Hơn 2 năm trước, các nhà quản lý Trung Quốc đã hủy bỏ đợt IPO giá trị lớn kỷ lục của Ant Group. Động thái này đã gây ra làn sóng chấn động cho khắp thị trường vốn toàn cầu. Các quy tắc mới sau đó đã được áp dụng với gã khổng lồ ngành fintech này - công ty hoạt động từ mảng cho vay tiêu dùng, quản lý tài sản đến thanh toán trực tiếp.
Kết quả là, thời kỳ hoàng kim của các dịch vụ tài chính online đã thay đổi mạnh mẽ, trước những nỗ lực kiểm soát ngành công nghệ của chính phủ. Câu hỏi lớn tiếp theo với Ant là, liệu công ty này có cơ hội khác để niêm yết hay không, khi tỷ phú Jack Ma đã từ bỏ quyền kiểm soát?
1. Ant cần làm gì để có thể tái khởi động đợt IPO?
Điều quan trọng nhất là Ant Group cần thành lập một công ty chủ quản thuộc lĩnh vực tài chính, giống như một ngân hàng thông thường. Ant đang trong quá trình xin giấy phép từ NHTW để thành lập một công ty như vậy và được cho là đã ở gần giai đoạn cuối cùng hồi tháng 6.
Sau đó, Ant cần có sự thông qua của Uỷ ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) để được niêm yết ở Thượng Hải hoặc Hong Kong (kế hoạch dự kiến năm 2020 là IPO ở cả 2 thành phố). Hơn nữa, công ty fintech của tỷ phú Jack Ma cần sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo cấp cao và cơ quan chính phủ Trung Quốc, bao gồm Uỷ ban Phát triển và Ổn định Tài chính (FSDC).
2. Việc Jack Ma từ bỏ quyền kiểm soát đang có ảnh hưởng như thế nào?
Mới đây, Ant chính thức thông báo Jack Ma đang từ bỏ quyền kiểm soát và sẽ nắm giữ khoảng 6,2% quyền biểu quyết. Tuy nhiên, việc này có thể lại kéo dài thời gian “lên sàn” của Ant. Các doanh nghiệp không thể niêm yết trên thị trường cổ phần loại A của Trung Quốc, nếu có sự thay đổi về quyền kiểm soát trong 3 năm trở lại. Còn sàn STAR ở Thượng Hải thì quy định là 2 năm, Hong Kong là 1 năm.
3. Các cơ quan quản lý đưa ra những bình luận gì?
Theo Bloomberg, các nhà quản lý tài chính Trung Quốc đã tổ chức các cuộc thảo luận sơ bộ về việc nối lại đợt IPO cho Ant vào năm ngoái. Một trong số giới chức cho biết CSRC đã thành lập một nhóm để đánh giá lại các kế hoạch của công ty fintech này.
Vào ngày 9/6, Reuters đưa tin rằng ban lãnh đạo trung ương của Trung Quốc đã đồng ý khởi động lại kế hoạch niêm yết của Ant. Song, CSRC ngay lập tức lên tiếng, phủ nhận về thông tin họ đang xem xét về đợt IPO này. Cơ quan này cũng cho biết sẽ hỗ trợ các công ty công nghệ đủ điều kiện để niêm yết ở Trung Quốc và nước ngoài.
4. Ant đang làm ăn ra sao?
Chủ tịch Eric Jing cho biết Ant vẫn thực hiện đợt niêm yết nhưng năm ngoái phát biểu rằng họ vẫn chưa có kế hoạch. Công ty này cũng nhắc lại lời bình luận đó, khi thông báo về việc Jack Ma đang chuyển giao quyền kiểm soát, nói rằng Ant đang tập trung vào việc điều chỉnh và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.
Tháng 4/2021, PBOC yêu cầu Ant mở ứng dụng thanh toán của mình cho cả các đối thủ cạnh tranh và loại bỏ các “liên kết không phù hợp” nhằm hướng người dùng đến các dịch vụ sinh lợi hơn như cho vay. Ant đã thành lập một bộ phận tài chính tiêu dùng riêng, đi vào hoạt động trong cùng năm với các quy định mới hạn chế khả năng cho vay.
Các khoản vay tiêu dùng có liên kết với các ngân hàng trước đây đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của Ant và đã được tách ra khỏi các thương hiệu là Jiebei và Huabei. Ant nắm giữ 50% cổ phần trong mảng cho vay tiêu dùng, được Bloomberg dự đoán có thể phát hành các khoản vay khoảng 400-500 tỷ NDT.
Ngoài ra, giá trị các tài sản được quản lý bởi Yu’ebao - từng là quỹ MMF lớn nhất thế giới, đã giảm khoảng 36% xuống còn 759 tỷ NDT (111 tỷ USD) tính đến tháng 9 so với 2 năm trước.
5. Giá trị của Ant
Trước đợt IPO bị hủy bỏ, Ant được định giá 280 tỷ USD. Tuy nhiên, do quy định thay đổi trong 2 năm qua, giờ đây, công ty này chỉ còn có giá trị bằng 1 phần nhỏ so với con số trên vì hoạt động nghiêng về mảng “fin” (tài chính) hơn là “tech” (công nghệ).
Kỳ vọng về tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận của các công ty công nghệ thường cao hơn tài chính. Bởi vậy, Fidelity Investment đã hạ ước tính định giá của Ant xuống còn 70 tỷ USD vào năm ngoái, từ mức 235 tỷ USD ngay trước khi đợt IPO bị đình chỉ. BlackRock thì hạ dự báo xuống còn 151 tỷ USD, còn T. Rowe Price giảm ước tính xuống còn 112 tỷ USD.
6. “Phiên bản mới” được niêm yết của Ant sẽ như thế nào?
Ant có thể sẽ niêm yết công ty chủ quản. Năm 2021, PBOC cho biết Ant cần đưa mọi hoạt động tài chính vào thực thể đó và tổ chức này sẽ được quản lý giống với một ngân hàng hơn. Trong số các bộ phận thuộc quản lý của công ty mới có Alipay năm 2020 có 711 triệu người dùng hoạt động, chủ yếu ở Trung Quốc. Gần như ai ở đại lục cũng sử dụng ứng dụng này, từ mua cafe đến thanh toán bất động sản và Alipay xử lý 17 nghìn tỷ USD giao dịch mỗi năm. Hơn nữa, hoạt động quản lý tài sản và chấm điểm tín dụng của Ant có thể cũng phải được công ty chủ quản mới kiểm soát.
Có thể thấy, đến nay vẫn chưa rõ liệu cấu trúc mới của Ant sẽ ra sao và họ có cần phải tách biệt nhiều hơn nữa giữa hoạt động thanh toán và các đơn vị khác hay không. Ant được yêu cầu xây dựng cả “tường lửa” để giảm lưu lượng truy cập trực tiếp giữa Alipay và các dịch vụ khác như quản lý tài sản, quay trở lại đúng chức năng là một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán.
7. Cả lĩnh vực công nghệ Trung Quốc bị ảnh hưởng
Việc đợt IPO của Ant bị đình chỉ là sự khởi đầu cho một loạt các động thái pháp lý khác đối với các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc - vốn ưu tiên đà tăng trưởng bằng mọi giá. Thị trường vốn toàn cầu đã bất ngờ trước phản ứng của Bắc Kinh với các Big Tech nói chung và đặc biệt là quyền kiểm soát kho dữ liệu người dùng khổng lồ của các công ty tư nhân. Một số ngân hàng lớn còn nhận định cổ phiếu công nghệ Trung Quốc là “không thể đầu tư”.
Tuy nhiên, Bắc Kinh gần đây đã có thái độ bớt gay gắt hơn với lĩnh vực này. Các nhà quản lý đã phê duyệt những tựa game mới cho Tencent sau 1 thời gian dài tạm dừng và đồng ý cho bộ phận vay tiêu dùng của Ant tăng vốn điều lệ.
Tham khảo Bloomberg