Doanh nhân Phạm Thị Thu Hằng muốn chứng minh rằng, mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam không thua kém bất kỳ sản phẩm nổi tiếng nào trên thị trường
Từng ám ảnh với khởi nghiệp thất bại
Tốt nghiệp ngành sư phạm sinh học, với niềm đam mê kinh doanh, từ năm 2011, Phạm Thị Thu Hằng đã khởi sự kinh doanh cùng 3 người bạn, mở công ty bán thiết bị định vị, nhưng không thành công. Từ đó, Hằng sợ thất bại, sợ vất vả, sợ thua lỗ, đến nỗi ai đề cập hai chữ “khởi nghiệp” là thấy hãi vô cùng. Chị trở về với nghề giáo viên, mặc áo dài, tay cầm phấn, viết bảng đen, rồi lấy chồng, sinh con. Cuộc sống ngỡ sẽ bình yên, êm ả như vậy…
Nhưng 5 năm sau, được truyền cảm hứng bởi tác giả Tony Buổi Sáng và với tâm lý “chỉ thử thôi”, Hằng lại bùng lên nỗi khao khát khởi nghiệp. Thời điểm ấy, chị tự nhận định: “Ở tuổi 30 đã trưởng thành, chín chắn và quyết liệt hơn, nhưng trên thương trường, tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ chập chững và dè dặt”.
Năm 2016, cô giáo Phạm Thị Thu Hằng khởi nghiệp với quả bơ tươi Đắk Lắk, khi thấy người dân ở quê đổ xô đi trồng bơ không có quy hoạch. Không muốn quả bơ quê nhà phải chịu cảnh giải cứu như các loại nông sản khác, chị thấy mình cần phải làm điều gì đó để nâng cao chất lượng quả bơ. Chị liên hệ với nhiều giáo sư, tiến sĩ, cơ quan chuyên môn để tìm giải pháp.
“Có những kết quả nghiên cứu trên mạng, tôi muốn liên hệ tìm hiểu thêm nhưng không dễ để tìm ra cách liên hệ và thuyết phục các đơn vị nghiên cứu, sản xuất. Tôi không quen biết hay có quan hệ gì cả, bản thân họ cũng có những công việc kinh doanh, nghiên cứu riêng. Thời điểm đó, quả bơ cũng chưa được xem là một loại quả có tiềm năng”, Hằng cho biết.
Chị cũng may mắn gặp được những đơn vị nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ làm mẫu thử. Nhưng những gì chị nhận về chỉ có bột bơ và dầu bơ ở mức tạm ổn, bột bơ còn đắng do gặp nhiệt, dầu bơ ăn chưa ngon, giá thành quá cao. Ý tưởng làm các sản phẩm bơ sấy giòn, bơ sấy dẻo… của nữ doanh nhân trẻ cũng cứ thế “chết yểu”.
Tuy nhiên, Hằng nhận thấy, những chất có trong bơ vẫn được giữ nguyên. Vì vậy, từ hai thành phẩm dầu bơ và bột bơ, chị bắt đầu dấn thân vào con đường sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm từ quả bơ.
Mỹ phẩm thuần Việt chịu không ít tiếng xấu từ các sản phẩm kem trộn, mỹ phẩm chất lượng kém, không rõ nguồn gốc… Với Pơ Lang, nữ doanh nhân Phạm Thị Thu Hằng mong muốn khẳng định chất lượng của mỹ phẩm Việt Nam, đặc biệt là mỹ phẩm có nguồn gốc từ tài nguyên bản địa, khẳng định thương hiệu “hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Trong suốt thời gian xảy ra dịch Covid-19, dù không bán được hàng, nhưng Pơ Lang vẫn thu mua bơ của nông dân trong tối đa khả năng của mình. Sau khi kết nối với một số doanh nghiệp tìm đầu ra cho quả bơ tươi, số còn lại được cấp đông, để khi thị trường phục hồi, sẽ chế biến, phục vụ nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng.
Đã có ý tưởng, Hằng lập tức sản xuất, tìm thuê người thiết kế và in logo, bao bì và bắt đầu bán sản phẩm cho bạn bè, người thân trước. Phản hồi của các khách hàng ban đầu rất tốt, nhưng chị cũng nhanh chóng nhận ra sự thiếu tiện dụng của sản phẩm khiến thời gian vòng quay khách hàng quá dài, lâu thu hồi vốn.
Ví dụ, với sản phẩm bột bơ thô, khách hàng mua về sẽ phải pha với sữa chua hoặc sữa tươi để đắp mặt, rất bất tiện. Khách hàng có thể rất thích sản phẩm, nhưng vì bất tiện nên ít sử dụng. Một hộp bột bơ họ có thể phải dùng một năm, hoặc hơn một năm mới hết, dù rất thích.
“Phải mất cả năm khách hàng mới quay lại mua sản phẩm, thì vòng quay rất dài và tôi không chờ đợi nổi, vì tiền vẫn phải chi ra mua nguyên liệu, in bao bì, rồi phải marketing, thu không đủ chi. Lúc mới làm ra sản phẩm, tôi rất sung sướng, nhưng con đường thực tế rất phũ phàng không như mình nghĩ”, Giám đốc Pơ Lang chia sẻ.
Nhận thấy điểm yếu của mình là chưa có nhiều kiến thức kinh doanh, Hằng gác lại việc buôn bán, cuối tuần từ Buôn Ma Thuột xuống TP.HCM học thêm kiến thức kinh doanh, sản xuất, phát triển thị trường… “Suốt cả năm 2018, cứ tối thứ Sáu là tôi bắt xe xuống TP.HCM học, tối Chủ nhật lại lên xe để sáng thứ Hai có mặt ở Buôn Ma Thuột, kịp thay đồ để đến trường dạy luôn”, Hằng nói.
Đó là một khoảng thời gian vô cùng khó khăn cho cô gái Ban Mê. Có một lần đi gần đến chỗ học thì chị không biết đi tiếp thế nào bởi TP.HCM là một nơi rất lạ lẫm với chị. “Chỉ còn cách chỗ học 500 m thôi, nhưng tôi phải gọi xe ôm hết 12.000 đồng. Tôi cực kỳ tiếc số tiền này, vì lúc ấy, mọi khoản tiết kiệm tôi đều dành cho việc học, dù 1.000 đồng cũng rất trân quý”, Hằng chia sẻ.
Đến năm 2019, Hằng quyết định dừng làm giáo viên để tập trung vào sản xuất, kinh doanh. Quyết định này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình. “Gia đình tôi rất sốc, đặc biệt là bố mẹ tôi. Họ không nghĩ là cho con ăn học bao nhiêu năm, có công việc ổn định, một nghề cao quý như thế mà lại bỏ ngang. Bố mẹ nào cũng mong con có một cuộc sống an nhàn, không phải bôn ba vất vả. Vợ chồng tôi cũng lục đục, cãi nhau nhiều vì chuyện này. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để thuyết phục gia đình”, chị nghẹn ngào.
Nhớ lại quãng thời gian một mình khởi nghiệp khi đó, Hằng cho biết, nỗi sợ lớn nhất là phải tự bước đi, phải vượt qua những thời điểm mà chị cảm tưởng như mọi thứ đều không ủng hộ mình.
Nếu không đi, sao biết mình tới đâu
Ngày 16/10/2020, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang ra đời. Với Pơ Lang, Hằng muốn chứng minh rằng, mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam không thua kém bất kỳ sản phẩm nổi tiếng nào trên thị trường. Hơn hết, Pơ Lang chuyên các sản phẩm được sản xuất từ tài nguyên bản địa. Chẳng hạn, từ dầu bơ, Pơ Lang đã cho ra mắt nhiều sản phẩm làm đẹp như mặt nạ ngủ, son bơ, sữa rửa mặt bơ, muối tắm bơ.
Nữ giám đốc Phạm Thị Thu Hằng cùng Pơ Lang đã tham gia nhiều chương trình, cuộc thi khởi nghiệp, được địa phương hỗ trợ đi nhiều nơi quảng bá sản phẩm và nhận thêm góp ý từ các doanh nhân đi trước. Qua mỗi cuộc thi, họ ngày càng hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh. Châm ngôn của nữ doanh nhân là: “Thi đến khi đạt giải mới thôi”.
Theo Hằng, việc tham gia các cuộc thi là những cơ hội quý giá để biết mình còn thiếu sót ở đâu, bởi thành viên ban giám khảo đều là những người giàu kinh nghiệm, có thể chỉ ra những điều mình làm chưa đúng, mách cho mình phải làm thế nào để khắc phục điểm yếu.
Ở Cuộc thi Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019, Pơ Lang không đạt giải do sản phẩm còn sơ sài; đến năm 2020, sản phẩm đa dạng hơn, nhưng còn thiếu sót về các giấy tờ pháp lý. Hay ở Cuộc thi Khởi nghiệp khởi sự của tỉnh Đắk Lắk, năm 2020, Pơ Lang tuy có hỗ trợ đầu ra cho quả bơ, nhưng chưa ký hợp đồng bao tiêu với nông dân, chưa có vùng nguyên liệu dù nhỏ, nên chưa đạt giải; đến năm 2022 đã khắc phục được điểm yếu này và đạt giải Ba.
Cho đến nay, hành trình khởi nghiệp của Hằng kéo dài hơn 6 năm, nhưng Pơ Lang mới có 2 năm tuổi, là một công ty còn rất non trẻ. Tuy vậy, hiện Pơ Lang đã có nhà xưởng sản xuất rộng rãi, ký hợp đồng cam kết tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho các hộ dân, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với mức lương trung bình 6 - 8 triệu đồng/tháng.
Trong năm 2022, Pơ Lang đã sản xuất và đưa ra thị trường hơn 30.000 sản phẩm, tiêu thụ khoảng 20 tấn bơ cho bà con địa phương. Pơ Lang liên kết với một số siêu thị như chuỗi siêu thị Danavi Mart ở Đà Nẵng, siêu thị Núi Xanh ở Buôn Ma Thuột để giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Pơ Lang cũng tiếp tục nghiên cứu để nâng cao quy trình sản xuất, phát triển thêm một số sản phẩm mới như muối tắm, xà phòng thiên nhiên…
Thành quả tuy vẫn còn nhỏ, nhưng để đi từ tay trắng tới đây là cả một hành trình được đánh đổi bằng mồ hôi, máu và nước mắt của cô giáo làng Phạm Thị Thu Hằng. Có những lúc ngồi một mình, chị bật khóc và tự hỏi: mình đang có một công việc ổn định và cuộc sống rất an nhàn thì tại sao phải khổ như thế?
“Có nhiều lúc tôi cũng nghĩ tới việc bỏ cuộc, vì tiền không có thì làm được gì. Nhưng khi bước vào rẫy và thấy những hàng mồ hôi chảy ròng ròng trên khuôn mặt rạng rỡ nụ cười của người nông dân, tôi lại thấy mình phải bảo vệ những nụ cười ấy và tự nhủ: mình còn trẻ, còn chịu khó được, không có tiền thì nhịn ăn, nhịn mặc một chút để quyết tâm học và bước tiếp”, nữ giám đốc tâm sự.
Mới đây, Pơ Lang đã tiếp một số đoàn khách du lịch từ Hàn Quốc tới tham quan và mua hàng tại vùng nguyên liệu của quê nhà. Hằng đã nhận ra tiềm năng lớn từ khách hàng những nước không trồng bơ này, khi họ tỏ ra rất yêu thích các sản phẩm của Pơ Lang, mua rất nhiều sản phẩm về làm quà cho bạn bè, người thân.
Sắp tới, Pơ Lang tiếp tục định vị thương hiệu với bơ tươi Đắk Lắk; nghiên cứu, phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu dầu và các sản phẩm từ quả bơ tới nhiều quốc gia tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...; phát triển sản phẩm mỹ phẩm từ thiên nhiên có nguồn gốc từ Việt Nam, đảm bảo tiêu thụ nông sản cho bà con quê hương.
“Một hành trình mới đã thực sự bắt đầu. Tôi muốn làm được như những bạn trẻ đã dám bước ra khỏi vùng an toàn và đi trên con đường đầy chông gai, thử thách. Nếu không bước đi, chúng ta sẽ không bao giờ biết mình sẽ tới được đâu. Trên thế giới này kỳ thực làm gì có đường”, Hằng nói.