Vào buổi sáng một ngày giáp Tết năm trước, cháu ghé nhà tôi chơi khoảng được mười phút rồi chào về. Cháu cũng rất thích vui chơi với đám bạn, đá bóng, đá cầu… nhưng đành phải về. Cháu cho hay: "Cháu chỉ được giải lao mười lăm phút. Cháu xuống đây chơi một lúc, giờ phải về học bài".
Nghe thế, tôi nói với cháu: "Nghỉ Tết rồi còn học gì nữa. Tết là dịp vui chơi, vận động thể thao nhiều hơn chứ, sao còn phải học?". Cháu buồn rầu nói: "Bố cháu dặn cháu rồi, Tết nay chỉ được nghỉ hai ngày. Đúng hai ngày thôi".
Tôi không hỏi cháu cụ thể về hai ngày nào trong Tết. Có thể là 30 và mùng 1, hoặc mùng 1 và mùng 2. Còn nhiều ngày khác trong dịp nghỉ Tết, cháu và nhiều học sinh khác phải vùi đầu với đống sách vở và bài tập mà thầy cô giao cho trước Tết.
Việc thầy cô giao bài tập quá nhiều "đánh cắp" ngày Tết của học sinh đã được nói đến nhiều năm nay, thế nhưng tình hình vẫn không thay đổi.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình là những địa phương đầu tiên "cởi trói" cho học sinh về việc nói không với bài tập Tết. Điều này nhận được sự ủng hộ của rất nhiều phụ huynh, học sinh. Các địa phương khác thì sao?
Tình trạng học ngày học đêm, kiểu học chạy "sô", học nhiều đến nỗi phải cầm sách ngồi sau lưng ba mẹ học bài trên "con đường đến trường", học thừa kiến thức giáo khoa nhưng thiếu kiến thức thiết thực từ cuộc sống hằng ngày, học đến mụ người khiến học sinh mệt mỏi, căng thẳng, trầm cảm… không những tồn tại mà còn phát triển trong nhiều năm qua.
Những bữa cơm ăn vội trên đường đến trường, thiếu ngủ vì làm bài tập quá nhiều ảnh hưởng sức khỏe, chưa kể tới hệ lụy khác khiến cho học sinh khó có thể có niềm vui mỗi ngày đến trường.
Tết đến, niềm vui chỉ thoáng qua mà không trọn vẹn, thậm chí có học sinh cảm thấy ám ảnh bởi áp lực mang tên "bài tập tết". Không ít trường hợp học sinh về quê đón Tết nhưng không quên "ôm" sách vở để làm bài, không ít học sinh vừa đi chơi vừa lo tới giờ về nhà làm bài tập…
Cũng có một vài trường, khi một vài thầy cô đặt mình vào vị trí học sinh đã chủ động "cởi trói" cho học sinh, sẵn sàng nói không với bài tập Tết. Tuy nhiên, số này chưa nhiều.
Trở lại câu chuyện của cháu hàng xóm, khi thầy cô đã gây áp lực cho học sinh vì ra bài tập quá nhiều, cha mẹ thay vì nên động viên và khuyến khích con hòa mình vào không khí Tết thì lại gây thêm áp lực, bắt con phải học nhiều. Có những cha mẹ (có trình độ) còn ra thêm nhiều bài tập cho con vào dịp Tết. Thế là con đón Tết trong sách vở.
Tết là dịp để con trẻ được nghỉ ngơi, để có niềm vui đón Tết. Bao bài học quý thiết thực từ những ngày Tết cần trao cho con thì cha mẹ lại "trói" con trong sách vở. Cha mẹ lại "đánh cắp" Tết của con vì điểm số, vì bệnh thành tích.
Đừng vin vào đủ thứ lý do, nhất là lý do thi cử, để trẻ phải gồng mình trong những ngày Tết với việc "học tập tại gia". Cha mẹ được nghỉ Tết, cha mẹ cũng từng là học sinh, vậy sao còn ép con học vào dịp Tết? Tết không bài tập, được không?
Học sinh tiểu học, THCS, THPT ở TP.HCM đều phải giải quyết lượng bài tập quá nhiều, có em tính được tổng cộng 66 bài tập phải giải quyết mỗi tuần.
Xem thêm: mth.40542518070103202-gnohk-coud-pat-iab-gnohk-tet-coh-iv-ohk-noc-gnohk-ed-nad-neid/nv.ertiout