Chiều 9-1, Quốc hội đã thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi với đa số đại biểu tán thành.
Quốc hội lần đầu luật hóa Hội đồng Y khoa quốc gia
Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi quy định giao Chính phủ quyết định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia.
Luật cũng giao Hội đồng Y khoa quốc gia chủ trì việc tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở huy động các cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu của việc tổ chức đánh giá năng lực.
Liên quan tới giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, luật quy định cụ thể các yếu tố, chi phí cấu thành cũng như nguyên tắc và căn cứ định giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Theo đó, bộ trưởng Y tế chủ trì, phối hợp bộ trưởng Tài chính trong việc quy định phương pháp định giá.
Bộ trưởng Y tế cũng sẽ quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán.
Giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ khác.
HĐND cấp tỉnh quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước trên địa bàn thuộc phạm vi được phân quyền nhưng không được vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do bộ trưởng Y tế quy định...
Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư theo phương thức đối tác công tư quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi quy định mới về tự chủ, xã hội hóa bệnh viện
Về tự chủ bệnh viện, Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi vừa thông qua quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn, các hoạt động khác phục vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật cũng quy định cụ thể các nội dung tự chủ về tài chính của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
Quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước định giá.
Quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Về quy định xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, luật quy định Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người bệnh và cộng đồng.
Khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoạt động nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh.
Cạnh đó, Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi cũng quy định cụ thể hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
Đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế...
Tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi được Quốc hội thông qua với tỉ lệ đại biểu tán thành là 78% (386/473 đại biểu), 51 người không tán thành và 36 người không biểu quyết.
Đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh, nguyên tắc tính đúng tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân.
Xem thêm: mth.58081415190103202-iom-hnid-yuq-ueihn-tohc-iod-aus-hneb-auhc-hneb-mahk-taul/nv.ertiout