Sáng 4/1, TAND Hà Nội dành gần 5 giờ công bố bản án với 36 bị cáo trong đại án AIC gian lận đấu thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại hơn 152 tỷ đồng cho Nhà nước.
Trước phiên tòa, cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 7 bị cáo bị nhà chức trách xác định bỏ trốn. Bộ Công an mới đây đã phát thông tin đề nghị đầu thú để hưởng khoan hồng và thực hiện quyền tự bào chữa theo Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Những ngày đầu tiên của phiên tòa, 3 trong 8 người đã gửi thư từ nước ngoài nêu lý do vắng mặt (ốm bệnh, chăm con...), đề nghị tòa xóa bỏ tình tiết "bỏ trốn", cho hay sẽ chấp nhận các phán quyết.
Nhận định trong bản án trưa nay, HĐXX cho rằng chỉ có cơ sở chấp nhận yêu cầu của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết (cựu giám đốc Công ty Thành An Hà Nội). 7 người còn lại, như đánh giá của Bộ Công an, toà tiếp tục coi là "tự từ bỏ quyền bào chữa".
Việc thi hành án với 8 bị cáo sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, theo luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội) sẽ căn cứ theo Điều 23 Luật thi hành án Hình sự và Điều 364, Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Thứ nhất: 7 người bị kết án (bị án) được xác định đang bỏ trốn ở nước ngoài, bao gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu chủ tịch AIC) bị phạt 30 năm tù; Trần Mạnh Hà (phó tổng giám đốc AIC) 25 năm tù; Đỗ Văn Sơn (cựu kế toán trưởng AIC) 6 năm; Nguyễn Thị Sen (cựu giám đốc Công ty CP Thiết bị y tế và môi trường) 30 tháng và Nguyễn Thị Tích (Tổng giám đốc Công ty MOPHA) 4 năm; Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa) bị phạt 5 năm tù và Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên) 4 năm tù.
Với 7 người này, Chánh án TAND Hà Nội sẽ ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự Công an Hà Nội ra quyết định truy nã.
Sau đó, cơ quan thi hành án ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt. Khi nào bắt được, hoặc khi nào họ đầu thú thì nhà chức trách sẽ thi hành bản án đã tuyên. Thời điểm tính từ ngày bắt được hoặc ra đầu thú.
Riêng với bà Hạnh và ông Vinh (làm đơn xin xét xử vắng mặt song không được tòa chấp thuận), khi có quyết định thi hành án, họ không về nước chấp hành thì có thể bị dẫn độ theo Luật Tương trợ Tư pháp (nếu giữa Việt Nam và nước bị cáo đang lẩn trốn đã ký Hiệp định Tương trợ tư pháp).
Trong trường hợp đó, theo Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để thi hành án. Hiện, 25 Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam với các quốc gia đang có hiệu lực.
Nếu hai nước chưa ký, việc dẫn độ chưa thể tiến hành.
Thứ hai: Người có đơn xin xét xử vắng mặt và được Tòa chấp thuận là Nguyễn Đăng Thuyết, cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, bị phạt 30 tháng tù.
Trong 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, ông Thuyết phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện được chỉ định trong quyết định thi hành án.
Quá thời hạn này mà ông Thuyết không có mặt, cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp sẽ thực hiện áp giải thi hành án. Nếu không về nước chấp hành án, ông cũng sẽ bị xử lý như ông Vinh và bà Hạnh.
Đây là vụ án được VKS đánh giá là "minh chứng điển hình cho lợi ích nhóm", thể hiện sự móc ngoặc, thông đồng giữa doanh nghiệp và người có thẩm quyền, cụ thể là công ty AIC và hai lãnh đạo cao nhất của tỉnh Đồng Nai.
Suốt 12 năm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai đã được AIC bôi trơn hơn 43 tỷ đồng nhằm giúp AIC trúng 16 gói thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, theo phương thức thông thầu. Hành vi gian lận này bị các cơ quan tố tụng xác định làm Nhà nước thiệt hại hơn 152 tỷ đồng.
Sau gần 20 ngày xét xử, TAND Hà Nội phạt 36 bị phạt từ 30 tháng tù treo đến 30 năm tù ở 5 nhóm tội: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên phạt án tù dài nhất (30 năm). Cựu bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành và cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái bị phạt lần lượt 11 năm và 9 năm tù.
Hải Thư
Xem thêm: lmth.5785554-oan-eht-ut-id-es-cia-na-uv-iat-tam-gnav-ux-tex-ib-iougn-8/ten.sserpxenv