Trao đổi với Tuổi Trẻ, Victoria nói: "Tôi đang làm nghiên cứu sinh ngành hải dương học và định hướng đi chuyên sâu vào lĩnh vực rác thải nhựa.
Sau khoảng thời gian học tiến sĩ tại ĐH Rhode Island, tôi muốn tìm một chương trình có thể trải nghiệm ở nước ngoài, tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu và hiểu biết văn hóa".
80% là rác thải nhựa dùng một lần
* Vì sao Victoria chọn vượt đại dương từ Mỹ sang Nha Trang làm nghiên cứu?
- Tôi chưa từng đến châu Á nên có phân vân giữa một số quốc gia. Khi tìm hiểu về Việt Nam, tôi cảm thấy nhiều sức hút đặc biệt về đất nước, con người nơi đây.
Việt Nam hiện cũng là một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và rác thải nhựa.
Một trong những giáo sư ở Mỹ của tôi cũng có một số mối quan hệ với các thầy cô tại Nha Trang. Vì vậy, tôi đã quyết định đến đây.
* Sau một khoảng thời gian miệt mài nghiên cứu, Victoria hiện đã ghi nhận được gì về rác thải nhựa ở Nha Trang?
- Nghiên cứu của tôi tập trung vào phân tích rác thải vùng biển Nha Trang. Mỗi tuần tôi sẽ đến những điểm đã được đánh dấu trong thành phố để thống kê và tính toán các loại rác thải nhựa, so sánh mức độ tăng giảm theo thứ tự thời gian. Trên những bãi biển, tôi đặt một số điểm khảo sát và tiến hành ghi nhận vào những ngày cố định.
Tôi ngược lên sông Cái để xem rác thải nhựa từ phía trên dòng sông đã đổ ra biển với tỉ lệ gia tăng như thế nào.
Sau hơn 3 tháng, tôi nhận ra được một số điểm đáng lưu ý.
80% rác thải tôi tìm được là các loại rác thải nhựa dùng một lần mà phổ biến nhất là túi ni lông, hộp ni lông, chai nhựa...
Điều này có nghĩa nếu giảm được lượng rác thải nhựa dùng một lần, đặc biệt với những loại rác phổ biến, thì sẽ giảm đáng kể lượng rác đổ về biển.
Nghiên cứu cũng giúp hiểu hơn về những nguồn, vị trí dễ gây ô nhiễm trong TP Nha Trang, những điểm "nóng" rác thải trên sông Cái...
Đây sẽ là những nơi mà các cơ quan chức năng có thể đặt trọng tâm trong những kế hoạch thu gom, xử lý rác thải.
Rác đổ về biển Nha Trang cũng đến từ các địa phương khác, xuôi dòng sông về hạ nguồn. Do đó, các giải pháp giảm rác thải nhựa ra biển còn cần sự đồng bộ giữa nhiều địa phương trong khu vực.
Biển còn rất nhiều thú vị
* Một số ngành khoa học tại các trường đại học ở Việt Nam hiện "trắng" hoặc có rất ít sinh viên, trong đó có ngành hải dương học. Xu hướng này có tương tự ở Mỹ?
- Những ngành học theo hướng hàn lâm và chuyên môn sâu như hải dương học ở Mỹ cũng ghi nhận ít người học hơn so với các ngành kinh tế hay công nghệ khác.
Tuy nhiên, hằng năm vẫn có nhiều bạn trẻ đam mê theo những hướng đi này vì muốn đóng góp sức cho cộng đồng và môi trường.
Hiện cơ hội việc làm cho sinh viên tại Mỹ theo học các ngành này đang tăng do chính phủ dồn lực cho những nghiên cứu và những dự án về môi trường.
Với tôi, biển và đại dương chứa đựng nhiều thú vị và bí ẩn mà chúng ta chưa biết. Tôi muốn tìm hiểu về những vẻ đẹp tiềm ẩn ấy.
Tôi cũng rất yêu biển. Đặc biệt ở Nha Trang, tôi chưa từng đến một bãi biển nào đẹp như thế. Biển xanh, cát vàng và những ngọn núi ven biển đã tạo nên một khung cảnh thật đẹp.
Nhiệt độ ở đây cũng lý tưởng để tắm biển, mỗi khi rảnh rỗi tôi thường ra đây lướt sóng.
* Một mình nghiên cứu ở đất nước xa xôi, lại theo đuổi hướng đi còn nhiều mới mẻ tại Việt Nam, Victoria chắc hẳn phải đối mặt với không ít thử thách?
- Ở Việt Nam và Nha Trang hiện chưa có nhiều người nghiên cứu về rác thải nhựa. Tôi thường gặp nhiều khó khăn để tìm tư liệu, thông tin.
Tôi cũng biết quá ít tiếng Việt, không đủ trò chuyện cùng người dân. Trong những lần thu thập số liệu, tôi thường rất muốn nói chuyện với các ngư dân.
Tôi muốn nghe góc nhìn của họ về rác thải nhựa họ bắt gặp trong những chuyến đánh bắt cá, về rác đã tác động đến cuộc sống của họ thế nào...
Người dân Việt Nam rất thân thiện, không chỉ ở Nha Trang. Có lần tôi đến thăm Huế một mình, nhiều học sinh tình cờ gặp tôi ở đây đã dẫn tôi đi thăm thú nhiều nơi.
Các bạn chở tôi đi ăn những món đặc trưng và giúp tôi hiểu hơn về văn hóa Huế. Tôi cảm thấy mình rất được chào đón ở Việt Nam.
Sức bật của người trẻ
* Theo Victoria, đâu là những hướng đi mà Việt Nam có thể theo đuổi để giải "bài toán" rác thải nhựa đại dương?
- Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đang có chiến lược tốt. Năm 2019, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, trong đó có rất nhiều giải pháp tích cực.
Theo tôi, thách thức sẽ nằm ở việc làm sao có được sự đồng hành của người dân như phân loại rác, không xả rác bừa bãi.
Trong quá trình này, người trẻ đóng vai trò rất quan trọng bởi họ sẽ giúp cải thiện ý thức của thế hệ tương lai.
Người trẻ có thể tham gia bằng những hành động nhỏ nhất để hạn chế rác thải nhựa dùng một lần như sử dụng các chai nước có thể dùng lại, chọn dùng các loại túi thân thiện với môi trường thay vì túi nhựa...
Họ cũng có thể tham gia dọn rác xung quanh nhà hay trường học. Việc này không chỉ làm môi trường sống sạch hơn mà sẽ truyền động lực, cảm hứng cho nhiều người khác.
Tạo hiệu ứng tốt
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Anh (Trường ĐH Nha Trang) cho rằng ở Victoria có một niềm đam mê khoa học, không ngại khó để thực hiện nghiên cứu.
Đặc biệt, Victoria thể hiện một tình yêu lớn về môi trường và luôn nỗ lực hành động thiết thực.
Trong khoảng thời gian vừa qua tại Trường ĐH Nha Trang, Victoria thường tham gia những chương trình chia sẻ với sinh viên về môi trường và những cách các bạn có thể góp sức để thay đổi.
Những chương trình của Victoria đều nhận được phản hồi tích cực và tạo được hiệu ứng tốt trong sinh viên.
TTCT - Giải pháp thật sự để chuyển đổi nền kinh tế nhựa phải là tạo ra ít nhựa hơn ngay từ đầu thay vì chăm chăm vào tái chế.
Xem thêm: mth.35663039090103202-gnourt-iom-uey-hnit-aot-nal-ym-iag-oc/nv.ertiout