* Hiện tại tôi là người chăm sóc các con nhưng chồng tôi nhiều lần xuất hiện tranh giành đón con trước cổng trường và gây rối trật tự công cộng.
Những hành động quá khích này của chồng tôi có giúp tôi thêm lợi thế khi giành quyền nuôi con không?
Bạn đọc @PhuongQuynh gửi câu hỏi trên tới Tuổi Trẻ Online.
- Giảng viên luật NGUYỄN THANH KHƯƠNG trả lời về quyền nuôi con:
Tòa án luôn dựa vào nguyên tắc thỏa thuận của hai vợ chồng để quyết định ai sẽ là người được nuôi con. Theo đó, sau khi ly hôn, hai bên có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.
Cha mẹ có quyền nuôi con trong các trường hợp sau đây:
- Con chưa thành niên.
- Con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Ngoài ra, nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ căn cứ vào các điều kiện tốt nhất cho con để chỉ định người được quyền nuôi con.
- Nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì ai trong hai vợ chồng muốn nuôi con phải hỏi qua nguyện vọng của con.
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao trực tiếp cho mẹ trừ khi người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi và chăm sóc con.
Để được giành quyền nuôi con, cha mẹ phải chứng minh mình có đủ các điều kiện kinh tế và tinh thần để tạo cho con môi trường phát triển tốt nhất về mọi mặt.
Theo đó, về điều kiện kinh tế, một trong hai người phải chứng minh mình có đủ điều kiện vật chất về thu nhập, tài sản, nơi ở ổn định…
Về tinh thần phải chứng minh bản thân có đủ thời gian để ở bên con, chăm sóc, nuôi dưỡng con, luôn phải đặt con lên hàng đầu…
Ngoài ra, một trong hai người có thể cung cấp thêm các chứng cứ chứng minh người còn lại không đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để nuôi dạy con cái, thường xuyên có hành vi bạo lực, thu nhập không ổn định...
Trong trường hợp này, hành động tranh giành đón con và gây rối trật tự nơi công cộng của người chồng là hành vi vi phạm an toàn giao thông, gây cản trở giao thông và gây rối trật tự công cộng, được xem là vi phạm hành chính.
Theo pháp luật, hành vi này không ảnh hưởng đến việc giành quyền nuôi con. Tuy nhiên, bạn nên gặp trực tiếp các chuyên gia, luật sư để cung cấp thêm dữ kiện tạo lợi thế trong việc giành quyền nuôi con.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được tư vấn pháp luật
Bạn có vấn đề về hôn nhân gia đình, tài sản, đất đai, bản quyền, hợp đồng kinh tế, thuế... cần được luật sư tư vấn cụ thể, vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.
TTO - Tôi và chồng cũ đã ly hôn, tòa xử cho chồng nuôi con. Nay chồng cũ tôi cưới vợ mới, không tự nuôi con mà giao cho em chồng nuôi ở nơi khác. Vậy tôi có được đòi lại quyền nuôi con không? (N.T.L., số điện thoại: 09786xxx)