Rất nhiều nguyên nhân khiến một ai đó có sẹo. Từ việc bị thương, bỏng, thậm chí là mụn. Sau khi lành, vùng da đó không bao giờ lấy lại được các chức năng như cũ. Cho đến nay, mọi nỗ lực trị sẹo đều không mang lại kết quả khả quan.
Mô sẹo trên da sẽ bị thiếu lông, tuyến mồ hôi, mạch máu và dây thần kinh. Đây vốn là những tuyến rất quan trọng dưới làn da. Chúng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, phát hiện cơn đau và các cảm giác khác. Sẹo cũng có thể làm giảm khả năng vận động. Thậm chí vết sẹo lớn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tinh thần cảm xúc của "chủ" nó.
So với mô sẹo, làn da khỏe mạnh thường trải qua quá trình tái tạo liên tục bởi nang lông. Vùng da có lông khi bị thương sẽ mau lành hơn và ít để lại sẹo hơn. Do vậy, các nhà nghiên cứu Anh và Tây Ban Nha đã thử cấy các nang tóc vào vết sẹo.
Các vết sẹo của ba người tham gia thử nghiệm đã có sau phẫu thuật và dày tới 3mm. Vết sẹo được chụp ảnh sinh thiết bằng kính hiển vi ngay trước khi cấy ghép. Sau đó chụp lại định kỳ mỗi hai, bốn và sáu tháng.
Kết quả cho thấy vùng da bị vết sẹo lâu năm dần phục hồi như khi không bị tổn thương. Sau đó, từ các vết sẹo này đã xuất hiện thêm các nang và mọc ra tóc.
Ở vết sẹo thông thường, sẹo làm cho lớp biểu bì mỏng đi, khiến da dễ bị rách hơn. Nhưng với vết sẹo được cấy nang tóc, sau sáu tháng lớp biểu bì đã tăng gấp đôi độ dày. Điều này khiến nó có cùng độ dày với nơi da không bị thương.
Đối với lớp da tiếp theo, lớp hạ bì, cũng xuất hiện nhiều mô liên kết. Các mạch máu, tuyến mồ hôi, dây thần kinh và nang lông xuất hiện chỉ 4 tháng sau khi cấy ghép. Các sợi collagen được tái tạo khiến mô sẹo mềm hơn.
Điều thú vị là khi áp dụng phương pháp trị sẹo mới thì các vết sẹo biểu hiện 719 gene khác với trước đó. Các gene thúc đẩy sự phát triển của tế bào và mạch máu được biểu hiện nhiều hơn, trong khi các gene thúc đẩy quá trình hình thành sẹo được biểu hiện ít hơn.
Mặc dù thử nghiệm này chỉ giới hạn ở vùng sẹo trên đầu, nhưng thành công trong thử nghiệm đã đặt nền móng cho các liệu pháp trị sẹo mới. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể làm trẻ hóa cả những vết sẹo từ lâu năm và phục hồi chức năng của làn da khỏe mạnh.
Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu sâu hơn để phát triển các liệu pháp biến sẹo thành làn da khỏe mạnh trên vùng da không có lông, hoặc trên các cơ quan như tim và gan.
Các vết sẹo sau phẫu thuật có thể làm suy giảm chức năng các cơ quan và gây ra tàn tật.
Nghiên cứu được công bố ngày 7-1 trên tạp chí Nature Regenerative Medicine.
TTO - Thời gian gần đây bệnh nhân tìm đến khoa Da Liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để điều trị sẹo rỗ khá đông. Nghe có vẻ 'lạ tai' vì dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Xem thêm: mth.2951427170103202-cot-gnan-yac-oes-irt-iom-pahp-gnouhp/nv.ertiout