Ngày 5-1, Sở GTVT Bình Thuận đã trả lời câu hỏi của Báo Pháp luật TP.HCM liên quan đến việc các nhà thầu thi công cao tốc vận chuyển vật liệu quá khổ, quá tải, phá nát nhiều tuyến đường dân sinh tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023 của UBND tỉnh Bình Thuận.
Nhiều tuyến đường dân sinh hư hỏng rất nặng. Ảnh PN. |
45 tuyến đường dân sinh hư hỏng
Theo Sở GTVT Bình Thuận, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh Bình Thuận dài 160,3 km, gồm 3 dự án thành phần, gồm: Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 12 km, Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km, Phan Thiết - Dầu Giây dài 47,5 km.
Trước khi khởi công dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, các Ban Quản lý dự án (BQLDA) 7, BQLDA 85 và BQLDA Thăng Long đã thỏa thuận với Sở GTVT và UBND các huyện về một số tuyến đường địa phương sẽ được sử dụng để vận chuyển vật liệu phục vụ thi công cao tốc.
Người dân địa phương vô cùng khổ sở khi lưu thông qua nhiều tuyến đường bị hư hỏng |
Trong đó nêu rõ các đơn vị phải đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về tải trọng cầu đường, đảm bảo an toàn giao thông, không để ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân; kịp thời sửa chữa các hư hỏng phát sinh trong quá trình sử dụng.
Tuy nhiên, quá trình thi công dự án do nhu cầu về khối lượng vận chuyển vật liệu lớn, lưu lượng phương tiện vận tải và tải trọng tăng đột biến đã khiến nhiều tuyến đường dân sinh hư hỏng nặng.
Qua rà soát tổng hợp, toàn tỉnh có khoảng 45 tuyến đường bị hư hỏng. Trong đó, nhiều tuyến đường bị hư hỏng nặng như đường Nà Cam - cầu Bà Liễu, xã Hàm Thạnh; đường QL1-Phan Sơn; đường liên xã Hải Ninh - Bình An, huyện Bắc Bình; đường QL-Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, ĐT.711 huyện Hàm Thuận Bắc …
Việc sửa chữa còn cầm chừng
Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt để giải quyết vấn đề này. Tại các cuộc họp giao ban, UBND tỉnh cũng yêu cầu các Ban QLDA chỉ đạo Nhà thầu thi công tổ chức sửa chữa các hư hỏng trên.
Xe ben vận chuyển quá khổ quá tải chạy rầm rập trên đường. |
Tuy nhiên, các Nhà thầu thi công dự án vẫn chậm sửa chữa khắc phục, chỉ có một số tuyến đường trên địa bàn xã Vĩnh Hảo (đường từ QL1A đến hồ Đá Bạc; đường ven hồ đá Bạc vào dự án) được nhà thầu thi công dự án đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây sửa chữa tạm.
Tuyến cao tốc thi công qua địa bàn Hàm Tân, Bình Thuận. |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT đã đăng ký làm việc với UBND các huyện, các BQLDA về việc sửa chữa các tuyến đường, đồng thời đề nghị các BQLDA có báo cáo kế hoạch, tiến độ thi công sửa chữa hư hỏng trước ngày 15-1-2023.
Nguyên nhân một phần do dự án đang trong giai đoạn triển khai thi công gấp rút, các nhà thầu đang tập trung mọi nguồn lực cho dự án chính để đảm bảo tiến độ thông xe kỹ thuật và hoàn thành đưa vào sử dụng như theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Các đơn vị đang thi công chạy đua tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.
Ngày 1-12-2022, Bộ GTVT đã có thông báo yêu cầu các BQLDA chỉ đạo nhà thầu rà soát, khẩn trương thi công sửa chữa các hư hỏng để hoàn trả theo điều kiện hợp đồng, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Ngày 6-12-2022, Cục Quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ GTVT có Công văn yêu cầu các Ban QLDA có ngay biện pháp khắc phục tạm thời và kế hoạch sửa chữa triệt để, đảm bảo hoàn thành trước 15-1-2023.
Căn cứ kế hoạch sửa chữa của các BQLDA, Sở GTVT sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra tiến độ thi công sửa chữa để kịp thời báo cáo, tham mưu tỉnh đề nghị Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo các đơn vị triển khai sửa chữa, trước mắt phải đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán 2023 và hoàn trả lại hiện trạng ban đầu các tuyến đường trước ngày 30-4-2023.
“Sở GTVT là thành viên Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ có ý kiến về việc này khi nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng nếu như việc triển khai sửa chữa và hoàn trả các tuyến đường chưa hoàn thành” - ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận khẳng định.