Những người làm báo sẽ cảm nhận rõ điều đó hơn hết khi đọc hai tập sách vừa được xuất bản: Thư gửi từ Hà Nội và Nhà báo Nhật Bản Takano Isao - Nhân chứng quả cảm.
Thư gửi từ Hà Nội: Nước mắt cho một thời trong vắt
Thư gửi từ Hà Nội là những lá thư, trang nhật ký, những bài báo của cô phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam Tô Minh Nguyệt tuổi 20 trong những ngày Hà Nội đang phải hứng những trận bom mang tính hủy diệt.
Bom đã rơi xuống khu dân cư, đường phố, bệnh viện, nhà thờ. Nhà sập. Máu đổ. Thế nhưng ở tòa soạn, các cô phóng viên vẫn học tiếng Anh giữa những đợt báo động, vẫn ra Tràng Tiền ăn kem, vẫn ra bờ hồ hóng gió, vẫn uốn tóc cùng với đào hầm, lợp nhà.
Sau những chuyến công tác tận tuyến lửa Hàm Rồng, Quảng Bình, những đợt chạy bom ngay cửa nhà mình; những bài báo, những câu chuyện ghi được ở nông trường chuối, cao su hay trận địa pháo vẫn đầy ắp tiếng cười và tràn ngập tình yêu.
Làng Láng Hà Nội ngày ấy vẫn nhà tranh nhà ngói, đường đất vườn rau như bao năm nào nhưng những câu chuyện mất còn thì cứ hôi hổi theo từng trận bom trút xuống.
Dẫu được thể hiện thành thư, bài báo, bút ký hay truyện ngắn... thì tất cả vẫn là những cánh thư từ Hà Nội mà Tô Minh Nguyệt đã dồn yêu thương vào viết để em trai Tô Hùng của mình trong chiến hào tận mặt trận Thừa Thiên Huế có thể đón nghe trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Thời đại mang nhiều nỗi đau nhưng con người sao mà trong vắt với hạnh phúc và cả khổ đau. Hạnh phúc gắn với đất nước, đau khổ cũng gắn với đất nước, không gợn thoáng riêng tư.
50 năm rồi, làng Láng nay dọc ngang đại lộ, nhấp nhô cao ốc, không còn dấu tích nào của vườn rau vườn hoa lẫn hố bom, nhưng những câu chuyện vẫn có thể làm người đọc rơi nước mắt.
Không phải nước mắt vì đạn bom, vì chiến tranh hay hòa bình vốn đã cày đi xát lại quá nhiều lần trên đất nước, mà chính là nước mắt vì một thời trong veo của những thanh xuân đã qua đi.
Nhà báo Nhật Bản Takano Isao - Nhân chứng quả cảm: Dấn thân vì đam mê trong sáng
Và càng trong veo hơn là những trang tư liệu về nhà báo Nhật Bản Takano Isao mà những nhà nghiên cứu ngày nay đã dày công tìm kiếm, biên soạn lại.
Việt Nam chẳng phải là đất nước của anh, Isao đã học ngôn ngữ Việt và rồi bỗng yêu Việt Nam thật nhiều.
Anh học đọc học viết tiếng Việt, học lịch sử học văn hóa Việt, biên dịch những truyện ngắn, những bài thơ, viết những bài báo để đưa Việt Nam đến với độc giả Nhật Bản và hơn nữa, anh xông thẳng lên chiến trường, sẵn sàng làm một nhân chứng lịch sử.
Điều kiện tác nghiệp eo hẹp, nguy hiểm, điều kiện sống thiếu thốn, sức khỏe suy giảm, nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con cồn cào đến nhiều lúc "không chịu nổi" nhưng Takano vẫn đi tới.
Anh giải thích với vợ sự thôi thúc nghề nghiệp: "Những chuyện này phải đi sâu vào thực tế mới biết được. Làm rõ hiện thực cách mạng trước dư luận Nhật Bản là rất quan trọng, với tư cách đặc phái viên Hà Nội, anh cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc này".
Không chỉ trái tim vợ con Takano mà hàng triệu trái tim độc giả đã nảy lên khi đọc những dòng của anh: "Đây là chiến trường nên có thể xảy ra điều bất hạnh, khi ấy chúng tôi sẽ coi các quý vị là liệt sĩ. Ông Tuyến cười lớn khi nói và đồng ý dẫn chúng tôi đến tận tiền tuyến...". "Ít nhiều nguy hiểm là có thật, nhưng đạn pháo cũng không dễ trúng...".
Ấy là những dòng cuối mà Takano đã gửi về Nhật Bản trước khi trở thành một liệt sĩ Việt Nam. Anh đã sống, đã làm việc với đam mê sáng trong như thế.
Bao nhiêu năm đi qua, xã hội đã bao nhiêu thay đổi, những người làm báo, đọc báo cũng đã thay đổi đến mức những thang đo lường của trí tuệ nhân tạo cũng phải bối rối. Thế nhưng những bài báo giá trị ra đời từ sự dấn thân trong sáng, đam mê nghề trong veo hẳn vẫn cứ là ước mơ và đích đến của những người làm báo và cả độc giả.
TTO - Nhà báo Lê Khắc Hoan vừa trở về từ bệnh viện và đến dự buổi ra mắt tập sách Làm báo mực mài nước mắt của ông do First News và NXB Tổng hợp TPHCM liên kết ấn hành.