Một bài bình luận trên tờ South China Morning Post ngày 5-1 nhận định cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc là một trong những yếu tố cản trở mục tiêu phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un cùng các quan chức Triều Tiên tham dự một buổi lễ bàn giao hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) hôm 31-12-2022. Ảnh: KCNA |
Cuộc cạnh tranh tên lửa mới
Vào tuần trước, Hàn Quốc thông báo đã phóng thử tên lửa nhiên liệu rắn sau chín tháng kể từ vụ thử đầu tiên, mở đường cho việc phát triển tên lửa đạn đạo.
Đáp trả vụ thử trên của Hàn Quốc, Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào ngày 31-12-2022 và 1 quả vào ngay ngày đầu năm 2023. Trước đó Bình Nhưỡng đã thử nghiệm một động cơ nhiên liệu rắn có lực đẩy cao cho hệ thống vũ khí chiến lược mới.
GS Kang Jun-young chuyên nghiên cứu về Trung Quốc của ĐH Ngoại ngữ Hàn Quốc nhấn mạnh rằng các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và nhiên liệu rắn mới của Hàn Quốc có thể là chỉ dấu cho "một cuộc cạnh tranh tên lửa” trên bán đảo Triều Tiên.
“Seoul không chỉ ngồi đó và không làm điều gì trong khi công nghệ tên lửa của Triều Tiên đang cải tiến. Đó là lý do vì sao Hàn Quốc cũng phát triển vũ khí của riêng họ. Đây là một khía cạnh của cuộc chạy đua vũ trang, khởi đầu bởi sự phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên” - ông Kang nói.
Ngoài ra, GS Kang cũng nói rằng việc Seoul sở hữu công nghệ tên lửa tầm trung hoặc tầm xa đặt ra "mối đe dọa” cho Bắc Kinh. Ông nói thêm rằng chính quyền Mỹ quyết định sửa đổi hướng dẫn phát triển tên lửa của liên minh Mỹ-Hàn trong giai đoạn 2020-2021 không chỉ cho phép Hàn Quốc sử dụng động cơ nhiên liệu rắn mà còn có thể tăng cường khả năng răn đe của Mỹ đối với Trung Quốc.
Những thay đổi trên cho phép Seoul phát triển tên lửa đạn đạo sử dụng công nghệ mới và loại bỏ các hạn chế giới hạn tên lửa ở tầm bắn 800 km, nghĩa là phần lớn tên lửa Hàn Quốc phát triển lúc trước không có khả năng tấn công các mục tiêu bên ngoài bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định vụ phóng tên lửa nhiên liệu rắn là một phần nằm trong kế hoạch xây dựng khả năng giám sát trên không, tuy nhiên động cơ nhiên liệu rắn cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của tên lửa đạn đạo vì giúp giảm thời gian chuẩn bị và thời gian phóng so với động cơ nhiên liệu lỏng.
Cạnh tranh Mỹ-Trung cản trở nỗ lực phi hạt nhân hoá
Giới chuyên gia cho rằng cạnh tranh Mỹ-Trung là một trong những yếu tố cản trở nỗ lực phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Lee Jin-man/AP |
Phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên đã là mục tiêu chung của Trung Quốc và Mỹ kể từ đầu những năm 1990 khi Triều Tiên và Hàn Quốc ký thỏa thuận nhằm loại bỏ “các nguy cơ chiến tranh hạt nhân”. Tuy nhiên kể từ đó, quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul trở nên căng thẳng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là lúc Triều Tiên bắt đầu tiến hành một số vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006.
Căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington trong những năm gần đây cũng là một nhân tố khiến cho nỗ lực phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên "dậm chân tại chỗ”. Theo GS Park, thật khó có thể hình dung bất kỳ tiến triển nào trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai cường quốc không ngừng gia tăng kể từ năm 2018.
Điển hình là việc Mỹ ngày càng thắt chặt quan hệ quốc phòng với đồng minh Hàn Quốc như triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và máy bay ném bom chiến lược B-52 trong cuộc tập trận chung với Hàn Quốc vào tháng trước.
Ngoài ra, GS Park Won-gon chuyên nghiên cứu về Triều Tiên thuộc ĐH Ewha Womans (Hàn Quốc) nhận định căng thẳng leo thang với Bắc Kinh một phần nào đó đã thúc đẩy sự ủng hộ của Washington đối với sự phát triển công nghệ tên lửa của Hàn Quốc.
Theo GS Park, theo quan điểm của Mỹ, việc Hàn Quốc sở hữu năng lực tên lửa có thể giúp nâng cao khả năng răn đe đối với Triều Tiên. Ngoài ra, sự mở rộng liên minh giữa Washington và Seoul cũng có thể góp phần trong việc kiềm chế Trung Quốc.
Trong khi đó, GS Kang cho rằng nguồn cơn căng thẳng trên bán đảo Tiều Tiên bắt nguồn từ Bình Nhưỡng và nếu Bắc Kinh không hành động để kiềm chế Triều Tiên thì phi hạt nhân hoá vẫn là mục tiêu xa vời.