Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 5-1, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2 (Quốc hội khóa XV), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với 120 điều.
Với vấn đề tự chủ tại các cơ sở khám, chữa bệnh, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ về cơ chế tự chủ của các bệnh viện, dự thảo luật đã bổ sung một điều về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
Trong đó quy định cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước sẽ được Nhà nước đảm bảo kinh phí, nhưng phải có trách nhiệm sử dụng hiệu quả nguồn tài chính. Cơ sở thực hiện tự chủ được quyết định về tổ chức, nhân sự, quyết định mức thu các dịch vụ, đầu tư các dự án thực hiện khám chữa bệnh, quyết định chi và sử dụng tài sản công.
Đối với vấn đề xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh, trên cơ sở ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung hình thức mua trả chậm, trả dần, thuê, mượn thiết bị y tế, khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo luật cũng đã đưa ra các quy định về vấn đề này.
Một vấn đề được quan tâm trong dự luật là giá dịch vụ khám, chữa bệnh - viện phí, có ý kiến đại biểu đề nghị thể hiện rõ hơn, đầy đủ hơn các yếu tố cấu thành giá. Đơn cử như yếu tố con người, khấu hao tài sản, cơ sở vật chất, tiền lương, công nghệ thông tin, vấn đề đào tạo…
Đồng thời, quy định rõ nguyên tắc của tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân. Bổ sung quy định về phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh cho phù hợp và thống nhất với quy định của dự thảo Luật giá.
Tiếp thu ý kiến, cơ quan thẩm tra cho biết dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ các yếu tố cấu thành giá khám, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung, lộ trình trước ngày 1-1-2025, phải tính đủ các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
Đối với thẩm quyền của Nhà nước (Bộ Y tế) trong định giá dịch vụ khám, chữa bệnh, có ý kiến đề xuất Bộ Y tế quy định giá tối đa dịch vụ. Trong khi cũng có ý kiến đề nghị Nhà nước quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thanh toán bằng bảo hiểm y tế theo lộ trình, phù hợp khả năng ngân sách nhà nước và chi trả của người dân.
Đối với giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, tôn trọng nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Ngoài ra, một số vấn đề trong dự thảo luật được cơ quan thẩm tra lưu ý như việc quy định cụ thể hơn về mô hình, tổ chức, địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia, cân nhắc thêm quy định thời hạn của giấy phép hành nghề, làm rõ ba cấp chuyên môn kỹ thuật, quy định về nguồn ngân sách cho hoạt động khám chữa bệnh, lộ trình thực hiện và rà soát các quy trình, thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh…
TTO - Theo dự kiến, tại kỳ họp bất thường thứ hai của Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào tháng 1-2023 sẽ trình xem xét thông qua dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).