Số liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vừa công bố cho thấy cả nước hiện có rất ít dự án nhà ở công nhân với quy mô khoảng hơn 3.000 căn.
Điển hình là Quảng Ninh dự án khoảng 1.000 căn, đáp ứng 5.500 chỗ ở; Bắc Ninh dự án khoảng 2.000 căn, đáp ứng 11.000 chỗ ở; TP Hồ Chí Minh dự án khoảng 360 căn, đáp ứng 1.000 chỗ.
Bất động sản “chao đảo” kéo hàng loạt ngành thiệt hại
Nguồn cung hạn chế và không phù hợp. Trong bối cảnh nhu cầu duy trì ở mức cao, vì vậy, tạo ra một thị trường lệch pha, bất hợp lý và không thực chất.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng: Thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2022 bị ngưng trệ, trầm lắng, yếu giao dịch nhưng không phải do thực chất thị trường xấu mà do có quá nhiều điểm đã tạo ra sự cưỡng bức, buộc thị trường phải rơi vào trạng thái khó khăn.
Nhìn chung, thị trường bất động sản đang trong trạng thái bình thường, nhưng bị bắt phải giảm ăn, giảm o-xy để thở và giảm bơm máu nên rất dễ bị rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”.
Khi ngành bất động sản rơi vào trạng thái kể trên thì có khoảng 35-38 ngành hàng xem bất động sản là đầu ra chính như vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, vận tải… đều đang bị ảnh hưởng theo. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhóm hàng này cũng đều phải dừng sản xuất – kinh doanh.
Thị trường bất động sản sụt giảm là một phần nguyên nhân khiến hàng triệu lao động thất nghiệp, trong đó bao gồm cả thị trường lao động ngành bất động sản và các ngành liên quan khác.
Nhiều người vay mua nhà đang đối mặt với lãi suất cho vay tăng. |
Nguồn vốn nào cho dự án NOXH?
Trả lời về giải pháp tăng trưởng tín dụng cho nhà ở xã hội năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Mua nhà ở là nhu cầu chính đáng của người dân, NHNN xác định đây là đối tượng khuyến khích cho vay.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, hiện có hai nguồn đầu tư cho phát triển nhà ở xã hội. Thứ nhất là từ ngân sách nhà nước thông qua ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, ngân sách nhà nước cũng đã cấp cho ngân hàng Chính sách xã hội 3.163 tỉ đồng.
“Một nguồn từ ngân sách nữa được xác định trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, giao cho ngân hàng Chính sách xã hội huy động bằng trái phiếu Chính phủ có bảo lãnh của Chính phủ là 15.000 tỉ đồng.
Với các nguồn từ ngân sách này, hiện nay ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay 9.994 tỉ đồng cho 27.894 khách hàng vay để mua nhà ở xã hội. Trong đó có 3.717 tỉ đồng thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11 với số lượng khách hàng là 9.527 khách hàng.
Thứ hai là sử dụng nguồn của các ngân hàng thương mại (NHTM) để cho vay nhưng có cơ chế hỗ trợ của nhà nước. Hiện các bộ, ngành chức năng đang xem xét việc cấp bù phần ưu đãi cho các NHTM khi cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, một là hiện chưa bố trí được nguồn vốn; hai là cũng chưa hoàn thiện cơ chế, nhưng các NHTM đang rất sẵn sàng.
Ngoài ra còn có nguồn của NHTM cho vay những lĩnh vực thuộc nhà ở xã hội hoặc nhà ở phục vụ cho người dân mang tính chất thương mại nhưng giá rẻ và trực tiếp phục vụ cho nhu cầu thực về nhà ở của người dân.
Phó Thống đốc cho biết, đây cũng là một trong những chủ trương của ngành Ngân hàng nhiều năm qua và đặc biệt năm 2023 này, NHNN vẫn xác định đây là phân khúc khuyến khích phát triển nên đã chỉ đạo các NHTM tập trung cho vay.