"Quan niệm thế nào thì cuộc sống sẽ thành thế ấy, những ngày Tết cũng vậy. Tùy vào từng người, từng gia đình mà những ngày Tết có thể trở thành những ngày nghỉ ngơi với tâm trạng vui vẻ đón một mùa xuân mới nhưng cũng có thể là chuỗi ngày vất vả, mệt nhoài vì mua sắm, nấu nướng..." - chị Nguyễn Hoa Đan, 44 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), đã chia sẻ như vậy.
Chị Đan chiêm nghiệm được điều này từ hàng chục mùa xuân mà chị đã trải qua. Ngày nhỏ, chị sống ở một vùng quê Bắc Bộ. Những ngày Tết của chị và nhiều chị em phụ nữ khác là những ngày phụ việc nhà, nấu cỗ để cúng, tiếp họ hàng đến nhà ăn uống và chúc Tết.
Mùng 1 đã có chợ, sao phải trữ đồ ăn ngày Tết?
Tết đối với chị Đan thời gian cũ là những ngày sáng sớm xuống bếp phụ mẹ và tối muộn vẫn ở ngoài sân rửa chén, trời lạnh buốt tay. Sau này lớn, chị lấy chồng rồi về làm dâu nhà chồng cũng gần như vậy, chỉ khác là chuyển từ phụ việc mẹ ruột sang phụ việc ngày Tết cho mẹ chồng.
Nhưng từ khi chồng chị chuyển công tác vào TP.HCM, chị bắt đầu làm quen với cách đón Tết của người Sài Gòn. Năm nào về quê đón Tết với ông bà cha mẹ thì không tính, chứ ở TP đón Tết thì gia đình chị chuyển sang đón những ngày Tết khoa học, nhẹ nhàng, tối giản.
Chị Đan kể: tại TP, chợ và siêu thị mở bán đến 30 Tết. Sáng mùng 1, một số người đã ra chợ bán. Những năm gần đây, chị gần như không trữ đồ trong tủ lạnh cho ngày Tết, năm nay chị cũng tính vậy.
30 Tết chị kho nồi thịt và luộc con gà cúng giao thừa, mua một ít rau chuẩn bị cho mùng 1 Tết. Mùng 2 Tết, chị đi chợ trở lại theo phương châm "ăn ngày nào mua ngày đó".
Điều quan trọng trong những ngày Tết, theo chị, là vẫn phải duy trì thói quen tập thể dục và ăn uống điều độ. Chị Đan quan niệm Tết là những ngày được nghỉ ở nhà, gia đình chị sẽ sống theo kiểu an nhiên, nghỉ ngơi.
Mùng 2, gia đình chị đi tập thể dục xong, chị tranh thủ ghé chợ gần nhà. Sau đó, cả nhà cùng nhau ra ngoài ăn sáng, uống cà phê, ngắm phố hoa... Những ngày còn lại đi chúc Tết một hai người bạn thân, sau đó ở nhà xem phim hoặc đọc sách...
Ngày Tết đi Sa Pa ngắm hoa đào
"Tết ngày càng đơn giản, gọn nhẹ làm người phụ nữ cũng bớt đi gánh nặng công việc nhà" - chị Nguyễn Thúy Hạnh, 46 tuổi, ngụ ở quận 7 (TP.HCM), chia sẻ. Năm nay gia đình chị chọn đón mùa xuân ở Sa Pa. 30 Tết, chị chỉ mua thức ăn trước cho ngày mùng 1. Chị cũng mua đủ ăn, vì hôm sau nữa (mùng 2) cả nhà chị đã đi du lịch.
Nhà chị có một cây mai tự trồng, hoa nở là thấy có sắc xuân nên chị không mua thêm hoa, cây. "Để dành đến Sa Pa ngắm hoa đào!", chị Hạnh cười vui chia sẻ.
Sau dịch COVID-19, sau những ngày mua thực phẩm khó khăn, chị biết "quý trọng" đồ ăn hơn, biết mua vừa đủ ăn và ngày càng thích sống tối giản, cái gì cần thiết mới mua, nhà rộng rãi, tâm an nhiên.
Sống tối giản giúp chị Hạnh bớt được một khoản chi phí để gia đình thêm vào những chuyến du lịch. Gia đình chị rất thích đi du lịch trong những ngày nghỉ, các con biết những vùng đất mới, thêm yêu cảnh đẹp và văn hóa của quê hương, đất nước.
Sống tối giản, tiết kiệm trong ngày Tết!
Chị Trần Thu Dung, 38 tuổi, ngụ ở quận 5 (TP.HCM), cho biết Tết này cả nhà chị đón mùa xuân tại TP.HCM.
Năm nay thu nhập, lương thưởng của hai vợ chồng đều giảm nên chị chủ trương đón một mùa xuân tiết kiệm, tối giản. Đồ ăn trong nhà chị mua vừa đủ, tự tay làm một số món như mứt dừa, củ kiệu trước Tết. Hai vợ chồng chị cũng tự gói bốn chiếc bánh chưng, vừa có không khí đón xuân lại vừa rẻ và đảm bảo chất lượng. Khi cả nhà được nghỉ Tết, cả nhà sẽ phân công cùng nhau dọn dẹp nhà cửa để đón mùa xuân.
Vào mùng 1, nhà chị sẽ đi chúc Tết ba mẹ và anh chị em hai bên. Mùng 2 lại đón anh em, họ hàng đến chơi. Mùng 3, nhà chị lại trở về sinh hoạt bình thường như những ngày nghỉ ngơi cuối tuần.
Thăm dò ý kiến
Bạn và gia đình sẽ làm gì trong những ngày Tết?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Gần nửa đêm một ngày đầu năm 2023, đồng hồ chuẩn bị điểm sang ngày mới. Chị Liễu dừng xe đạp bên quán ăn trên đường Hoàng Sa (quận Bình Thạnh, TP.HCM), nở nụ cười mời khách mua xoài lắc, bánh tráng trộn...
Xem thêm: mth.73960722260103202-iogn-ihgn-yah-av-tav-tet-yagn/nv.ertiout