanh đạt 120.000 tấn, doanh thu 562 tỉ đồng, giúp công ty duy trì tăng trưởng doanh số, giảm phụ thuộc vào công suất sản xuất có giới hạn và điều kiện thị trường trong nước giảm cầu.
Về kết quả chung, sản lượng tiêu thụ năm 2022 của Phân bón Cà Mau đạt 1.077.000 tấn, trong đó ure đạt 830.000 tấn, NPK Cà Mau 87.000 tấn. Công ty đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được tập đoàn giao với doanh thu đạt hơn 16.412 tỉ đồng, đạt 111% kế hoạch năm. Tổng doanh thu và lợi nhuận của PVCFC trong năm 2022 ghi nhận mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.
Trái ngược với diễn biến khó khăn ở nhiều nhóm ngành, năm nay hàng loạt công ty phân bón gặt hái doanh thu kỷ lục. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành này cũng đang gặp áp lực khi giá phân bón bắt đầu giảm do nguồn cung tăng lên, giá nông sản giảm.
Xem thêm: mth.23374600150103202-uad-od-nol-ial-nob-nahp-yt-gnoc-cac/nv.ertiout