Trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung Euro, tỷ lệ thất nghiệp đã xuống tới mức thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
Số lượng người nước ngoài gia nhập thị trường lao động châu Âu đang ngày càng tăng, một hiện tượng báo chí châu Âu cho là dấu hiệu bắt đầu giai đoạn nền kinh tế Liên minh châu Âu lệ thuộc vào nhân lực nhập cư.
Không thể tuyển được người làm đang là vấn đề của nhiều doanh nghiệp châu Âu. Tại Pháp, tờ Le Figaro có bài "Chưa khi nào tại Pháp, việc chờ người lại nhiều đến thế". Nước Pháp đang có 372.000 chỗ làm còn trống, theo dữ liệu của cơ quan thống kê.
Bài báo viết: "Logic kinh tế lẽ ra phải là khi tỷ lệ thất nghiệp thấp, số chỗ làm còn trống phải giảm. Nhưng sau đại dịch, tỷ lệ chỗ làm còn trống tại Pháp đã tăng từ 1,5 lên 2,34%. Mọi ngành đều bị ảnh hưởng: số người cần phải tuyển thêm đã tăng 87% đối với sản xuất công nghiệp, 75% trong ngành dịch vụ và 65% trong ngành xây dựng".
Không thể tuyển được người làm đang là vấn đề của nhiều doanh nghiệp châu Âu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Thiếu hụt nhân công không phải là khó khăn nhất thời, theo tờ Thời báo Thụy Sĩ ra hôm thứ Ba tuần trước. Bài báo viết: "Nếu như cán cân người cần việc và việc cần người cân bằng từ năm 2016, thì xu hướng đã đảo ngược theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp và có lợi cho người lao động kể từ năm 2021. Lý do là những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ sinh đẻ sau Chiến tranh thế giới thứ hai cho tới những năm 60, nay đã tới tuổi nghỉ hưu. Tỷ lệ sinh đẻ giảm từ những năm 80 kéo theo hậu quả số người trẻ gia nhập thị trường lao động ngày càng thấp hơn nhiều so với số người nghỉ hưu.
Các doanh nghiệp có thể tăng lương để thu hút người mới và giữ chân người đang có. Tuy nhiên một luật lệ tại nhiều nước Tây Âu đang làm cho doanh nghiệp thêm khó, đó là quy tắc tăng lương tự động vào đầu năm theo tỷ lệ lạm phát của năm trước.
Ba Lan cũng áp dụng quy tắc trên, theo tờ Super Express ra đầu tuần vừa qua. Năm 2022, lạm phát 10%, từ đầu năm nay, lương tháng tự động tăng tương ứng, trợ cấp thôi việc cũng tăng như vậy. Lạm phát cao đã buộc doanh nghiệp phải chi lương nhiều hơn, sẽ thêm gánh nặng nếu lại phải tăng thêm nữa để tuyển dụng và giữ chân nhân công.
Như vậy, lao động nhập cư đang là giải pháp của nhiều nước châu Âu. Nhập cư là những người không thuộc các nước thành viên Liên minh châu Âu, những người từ châu Á hay châu Phi di cư tới châu Âu tìm việc.
Tờ Borsen của Đan mạch có bài: "Số lượng kỷ lục người nhập cư trên thị trường lao động". Bài báo viết rằng: "Tỷ lệ người lao động nhập cư đã tăng đối với hầu hết các ngành công nghiệp. Trong các ngành dịch vụ y tế và xã hội, mức tăng lên tới 21,9%". Tình trạng thiếu hụt nhân công là thách thức lâu dài chưa thể tìm được giải pháp đối với nền kinh tế châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.67965231190103202-ua-uahc-coun-cac-iat-iougn-ohc-ceiv/et-hnik/nv.vtv