Nhiều người kêu gọi không mua loại "đào rừng" này để bảo vệ môi trường. Phóng viên Tuổi Trẻ đi ngược chiều những cành đào rừng đang xuôi từ Tây Bắc về để tìm sự thật.
Đào rừng ở chợ đào trên núi
Theo con đường thương lái đưa đào về xuôi, chúng tôi ngược lên quốc lộ số 6. Những ngày cận Tết, nhiều đoạn ở đây ùn tắc vì người dân họp chợ đào. Ở những điểm như xã Loóng Luông, Vân Hồ, thị trấn Nông trường Mộc Châu, ngã ba Tà Làng, Cò Nòi (tỉnh Sơn La) hay đèo Pha Đin, ngã ba Tuần Giáo (Điện Biên)... những ngày này đang bạt ngàn đào. Những cành đào đủ hình dạng, kích thước từ những bó nhỏ như bó đũa đến những thân đào to như phích nước, tán trùm kín cả một khoảng sân.
Cành đào của bà con miền núi không nhiều hoa như dưới xuôi, cũng không được tạo thế kỹ lưỡng mà mộc mạc, xù xì. "Người dưới xuôi lạ lắm! Cành đào không mọc hoa, mọc toàn rêu mà "nó" (khách) mua 3 triệu", Giàng A Phư, bản Bó Nhàm, Vân Hồ (Sơn La), chia sẻ.
A Phư khoe nhà có mấy mảnh nương. Nương nào nhiều đá, trồng cây ngô không cho quả thì trồng đào. Nương nhiều nhất 200 gốc, nương ít vài chục gốc, cứ đất xấu, đất trống, lật đá lên, vùi đào xuống, cho cây "ăn" ít phân, vài năm sau có tiền triệu.
"Năm nay bán đào được 50 triệu đấy! Nhà mình có cả đào lấy quả, đào bán cành, cả đào lấy gốc nữa. Tết đến bán đào cho người dưới xuôi mua được con trâu béo", A Phư khoe.
Chỉ tính riêng ở huyện Vân Hồ (Sơn La) có khoảng 500ha đào bản địa như thế. Thực tế diện tích đào lớn hơn vì người dân trồng ở ven nương, triền núi, bìa rừng hoặc những nơi đất trống không thống kê hết. Trong số này, có hơn một nửa là diện tích đào trồng lấy hoa, cành phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân.
Ông Thái Bá Sinh - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) - cho hay cây đào đã được người dân trong vùng trồng từ vài chục năm trước. Ban đầu người dân trồng đào theo chủ trương của Nhà nước đưa giống cây này vào trồng tạo sinh kế cho bà con sau khi phá bỏ cây thuốc phiện.
Đào ở Mộc Châu, Vân Hồ trước đây chủ yếu trồng lấy quả. Sau này, giá trị kinh tế của cây đào lấy cành chơi Tết cao hơn, người dân chuyển sang trồng đào để bán dịp Tết.
"Cây đào rất hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Vân Hồ. Người dân chỉ cần trồng ba năm đã bắt đầu được thu. Điều đặc biệt là những nương đào ít được chăm sóc. Mưa phùn, sương giá, độ ẩm cao khiến rêu mốc, địa y bám vào thân cây lại càng có giá trị. Việc trồng, khai thác đào lấy hoa mỗi năm cho người dân huyện Vân Hồ thu nhập gấp nhiều lần trồng ngô, trồng sắn", ông Sinh cho hay.
"Đào rừng" không có trong rừng
Cây đào bản địa của bà con vùng núi phía Bắc từng phải chịu nhiều tiếng "oan" vì được gọi là "đào rừng". Tuy nhiên, theo khảo sát của cơ quan chuyên môn các tỉnh nhiều đào nhất là Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái... thì không có đào rừng mọc trong rừng tự nhiên. Hầu hết cây đào bản địa được người dân trồng trên nương, bìa rừng hoặc một vài trường hợp mọc gần đường đi do người dân bỏ hạt lại.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh - giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa, Lào Cai) - cho hay cây đào là giống cây ưa sáng, rất khó cạnh tranh trong rừng tự nhiên. Rất nhiều tài liệu nghiên cứu về lâm nghiệp có ghi nguồn gốc cây đào có ở rừng thuộc dãy Hoàng Liên Sơn nhưng thực tế rất hiếm gặp.
"Cây đào được người dân trồng thành vườn trên sườn núi hoặc ven nương, bìa rừng, gần đường đi... nơi đã được phát quang và có nhiều ánh sáng. Nếu đào mọc trong rừng tự nhiên rất khó cạnh tranh. Nó chỉ phát triển được vài năm đầu, đến khi các loại cây khác và dây leo chiếm ánh sáng đào sẽ không phát triển và chết", ông Hạnh lý giải về chuyện khó có đào rừng trong rừng tự nhiên.
Cách đây hai năm, khi các địa phương khác tìm cách dán tem, cấp giấy chứng nhận để người dân khai thác cành đào dịp Tết thì lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai khẳng định ở Lào Cai không có đào rừng nên người dân không phải dán tem hay xin giấy chứng nhận cho đào.
Vườn quốc gia cung cấp giống
Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên cho biết Sa Pa có điều kiện khí hậu, thời tiết hết sức đặc biệt. Sương mù nhiều nên rêu, địa y bám ở thân cây đào khiến cành đào ở vùng này vừa chơi được hoa, vừa chơi được thế.
"Mỗi cành đào đẹp bà con bán được cả triệu đồng, nhiều hộ thu được cả trăm triệu trong dịp Tết. Chủ trương chung của thị xã Sa Pa và của vườn quốc gia là khuyến khích bà con trồng đào để tăng thu nhập. Vườn quốc gia Hoàng Liên cung cấp giống, hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc. Còn những cây đào rừng (cây tớ dày, mai anh đào) trong rừng tự nhiên, đội ngũ cán bộ, nhân viên của vườn bảo vệ nghiêm ngặt", ông Hạnh khẳng định.
Ông Mạc Văn Tài (ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) - một thương lái đào rừng lâu năm - cho rằng dân buôn đào "rừng" nhiều nhất miền Bắc là Hải Phòng. Trước Tết hai tháng, dân buôn đã đi khắp nơi ở miền Bắc như Sa Pa (Lào Cai), Trạm Tấu (Yên Bái) hay Sơn La, Điện Biên, Lai Châu để "bắt" đào.
"Mỗi năm tôi chở khoảng hơn chục chuyến xe về xuôi. Cành nhỏ thì bán ở Hà Nội, cành to, đẹp đưa về Hải Phòng, còn nhỡ nhỡ và có dáng như "tài lộc", "tam đa", "phụ tử", "bạt phong" thì chuyển vào Thanh Hóa, Nghệ An. Về xuôi thì cứ gọi là đào "rừng" để dễ phân biệt với đào thế, đào cành ở dưới xuôi thôi", ông Tài nói.
Khỏi dán tem vì không còn đào trong rừng
Mấy năm gần đây, huyện Vân Hồ phải in tem nhãn truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho cành đào để phân biệt giữa đào được khai thác trong vườn nhà với đào tự nhiên. Tuy nhiên, cũng theo trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Hồ, qua khảo sát ở Vân Hồ không có đào mọc trong rừng tự nhiên. Việc dán tem chỉ để tạo điều kiện cho người dân thuận lợi hơn khi mua bán, vận chuyển... Năm 2022, huyện đã bỏ việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho cành đào vì không cần thiết.
TTO - Nhiều địa phương miền núi phía Bắc đang đề xuất cho dán tem để truy xuất nguồn gốc với cây đào, vừa nhằm ngăn chặn việc khai thác đào rừng để chơi kiểng, vừa hỗ trợ người dân tiêu thụ cây đào được trồng trên đất nông nghiệp.
Xem thêm: mth.4894733290103202-gnur-ut-taht-oc-gnur-oad/nv.ertiout