Ở tỉnh, chỉ cần rời khỏi thị xã, thị trấn vài cây số là đã vùng sâu rồi. Nhân vật của tôi hầu hết hiện diện trên khắp những nẻo đường quê. Những em bé nhỏ xíu, còi cọc đeo cái giỏ bự hơn tấm lưng của mình lang thang ngoài đồng.
Những em bé vác túi gạo còn nặng hơn số ký lô của cơ thể mình. Những em bé xíu xiu chèo xuồng thuần thục giữa dòng nước xoáy để giăng lưới.
Những năm đó, dọc những tuyến đường lộ liên xã, cũng là đê bao ngăn lũ, san sát những lán trại tuềnh toàng cất tạm.
Những em bé 9-10 tuổi vừa giữ em vừa nấu cơm, vừa cho heo ăn. Sát một bên lưng các em là sông. Những em bé theo ba mẹ lênh đênh trên ghe, xuồng đi hết đám ruộng này đến đám ruộng khác để nhận công cắt lúa mướn, chăn vịt chạy đồng mướn.
Trẻ con cũng là một công lao động. Và chúng khoe nhau không phải điểm số, mà là số cá "hôi" được lúc người ta tát đìa, số lúa lượm được ở cánh đồng vừa cắt, số cua móc được từ những cây cù móc sắt tự chế, chọt thẳng vào hang cua ở bờ ruộng, mà nhiều hang đó không có cua, chỉ có rắn.
Có em kể hồn nhiên: hôm qua, em của con đang chơi cái lăn xuống sông. May mà con nhìn thấy kịp lúc.
Hôm qua, con bị lật xuồng lúc giở lưới cá, cái xuồng úp lên người con. Đứa đứng kế bên méc: do nó mê cá quá, chồm mạnh ra ngoài á cô.
Hôm qua, xíu chút nữa con bị rắn cắn, may mà có chú kia đi ngang đập chết con rắn. Hôm qua, con bị cua kẹp lủng thịt. Hôm qua, bạn con đi ngang cầu té xuống bị cây nọc xốc.
Hôm qua, em của bạn con té xuống sông lúc 4h sáng, cả nhà đều say ngủ... Hôm qua của tụi nhỏ ở quê là những hiểm nguy, là sống chết. Còn sống tức là giỏi.
Tôi cũng từng là một đứa trẻ mưu sinh sớm. 8 tuổi, tôi đã tự lội ruộng hái rau bán kiếm tiền mua sách giáo khoa và tập vở đi học. Bán cả buổi chợ, chỉ dám mua mỗi ngày một cuốn sách, hay một cuốn tập, còn bao nhiêu phụ má vào tiền gạo thóc.
Tôi từng một mình lang thang hết đồng này đến đồng nọ, lội qua những ao này mương kia. Nhiều lần hụt chân dưới ao sâu, chạy bán sống bán chết vì bị rượt do người giữ vườn hiểu lầm tôi xách giỏ đi bẻ trộm trái cây.
Má tôi hay anh em tôi đều không hề biết tôi đi xa như vậy, họ không hề biết tôi đã gặp những hiểm nguy nào.
Nhiều lần thoát chết, hỏi tôi có sợ không? Tôi có muốn dừng lại không? Tôi vẫn biết mình có sợ, có ám ảnh, nhưng làm sao mà dừng lại khi tôi cũng cần phải sống, phải đi học, phải vượt qua cảnh đời của chính mình.
Những em bé sống ở thành thị về quê, luôn được người nọ người kia xuýt xoa, khen chúng thơm quá, to bự quá, rằng ba mẹ chúng quý chúng hơn vàng.
Vậy ba mẹ của những đứa trẻ còi cọc, ốm yếu, thiếu ăn ở quê, ba mẹ chúng có thương có quý chúng không? Có. Nhưng không thể ngồi đó thương nhau với cái bụng đói.
Có lần, một em bé tôi gặp đã nói về ước mơ của mình khi tôi hỏi em sau này lớn lên muốn làm gì. "Em muốn làm người thử nệm".
Người thử nệm, là người có thể nằm miễn phí trên những tấm nệm êm ái. Còn cái lưng của em quen nằm dưới lườn ghe, gò đất là một cái lưng sẽ biết chính xác cảm giác mềm êm, sẽ biết tấm nệm nào phù hợp với khách hàng nào.
Có bao nhiêu đứa trẻ ước mơ thành "người thử nệm", thành "người xây nhà sô cô la"... những ước mơ con nít nghe mắc cười nhưng lại làm người lớn như tôi muốn khóc.
Trẻ em ở những vùng quê xa, được học, được chơi, được ba mẹ quan tâm thì được xem là may mắn nhất. Nhưng có lẽ, được gìn giữ cuộc sống của mình mỗi ngày, không phải bị những cái chết bất ngờ chụp lấy, mới là may mắn hơn.
Còn con người là còn tất cả.
Và còn con người quý trọng những mầm sống, quý báu những sinh linh để làm điều tử tế, có lẽ, mới là cốt lõi.
"Không có phép màu", hàng triệu người đã rơi nước mắt mà kêu thốt lên sau nhiều ngày họ cầu nguyện, níu giữ tia hy vọng mong manh cho sự sống của Hạo Nam - em bé bị rơi vào lòng ống trụ bê tông sâu 35m.
Xem thêm: mth.31060710190103202-gnos-noum-iot-me/nv.ertiout