Theo dự kiến, hôm nay (9-1), TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ mở lại phiên tòa sơ thẩm vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của nhãn hiệu bia Sài Gòn đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn.
Điểm đặc biệt của vụ án này đó là một trong hai bị cáo là pháp nhân thương mại - Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam.
Việc một pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội là quy định mới tại Bộ luật Hình sự 2015, và vụ SABECO là một trong những vụ án hình sự đầu tiên áp dụng quy định mới này.
Thùng bia được cho là xâm phạm nhãn hiệu trong vụ SABECO. Ảnh: CTV |
“Không phải đi tù”
Bộ luật Hình sự 2015 quy định chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một trong 33 tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 BLHS 2015 mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Có thể kể đến như tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm…
Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện gồm: (1) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; (2) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (3) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; (3) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).
Đáng chú ý, việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Điều này có thể thấy trong vụ SABECO, bị cáo còn lại chính là cựu giám đốc Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam - Lê Đình Trung.
Về nguyên tắc, mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.
Khi một pháp nhân thương mại bị tuyên phạm tội sẽ “không phải đi tù” như nhiều người vẫn hay nghĩ và thắc mắc là "đi tù như thế nào?". Thay vào đó, BLHS quy định đối với mỗi tội phạm, pháp nhân này sẽ bị áp dụng một trong ba hình phạt chính là phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ngoài ra, pháp nhân có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung như cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Pháp nhân thương mại phạm tội cũng có thể bị áp dụng biện pháp tư pháp như tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; khôi phục lại tình trạng ban đầu; thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.
Tham gia tố tụng thông qua người đại diện theo pháp luật
Tương tự như bị cáo là người, bị cáo là pháp nhân cũng được áp dụng quy định về miễn hình phạt và xóa án tích. Cụ thể, pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Và sẽ đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 2 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới.
Quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo là pháp nhân như bị can, bị cáo là người và được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật. Người đại diện này sẽ tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định.
Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, VKS, tòa án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế với pháp nhân gồm: Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân; buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án.
Thẩm quyền và thủ tục xét xử đối với pháp nhân
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự về các tội phạm do pháp nhân thực hiện là tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thì tòa án có thẩm quyền xét xử là tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm.
Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với pháp nhân phạm tội được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại BLHS. Phiên tòa xét xử đối với pháp nhân phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp; có mặt bị hại hoặc người đại diện của bị hại.