Bởi đây không phải dự án có đơn giá "sộp, lãi lắm", tuy nhiên vẫn có doanh nghiệp bằng mọi giá muốn mua lại "một phần" gói thầu, trở thành thầu phụ nhằm mục đích có công ăn, việc làm, giảm bớt khó khăn.
Do đó cùng với cho phép chỉ định thầu, rất cần có quy định chặt chẽ việc nhà thầu chính chỉ được giao thầu phụ bao nhiêu phần trăm của gói thầu.
Trong đó có thể yêu cầu nhà thầu chính phải thi công trên 50% gói thầu chứ không được "bán" tất cho các nhà thầu phụ vào thi công.
Thời gian qua các thủ tục đầu tư đã được tháo gỡ khá nhiều, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ Giao thông vận tải chỉ định thầu với các dự án của cao tốc Bắc - Nam, tiết kiệm khoảng ba tháng để triển khai.
Giải phóng mặt bằng và cơ chế thanh toán đã có tiến bộ hơn nên tiết kiệm được khá nhiều thời gian cho các nhà thầu.
Tuy nhiên việc chuẩn bị hồ sơ dự án như khảo sát, thiết kế dự toán... còn khiếm khuyết, khó triển khai.
Từ hồ sơ khảo sát, thiết kế chuẩn bị dự án còn sai lệch nên trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có thay đổi, phát sinh.
Khi đã có phát sinh thì thủ tục thanh toán lại trở nên phức tạp, mất thời gian và các ban quản lý dự án, chủ đầu tư đều ngần ngại xử lý.
Do đó cần nâng cao chất lượng, đẩy nhanh hơn nữa khâu chuẩn bị dự án và có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của các ban quản lý dự án, chủ đầu tư trong việc ký thanh toán, xử lý phát sinh để tạo điều kiện cho các nhà thầu.
Cạnh đó, vấn đề đơn giá định mức không phù hợp thực tế khiến nhà thầu quá thua thiệt.
Ví dụ đắp nền đường, Nhà nước quy định 16.000 đồng/m3 nhưng thực tế là 30.000 đồng/m3, cấp phối đá dăm là 30.000 đồng nhưng thực tế là 120.000 đồng; đóng cọc là 30.000 đồng/m dài nhưng thực tế là 150.000 đồng/m dài...
Đơn giá K máy áp dụng từ thời Liên Xô cũ, vô cùng lạc hậu, thấp bằng một nửa đơn giá thật, dẫn đến doanh nghiệp không đủ vốn tích lũy để thi công, năng suất ngành xây dựng vì thế thấp bằng một nửa so với khu vực.
Đơn giá nhân công cũng rất bất hợp lý, áp dụng từ 2019 nên sai lệch rất nhiều so với thực tế. Ví dụ công nhân bậc 3 là 235.000 đồng/công trong khi đơn giá thuê khoán hiện nay là 450.000 - 600.000 đồng/ngày, hoặc đơn giá lương kỹ sư bậc 2 là 6 triệu đồng/tháng, trong khi thực tế là 20 triệu đồng/tháng.
Bất cập giữa đơn giá kế hoạch và thực tế phải chi khiến các nhà thầu đang rất khó khăn, có nhà thầu như Vinaconex vừa bắt đầu triển khai gói thầu Mai Sơn - Quế Lộ, khi so sánh đơn giá gói thầu được duyệt và chi phí thực tế đã chắc chắn lỗ khoảng 40%, nhưng "không làm thì không có việc cho cán bộ nhân viên".
Vấn đề này đã chất vấn ở Quốc hội và bộ trưởng Bộ Xây dựng ghi nhận, đồng thời giao các đơn vị tiến hành sửa đơn giá định mức.
Tuy nhiên tốc độ sửa đang quá chậm, trong đó dự kiến năm 2023 sẽ chỉnh 57 đơn giá định mức lần đầu và để sửa phải tiến hành khảo sát từng đơn giá tại các đơn vị nhà thầu.
Song phải đến sau Tết, đơn vị được giao mới tiến hành đi khảo sát và dự kiến đến tháng 3, tháng 4 mới xong phần khảo sát.
Cạnh đó, định mức đơn giá Bộ Xây dựng dự kiến ban hành dưới dạng thông tư chứ không phải quyết định và trình tự ban hành mất khoảng ba tháng. Với tiến độ này phải đến cuối năm 2023 mới ban hành được chỉnh đơn giá định mức đợt đầu.
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Thủ tướng đã yêu cầu phải rất khẩn trương, chỉ định thầu để rút ngắn thời gian nhưng với vấn đề đơn giá định mức như vậy rất chậm trễ.
Do đó, rất mong muốn Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị làm rất khẩn trương, cập nhật càng sớm càng tốt đơn giá định mức bởi đây là vấn đề "sống còn" của thi công.
Đồng thời, thông tư nên ban hành theo trình tự rút gọn để các gói thầu đang bắt đầu triển khai đạt hiệu quả, chất lượng, tiến độ.
THÀNH CHUNG ghi
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn một có tình trạng một số nhà thầu có dấu hiệu chuyển nhượng thầu, nhưng tư vấn giám sát, Ban quản lý dự án không biết, hoặc biết nhưng làm ngơ.
Xem thêm: mth.56021259090103202-gnoc-iht-auc-noc-gnos-ed-nav-mos-aus-nac/nv.ertiout