Khách nước ngoài quan tâm tới Hiệp định Paris được giới thiệu tại triển lãm - Ảnh: T.ĐIỂU
Người xem cũng được đọc lại lá thư đanh thép Bác gửi Tổng thống Mỹ Nixon chỉ 8 ngày trước khi Người mất. Và cả cuốn sổ khổng lồ lưu 10.000 chữ ký người dân Cuba ký ủng hộ hòa bình cho Việt Nam, những hình ảnh xúc động về cuộc đấu trí quyết liệt của phái đoàn ta tại Hội nghị Paris.
Ngoài ra là những hình ảnh xúc động như hình ảnh hàng ngàn người dân yêu chuộng hòa bình thế giới xuống đường mít tinh ủng hộ hòa bình cho Việt Nam, những kỷ vật của các nhà ngoại giao Việt Nam khi tham gia đoàn đàm phán Hội nghị Paris…
Triển lãm đang diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) do trung tâm này tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 - 27-1-2023).
Thư Bác Hồ gửi tới Bộ Chính trị ngày 9-4-1968 về việc chuẩn bị cho cuộc gặp Việt - Mỹ trước Hội nghị Paris (nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh) - Ảnh: T.ĐIỂU
Hội nghị Paris từ góc nhìn đa chiều
Triển lãm giới thiệu hơn 200 tài liệu, hình ảnh và hiện vật đang được bảo quản tại các trung tâm Lưu trữ quốc gia II và III, Lưu trữ Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ, Lưu trữ Nga, Ban liên lạc cựu chiến binh Ban liên hợp quân sự - Trại David và một số nhân chứng của hội nghị…
Những tài liệu, hình ảnh, hiện vật tại triển lãm đã tái hiện sinh động quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris là cuộc đấu trí, đấu bản lĩnh quyết liệt giữa nền ngoại giao non trẻ của Việt Nam với nền ngoại giao lão luyện của Mỹ - một siêu cường hàng đầu thế giới.
Cuốn sổ khổng lồ lưu 10.000 chữ ký người dân Cuba ủng hộ hòa bình cho Việt Nam khiến khách nước ngoài và Việt Nam cùng quan tâm - Ảnh: T.ĐIỂU
Triển lãm giúp người xem được tìm hiểu về sự kiện lịch sử đặc biệt này từ "điểm nhìn" bốn phía: phái đoàn Mỹ, phái đoàn Việt Nam Cộng hòa, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Những tư liệu từ phía phái đoàn Việt Nam Cộng hòa và phái đoàn Mỹ được giới thiệu mang tới cơ hội cho người yêu lịch sử được tìm hiểu về Hội nghị Paris một cách khách quan, nhiều chiều và toàn diện.
Ông Henry A. Kissinger và ông Lê Đức Thọ bắt tay sau khi ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973 - Nguồn ảnh: Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ
Hội nghị Paris và những dấu ấn Bác Hồ
Nhưng xúc động hơn cả là người xem được thấy nét chữ thân thương của Bác Hồ, những lời gan ruột căn dặn của Bác gửi tới Bộ Chính trị trong thư ngày 9-4-1968 về việc chuẩn bị cho cuộc gặp Việt - Mỹ trước Hội nghị Paris.
Đọc thư Bác để thấy Người luôn cặn kẽ tính toán chu toàn mọi bề vì lợi ích của dân của nước:
"Vài ý nghĩ về việc gặp gỡ Việt - Mỹ: ở miền Nam ta phải tuyên truyền giải thích thế nào, để tránh khỏi địch dò đoán được chiến lược, chiến thuật ngoại giao của ta, đồng thời tránh được đồng bào, chiến sĩ và cán bộ hiểu lầm, tưởng rằng miền Bắc lại bỏ rơi miền Nam. Xin xem kỹ lời của Reuter sau đây.
Chào thân ái và quyết thắng".
Lá thư xúc động Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi trả lời Tổng thống Richard Nixon ngày 25-8-1969, chỉ vài ngày trước khi Bác mất - Ảnh: T.ĐIỂU
Trong triển lãm, hình ảnh lá thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi trả lời Tổng thống Richard Nixon ngày 25-8-1969 về việc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam cũng là một tư liệu gây xúc động mạnh cho người xem.
Xúc động bởi chỉ 8 ngày trước khi mất, Bác đã viết một bức thư với lời lẽ đanh thép, thể hiện rõ ý chí giành độc lập đến cùng của nhân dân Việt Nam trước Mỹ. Bác đã dành những hơi thở cuối cùng cho dân cho nước, cho nền độc lập của dân tộc.
Và xúc động bởi lá thư gần đây mới được giới thiệu tới người dân do trước đó được lưu giữ bởi Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ.
Thư có đoạn: "Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hi sinh gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình…
Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài…".
Hội nghị Paris đi đến thắng lợi to lớn cho nhân dân Việt Nam chắc chắn có dấu ấn rất lớn của Người.
TTO - Cách đây tròn 45 năm, hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết tại Paris ngày 27-1-1973 giữa bốn bên: Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mỹ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa.
Xem thêm: mth.23604629160103202-gnod-cux-tav-yk-av-oh-cab-uhc-ten-ohn-sirap-ihgn-ioh-man-05/nv.ertiout