Mẹ tôi chắc cũng chỉ định hình căn nhà qua mớ đổ nát và cái nền gạch còn sót lại. Tất cả đã cháy hết! Hơn 200 căn nhà ở khu vực Bến Hàm Tử và Trần Bình Trọng trong đêm giao thừa của năm 1987.
Cả gia đình tôi đang ăn Tết ở quê, nên biết được sau hai ngày xảy ra cơn hỏa hoạn đó. Người chị Hai con cô Sáu về quê báo cho gia đình tôi hay.
Chị nói đại khái là có người đốt nhà họ, nên lan sang các nhà khác. Chẳng còn gì ngoài nền gạch vỡ vụn. Ba mẹ tôi lật đật đưa tôi về thành phố, còn mấy đứa em gửi lại bà ngoại trông chừng giúp.
Tạm cư lầu 7
Nước chữa cháy hay ống nước vỡ, chảy còn ướt dưới đống gạch vụn. Những ngôi nhà xung quanh chữa được thì cũng bị khói nám đen. Một quang cảnh hãi hùng! Đôi mắt của mấy người hàng xóm đều đỏ hoe như nhau.
Có thể, họ chẳng còn giọt nước mắt nào để mà khóc nữa cả. Nhà hảo tâm khắp nơi mang đến nồi niêu, xoong chảo, hũ chao, cá khô, mền gối... ai dùng được thì dùng trong cơn hoạn nạn. Trong cơ quan xưởng Ba Son của ba tôi có cho tôn, cây xà gồ cũ để dựng lại cái chòi che mưa che nắng.
Nhưng thời gian sau, chính quyền nơi tôi cư ngụ hướng dẫn bà con trong khu nhà cháy về chỗ ở mới. Nơi này sẽ quy hoạch lại xây chung cư. Mọi người đều thu xếp, dọn dẹp để trả mặt bằng cho chính quyền xây dựng.
Chỗ ở mới là chung cư 727 Trần Hưng Đạo hay còn gọi là chung cư Trần Hữu Trang, bởi vốn được bố trí làm nhà cho nghệ sĩ của đoàn Trần Hữu Trang tá túc. Giờ dân nhà cháy về đây ở tạm, để chờ ngày về ngôi nhà mới của mình.
Căn chung cư gia đình tôi tạm tá túc có lẽ đã lâu không ai sử dụng nên rác nhiều vô số và cửa nẻo cũng chẳng còn... Do bốc thăm các căn hộ còn bỏ trống, nên dân khu nhà cháy ở rải rác các tầng lầu và xen kẽ với căn hộ đã sống ở đây lâu.
Cả nhà tôi dọn dẹp và làm lại cửa nẻo để tránh gió lùa khi trái gió trở trời. Nói thì nói vậy, chứ căn hộ lầu 7 của tòa nhà 13 tầng và nằm ở dãy cuối cùng nên mưa chẳng đến và nắng cũng chẳng bao giờ vào tới. Tất cả chìm đắm trong một màu tôi tối.
Tôi hướng tầm mắt qua các ô giếng trời thì thấy nhà cửa nhỏ li ti và ngọn cây như ngọn cỏ đang vui đùa trong gió ở tít đằng xa. Anh em tôi lại tiếp tục đến trường và câu chuyện về cái nền gạch cũ sau đám cháy cũng dần dần quên đi.
Nhà mới lầu 5
Thời gian dần trôi, rồi cũng gần hết năm. Chỗ nhà cháy giờ mọc lên ba block và nó có cái tên mới là chung cư Chợ Quán. "Về nhà thôi!". Tôi reo lên khi mẹ tôi thông báo cho cả nhà biết là gia đình mình sẽ về nhà mới. Ngôi nhà mới trên nền gạch cũ. Lại cũng bốc thăm!
Nhà tôi "được" tới lầu 5. Chung cư không có thang máy nên phải đi bộ. Ngày tôi và mẹ đi nhận chìa khóa của ngôi nhà mới, lòng tôi thật hồi hộp vừa mừng vừa sợ. Mừng vì mãi mãi sẽ ở đây không còn đi đâu tạm trú nữa.
Sợ vì nó cao nên ngó xung quanh tất cả đều bé xíu. Những con tàu ngược xuôi trên kênh Tàu Hủ chở hoa quả hay lu khạp từ miệt vườn đổ về Bến Bình Đông để bán cho ngày Tết cận kề.
Từng đàn cò sải cánh bay lượn trên những bãi đất trống phía bên kia cầu Chữ Y. Mùi tường vôi mới, mùi sơn mới và cả mùi dầu dừa mà mấy hôm trước mẹ với tôi lau nền gạch để cho bóng lên.
Hàng xóm gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, vì không ai nghĩ rằng mình sẽ có ngày hôm nay. Một tương lai mới đang mở ra và may mắn sẽ đến. Từ nơi đây có thể đi chợ Bến Thành hay ngược về Chợ Lớn dễ dàng.
Xe buýt và xe lam ngược xuôi trên đường Trần Hưng Đạo và Bến Hàm Tử. Lần này sẽ không phải ngơ ngác hỏi: "Nhà mình ở đâu?" như năm nào.
Về nhà thôi! Tiếng reo trong trẻo của tôi vang lên, khi nắng xuân đang nhuộm vàng ngôi nhà mới. Mấy nhánh mai cắt cành từ quê mà bà ngoại gửi lên, thêm cầu dừa đủ xoài mà cậu tôi gói theo để cúng giao thừa.
Hai con gà, chú tôi gửi, đặng có mần thịt khi rước ông bà về sáng 30 và đưa ông bà đi hôm mùng 3. Tất cả cũng là sự hảo tâm mà gia đình dành cho tình thân của mình. Trong tiết trời se se lạnh cuối năm và cả tiếng máy tàu chạy xa xa trên con sông Tàu Hủ, lòng tôi bỗng cảm thấy ấm áp vô cùng.
Một năm mới với nhiều hứa hẹn, nhiều hạnh phúc và thành công trên con đường của cuộc đời. Anh em tôi rồi cũng đã học hành xong và cũng có công việc làm ổn định. Khi đơn vị tôi tổ chức đi khám chữa bệnh từ thiện ở vùng sâu, vùng xa, tôi luôn có mặt.
Công tác thiện nguyện với tôi cũng là cách trả ơn, khi xưa tôi "vay" của những nhà hảo tâm mang đến ân tình, sẻ chia vui buồn. Hũ chao, con cá khô, tấm tôn cũ và cả nhánh mai nở vàng rực vào ngày đầu năm, trong căn nhà mới nay đã quen đã cũ, hôm xưa.
Cảm ơn hơn 35 bạn đọc đã gửi bài Về nhà
Cuộc thi viết "Về nhà" là nơi để bạn đọc chia sẻ những cuộc trở về nhà - trở về gia đình yêu dấu của mình trong mùa xuân với những cuộc đoàn tụ đong đầy cảm xúc, để rồi từ đó ở lại hay ra đi rồi cũng hướng tới sống tốt hơn, chăm chút hơn cho gia đình và xã hội.
Cuộc thi dành cho mọi bạn đọc trong và ngoài nước. Bài viết không quá 1.200 chữ, ưu tiên kèm ảnh hoặc video giới hạn 5 phút..., gửi về địa chỉ email venha@tuoitre.com.vn. Giải thưởng Về nhà: 1 giải nhất: 20 triệu đồng; 1 giải nhì: 15 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.
Thời gian nhận bài dự thi: từ 3-1 đến hết ngày 1-3-2023.
Chỉ sau 2 ngày công bố, cuộc thi đã nhận được hơn 35 bài dự thi. Cảm ơn các bạn:
phanh dang, loan nguyen, Nguyễn Hà Tiên, Trang Nguyễn Thị Thùy, thai hoang, Thu Hien, Chung Thanh Huy, ngoc thach, Mỹ Châu Nguyễn Thị, Nguyễn Tấn Lộc, Thu Vũ, Tanthoi Le, tam tranvan, Hiển Bùi, Tuan Bui thanh, Dương Lê Đức, Bình Nguyễn Thanh, TCKT_ To Uyen-SPC, Phương Thảo Nguyễn, Lê Thảo, Ngọc Dung Huỳnh, Hiếu Nguyễn Văn, Hiếu Nguyễn, Nguyễn Thị Diệu Phước, Lê Quốc Kỳ...
BAN TỔ CHỨC
Trong không khí rộn ràng Tết đến xuân về, báo Tuổi Trẻ và đơn vị đồng hành HDBank tổ chức cuộc thi viết Về nhà dành cho bạn đọc muôn phương.
Xem thêm: mth.89933250150103202-ioht-ahn-ev/nv.ertiout